Hàng loạt gói kích cầu, ưu đãi thiết thực được ngành du lịch Quảng Nam tung ra với kỳ vọng khách nội địa sẽ là đòn bẩy giúp ngành du lịch vượt qua sóng gió. Lãnh đạo Tổng cục Du lịch (Bộ VH-TT&DL) và Sở VH-TT&DL Quảng Nam đã dành cho Quảng Nam Cuối tuần những trao đổi, kỳ vọng về sự phục hồi du lịch địa phương.
* Ông nhìn nhận ra sao về các gói kích cầu mà ngành du lịch địa phương tung ra trong diễn đàn du lịch vừa qua?
Ông Hà Văn Siêu - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch: Thay mặt Tổng cục Du lịch, tôi đánh giá rất cao sự phối hợp tích cực, chủ động của UBND tỉnh Quảng Nam và Sở VH-TT&DL đã đi đầu triển khai các hoạt động hưởng ứng chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”. Hiện nay, rất nhiều tỉnh thành trên cả nước đều đã và đang rục rịch tung ra rất nhiều chương trình kích cầu khách nội địa nhưng điểm khác biệt, sáng tạo của Quảng Nam mà bản thân tôi đánh giá rất cao chính là gói kích cầu “Ở 3 trả 2” và đặc biệt là gói “Thank you” tri ân lực lượng y bác sĩ ở tuyến đầu chống dịch. Đây là một chương trình đầy tính nhân văn và chắc chắn sẽ lan tỏa mạnh mẽ hình ảnh du lịch Quảng Nam ra toàn quốc.
* Có một số quan điểm cho rằng việc kích cầu nếu quá chú trọng đến việc giảm giá sâu các dịch vụ sẽ ảnh hưởng đến ngành du lịch về lâu dài, thưa ông?
Ông Hà Văn Siêu: Trước tiên phải nói rằng, việc giảm giá các gói dịch vụ để kích cầu du lịch là khuynh hướng chung để thúc đẩy khách nội địa. Tuy nhiên, Tổng cục Du lịch cũng không khuyến khích việc giảm sâu các gói dịch vụ bởi một khi đã giảm sâu rất khó để tăng lại, ngoài ra còn dễ dẫn đến phá giá, cạnh tranh không lành mạnh. Các doanh nghiệp du lịch chỉ nên xem giảm giá là một trong các yếu tố để hút khách thôi, ngoài ra cần phải chú trọng hơn nữa đến việc tạo ra các dịch vụ tăng thêm và cho khách thấy điểm đến này có gì mới, hấp dẫn và đặc biệt là an toàn để khách cảm thấy hào hứng và lên lịch cho chuyến đi.
* Vậy ông có thể đánh giá về cơ hội phục hồi của du lịch Quảng Nam nói riêng cũng như du lịch khu vực Trung Bộ nói chung?
Ông Hà Văn Siêu: Du lịch biển đảo từ lâu là đặc trưng của khu vực duyên hải Trung Bộ, đã được Chính phủ định hướng phát triển trong chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Hầu hết tỉnh thành trong khu vực sở hữu kho báu du lịch văn hóa rất độc đáo, trong đó Quảng Nam nổi trội với 2 di sản văn hóa thế giới và vô số di sản vật thể, phi vật thể có thể khai thác phát triển du lịch. Tác động của dịch bệnh tạo ra xu thế du lịch khi du khách hướng đến nhóm nhỏ hộ gia đình, chất lượng cao đảm bảo độ an toàn. Quảng Nam có đủ sản phẩm về du lịch an toàn, tốt cho sức khỏe và đã triển khai nhiều động thái để đáp ứng được các tiêu chí này nên đây là tiền đề để tin rằng du lịch Quảng Nam cũng như khu vực Trung Bộ sẽ sớm phục hồi trở lại.
* Nhưng lâu nay việc thu hút khách nội địa cũng không phải là lợi thế của Quảng Nam?
Ông Hà Văn Siêu: Năm nay có đặc điểm học sinh chưa được nghỉ hè, do vậy độ trễ của du lịch biển miền Trung có thể trên dưới một tháng. Nhưng theo quan sát của tôi khi du lịch nội địa mở lại thì nó diễn biến nhanh theo từng ngày, nhất là sau dịp 30.4 và 1.5, thực tế thì du lịch Quảng Nam đã phần nào sôi động trở lại. Tại một số hội nghị du lịch, có đại biểu kiến nghị kéo dài thời gian nghỉ hè của học sinh thêm một chút và lui thời gian khai giảng thì đó có thể là một giải pháp, ngoài ra cũng đang có ý kiến tính toán thời gian nghỉ hợp lý cho người lao động để kích cầu du lịch nội địa.
* Còn những tính toán về việc mở cửa lại với thị trường khách quốc tế khi đủ điều kiện thì sao, thưa ông?
Ông Hà Văn Siêu: Cho đến nay, Việt Nam đã được truyền thông quốc tế đánh giá là một trong những điểm đến an toàn nhất thế giới. Từ thực tế này, chúng ta nên ưu tiên thúc đẩy du lịch nội địa một cách bài bản trước, từ đây chúng ta tạo ra một bước đột phá, ấn tượng mạnh để du lịch quốc tế người ta nhìn vào thì một khi mở cửa đón khách trở lại chắc chắn nước ta sẽ có đà phục hồi tốt khi trở thành lựa chọn hàng đầu của du khách về du lịch an toàn. Còn thời điểm cụ thể để đón khách quốc tế trở lại thì bây giờ chưa thể trả lời được.
Sẵn sàng đón khách
* Thời gian qua Sở VH-TT&DL đã xây dựng kế hoạch phục hồi du lịch như thế nào?
Ông Nguyễn Thanh Hồng - Giám đốc Sở VH-TT&DL: Thực hiện chương trình phát động “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” của Bộ VH-TT&DL, thời gian qua sở đã tập trung phối hợp với các địa phương, đặc biệt là UBND TP.Hội An và UBND huyện Duy Xuyên, nơi có nhiều điểm, khu du lịch có bán vé tham quan để thảo luận, thống nhất đưa ra chương trình kích cầu hết sức thiết thực như miễn giảm vé 100% cho đội ngũ y bác sĩ tuyến đầu chống dịch; miễn 100% vé các điểm tham quan cho khách lưu trú qua đêm; miễn cho đối tượng học sinh; giảm vé cho khách đoàn. Riêng với doanh nghiệp trong lĩnh vực lưu trú, lữ hành thì giảm phí ở khách sạn và các tour nhưng vẫn đảm bảo chất lượng tốt nhất, thậm chí tốt hơn. Quan điểm của chúng tôi là giảm giá chứ không giảm chất lượng.
Đặc biệt, với công tác quảng bá xúc tiến, sở đang tập trung quảng bá mạnh mẽ thị trường khách nội địa. Đối với thị trường khách quốc tế thì đang xây dựng kế hoạch xúc tiến cho giai đoạn 2021 - 2025 sau khi thế giới khống chế được dịch. Dự kiến sẽ có nhiều hình thức như tổ chức các sự kiện, diễn đàn, ký kết chương trình phục hồi kích cầu chung giữa Quảng Nam, TP. Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế chủ đề “Ba địa phương một điểm đến an toàn, mến khách”. Đặc biệt, ngày 10.6 tỉnh sẽ phố hợp với Hiệp hội Du lịch và các đơn vị liên quan tổ chức hội thảo tái cấu trúc các hoạt động du lịch theo tinh thần từ nay đến cuối năm ưu tiên thị trường khách nội địa, riêng thị trường khách quốc tế là xây dựng chiến lược dài hơi cho giai đoạn 5 năm tới.
* Du lịch Quảng Nam kỳ vọng gì từ các giải pháp, kích cầu này, thưa ông?
Ông Nguyễn Thanh Hồng: Có thể nói đây cũng là cơ hội để Quảng Nam nhìn nhận, đánh giá lại vấn đề quản trị của doanh nghiệp, đổi mới sản phẩm cũng như nâng cao năng lực và chất lượng phục vụ. Đặc biệt, chúng ta cũng sẽ có thêm sản phẩm mới, nâng cao quản trị doanh nghiệp. Đồng thời phục hồi, mở ra những thị trường du lịch mới mang tính bền vững và phù hợp với từng giai đoạn nhưng không quá phụ thuộc vào thị trường nào để tránh gặp khó khi có biến động. Các sản phẩm du lịch mới sẽ mang tính đặc trưng của văn hóa và con người xứ Quảng như di sản, thiên nhiên, biển đảo, các làng nghề truyền thống. Tìm lối mở khai thác các tiềm năng vùng núi phía Tây, các lễ hội truyền thống độc đáo…
* Qua diễn đàn này du lịch Quảng Nam muốn gửi thông điệp gì?
Ông Nguyễn Thanh Hồng: Ngoài hành động cụ thể và tiên phong trong việc thực hiện kế hoạch “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” do Bộ VH-TT&DL phát động thì Quảng Nam cũng muốn khẳng định sự tập trung cao độ cùng với các đối tác để đưa ra những gói kích cầu, liên kết điểm du lịch phục vụ khách bằng những sản phẩm mới, chất lượng nhất; đồng thời, ban hành những cơ chế chính sách, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp du lịch nói riêng. Có thể mục tiêu tăng trưởng khách năm nay không đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra, tuy nhiêu cũng không quá quan trọng. Chúng tôi coi đây là một cơ hội để tính cho chiến lược dài hơi 2021- 2025 và tầm nhìn đến 2030, đặc biệt là cơ hội để tái cấu trúc lại du lịch Quảng Nam giai đoạn tới phát triển bền vững hơn.
Xin cảm ơn hai ông về cuộc trao đổi này!