Năm 2019, các cơ sở dạy nghề quân đội ngừng tuyển sinh, vì thế, bộ đội xuất ngũ về địa phương chưa biết học nghề ở đâu. Đó là nguyên do tỉnh đề ra kế hoạch đào tạo nghề cho bộ đội xuất ngũ, giúp họ ổn định cuộc sống sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự.
Thanh niên sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự rất cần được hỗ trợ học nghề phù hợp. Ảnh: D.L |
Theo ông Nguyễn Thùy - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, chính sách đào tạo nghề cho bộ đội xuất ngũ hiện tỉnh chưa nắm được thông tin vì trước nay do các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong hệ thống quân đội thực hiện. Bộ đội xuất ngũ không được đào tạo nghề trong các trường nghề của Bộ Quốc phòng nữa, mà chuyển đến các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ở địa phương, do địa phương chịu trách nhiệm quản lý. Đây là nguồn lực tốt cho công tác đào tạo nghề cũng như xuất khẩu lao động theo định hướng của tỉnh. Ông Thùy cho biết: “Theo thông tin từ một số trường nghề, đầu năm 2019 một số bộ đội xuất ngũ đến các trường nghề của tỉnh xin học nghề theo cơ chế hỗ trợ, nhưng các trường nghề chưa thể tiếp nhận vì chưa có hướng dẫn thực hiện, không biết lấy nguồn kinh phí ở đâu để đào tạo. Chính vì thế, kế hoạch đào tạo nghề cho bộ đội xuất ngũ cần được UBND tỉnh xem xét và chỉ đạo thực hiện, đảm bảo quyền lợi cho thanh niên sau khi đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự”.
Kế hoạch đào tạo nghề cho bộ đội xuất ngũ đã được Sở LĐ-TB&XH trình UBND tỉnh và gửi các sở, ngành cho ý kiến. Tuyên truyền rộng rãi đến người dân cũng như bộ đội xuất ngũ về nghề nghiệp, việc làm là việc hết sức cần thiết, bởi đây là nguồn lực rất hiệu quả. Mỗi bộ đội xuất ngũ có thẻ học nghề, với mức hỗ trợ bằng 12 tháng lương cơ sở do Bộ Quốc phòng lấy nguồn kinh phí từ ngân sách trung ương cấp về. Hiện nay, Bộ Quốc phòng dừng việc đào tạo nghề cho bộ đội xuất ngũ, tỉnh chưa biết lấy nguồn nào để chi hỗ trợ đào tạo nghề. Theo Thông tư số 43/2016 của Bộ LĐ-TB&XH về hướng dẫn thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho các đối tượng quy định tại Điều 14 Nghị định số 61/NĐ-CP năm 2015, người học được hỗ trợ từ Quỹ Quốc gia về việc làm. Bộ đội xuất ngũ có thẻ học nghề (tương đương số tiền 12 tháng lương cơ sở tại thời điểm học nghề, có thời hạn sử dụng trong một năm sau khi xuất ngũ) dùng để học nghề. Vậy bộ đội xuất ngũ có quyền dùng thẻ này để học nghề. Tuy nhiên, ngân sách phải thanh toán số tiền đào tạo này cho cơ sở đào tạo nghề như thế nào lại là một vấn đề khiến UBND tỉnh lấn cấn. Bởi kinh phí dùng từ ngân sách tỉnh hay ngân sách trung ương bổ sung về theo kiểu như trước nay bổ sung cho Bộ Quốc phòng thanh toán vẫn chưa được hướng dẫn.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Thanh cho rằng, tỉnh có cơ chế hỗ trợ đào tạo nghề theo Quyết định 3577, mọi thanh niên đều có quyền học nghề và được hỗ trợ. Tuy nhiên, thực tế bộ đội xuất ngũ thường thích học các nghề khác nghề đang đào tạo theo Quyết định 3577, với nguồn kinh phí đào tạo cao hơn nên cơ chế của tỉnh không thể hỗ trợ các nghề này. Vì thế, ngành LĐ-TB&XH chỉ hỗ trợ thanh niên là bộ đội xuất ngũ học các nghề mà tỉnh đang hỗ trợ theo các cơ chế của Trung ương và của tỉnh. Đối với những ngành khác mà bộ đội xuất ngũ có nhu cầu học, nếu Bộ Quốc phòng không tiếp tục đào tạo nữa, phải có văn bản đề nghị gửi đến các địa phương, có đề xuất về nguồn kinh phí ra sao, nếu cấp thẻ mà không đào tạo thì phải cấp kinh phí để các cơ sở đào tạo nghề của địa phương thực hiện. Trước mắt, tỉnh chưa nắm được số lượng bộ đội xuất ngũ hàng năm, chưa biết được nguồn kinh phí đào tạo được thanh toán như thế nào, thì chưa thể ban hành một kế hoạch cụ thể trong đào tạo nghề cho bộ đội xuất ngũ.
UBND tỉnh sẽ có kế hoạch sau khi có ý kiến hay văn bản đề nghị từ Bộ Quốc phòng đối với vấn đề đào tạo nghề cho bộ đội xuất ngũ.
LÊ DIỄM