Nhiều hộ dân trong một số khu dân cư trên địa bàn phường An Mỹ (TP.Tam Kỳ) lấn chiếm đường thoát hiểm để cơi nới thêm diện tích, sử dụng chứa đồ đạc và thực hiện vào những mục đích khác. Thực tế này đang diễn ra ngày một phức tạp, gây nguy hiểm cho người dân ở khu dân cư trong trường hợp có sự cố xảy ra.
Tiềm ẩn nhiều hiểm họa
Đường thoát hiểm nằm trong quy hoạch xây dựng khu dân cư trước đây luôn ở sau lưng mỗi dãy nhà, bề ngang chừa vài mét dự tính vừa làm lối thoát hiểm, vừa xây cống bên dưới để thoát nước. Tuy nhiên, đường thoát hiểm tại các khu dân cư như khu dân cư số 1, khu dân cư số 5 và khu dân cư số 8 (phường An Mỹ) chưa được sử dụng đúng mục đích. Hầu hết người dân chưa ý thức được vai trò cũng như tầm quan trọng của đường thoát hiểm. Nhiều hộ dân đã tận dụng diện tích này để rào lưới, giăng bạt, lợp mái, lắp khung sắt để làm thành nhà kho chứa đồ đạc, thậm chí xây dựng tường gạch kiên cố thành chuồng nuôi gà, nuôi heo, bếp nấu ăn gây ô nhiễm môi trường. Những việc làm này vô tình gây ra nhiều hiểm họa. “Một số hộ dân sử dụng đường thoát hiểm như nhà kho, tự ý đổ đất lên đường thoát hiểm, làm cho chỗ thấp chỗ cao. Đến mùa mưa nước không thoát ra được lại tràn vào nhà chúng tôi” - bà Hà Thị Kim Loan, khối phố 10, phường An Mỹ cho biết.
![]() |
Đường thoát hiểm tại khu dân cư số 1 phường An Mỹ bị lấn chiếm làm nhà bếp và chuồng chăn nuôi. Ảnh: P.N |
Mới đây, tại nhà ông Nguyễn Phát (khối phố 9, phường An Mỹ) lúc trời mưa to, nước từ đường thoát hiểm tràn vào nhà làm hệ thống điện nhà ông bị chập, khiến cho vợ ông là bà Phan Thị Mai bị giật điện. Vợ chồng ông đã nhiều lần kiến nghị lên phường về vấn đề này. Còn bà Dương Thị Liễu (khối phố 10, phường An Mỹ) thì lo lắng: “Nhà tôi nằm cạnh Trường Mẫu giáo Thánh Gióng, ban đầu cũng có đường thoát hiểm. Nhưng từ khi nhà trường xây dựng thêm cái nhà kho phía trước đã bít luôn đường thoát hiểm lại. Bây giờ nếu chẳng may có hỏa hoạn xảy ra, nhà tôi không biết phải chạy đường nào”.
Việc một số hộ dân lấn chiếm đường thoát hiểm sử dụng vào mục đích riêng không chỉ ảnh hưởng tới những hộ khác, mà còn vô tình tự hại mình. Đặc biệt có không ít hộ là cán bộ, công chức, mặc dù hiểu rõ vai trò của đường thoát hiểm nhưng vẫn cố ý lấn chiếm để sử dụng cho mục đích riêng.
Trả lại đường thoát hiểm
Đã nhiều lần UBND phường An Mỹ nhắc nhở, tổ chức các cuộc họp, thậm chí phát thông báo đến từng nhà dân về việc tháo dỡ các công trình xây dựng lấn chiếm đường thoát hiểm, nhưng chỉ một số hộ tự giác tháo dỡ những công trình tạm bợ, đa số hộ có công trình xây dựng kiên cố vẫn ù lỳ không chịu thực hiện. Trước tình hình đó, UBND phường An Mỹ chỉ đạo lực lượng trực tiếp xuống phá bỏ những công trình được xây dựng kiên cố. Muốn phá bỏ các công trình này phải huy động nguồn nhân lực hùng hậu từ tổ trật tự đô thị, lực lượng dân quân, công an, tổ bảo vệ dân phố và cả kinh phí thuê nhân công tháo dỡ, kinh phí hỗ trợ cho các lực lượng tham gia. Với sự vào cuộc quyết liệt của lãnh đạo địa phương, thời gian vừa qua nhiều đường thoát hiểm tại khu dân cư số 8 đã được khai thông trở lại. Ông Thái Hùng Nhất - Phó Chủ tịch UBND phường An Mỹ cho biết: “Vừa qua, chúng tôi đã đập bỏ 4 công trình kiên cố, hơn 10 công trình bán kiên cố. Theo kế hoạch của địa phương, trong thời gian tới đây sẽ lập lại trật tự ở các lối thoát hiểm tại các khu dân cư trên địa bàn phường, cuối tháng 9 sẽ xong khu dân cư số 1, và qua đầu tháng 10 sẽ triển khai ở khu dân cư số 5”.
Việc trả lại đường thoát hiểm tại các khu dân cư trên địa bàn phường An Mỹ chỉ mới thực hiện thí điểm tại khu dân cư số 8, nhưng đã phần nào xóa bỏ hình ảnh nhếch nhác, đảm bảo mỹ quan đô thị. Mặc dù chây ỳ, không có tinh thần tự giác tháo dỡ các công trình, nhưng khi lực lượng chức năng vào cuộc không gặp phải sự chống đối nào, ngược lại còn nhận được sự hợp tác của các hộ dân. Anh Lê Anh (khối phố 9, phường An Mỹ) chia sẻ: “Từ khi đường thoát hiểm phía sau nhà tôi được dọn dẹp sạch sẽ, tôi không còn lo lắng khi mùa mưa sắp tới gần. Hơn nữa, gia đình tôi cảm thấy yên tâm hơn nếu chẳng may có sự cố cháy nổ xảy ra”.
Không phải người dân nào cũng ý thức được tầm quan trọng của đường thoát hiểm. Chính vì vậy, bên cạnh việc quyết liệt trong công tác lập lại trật tự trên các lối thoát hiểm, UBND phường An Mỹ sẽ đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức tự giác, tránh tình trạng các hộ dân lại tiếp tục lấn chiếm đường thoát hiểm. Bảo vệ đường thoát hiểm cũng chính là giữ gìn cho mình một con đường sống sót khi có sự cố cháy nổ, hỏa hoạn bất ngờ xảy ra.
PHÚC NGUYÊN