Lẫn lộn thành hoàng

CHU THỤY 24/07/2016 07:35

Câu chuyện thành hoàng trở thành một gợi ý thú vị trong buổi gặp gỡ báo chí của thành phố Hội An dịp 21.6 vừa rồi. Hôm ấy dường như ông Nguyễn Sự, nguyên Bí thư Thành ủy Hội An, có nhiều tâm sự nhân nói về một dự án lớn mà ông cho là sẽ làm xáo trộn đời sống của quảng đại dân cư phố Hội. Ông nghĩ về hậu quả di dời. Ông hình dung chuyện thành hoàng làng này “lẫn lộn” với thành hoàng làng khác. Rồi giật mình nghĩ ngợi xa hơn: Người dân có thể lưu vong ngay chính mảnh đất của mình…

Bình yên một quãng sông nơi phố Hội. Ảnh: CHU THỤY
Bình yên một quãng sông nơi phố Hội. Ảnh: CHU THỤY

Liệu ông Sự có quá cực đoan và lo xa?

Hỏi thế, là bởi tôi sực nhớ về những công trình nghiên cứu dày dặn về văn hóa làng, về làng ở Việt Nam của giáo sư Vũ Ngọc Khánh. Các công trình của giáo sư Vũ Ngọc Khánh chủ yếu nghiên cứu về văn hóa dân gian, với các cuốn “Thờ cúng dị đoan”, “Lược truyện thần tổ các ngành nghề”, “Thành hoàng làng Việt Nam”, “Văn hóa Làng ở Việt Nam”, “Văn hóa dân gian người Việt”… Ông viết về tín ngưỡng thành hoàng rất hay. Thí dụ, người dân hoàn toàn tin tưởng vào nguồn gốc, lịch sử của các vị thành hoàng thờ ở khắp Bắc Trung Nam (dù mơ hồ hay cụ thể). Họ dành niềm trân trọng kính cẩn ngang nhau, không phân biệt cao thấp. Sắp xếp thứ bậc cho thành hoàng – thượng đẳng, trung đẳng hay hạ đẳng – là việc của các vua quan hay lý dịch, chứ người dân không quan tâm đến. Thậm chí, người ta chỉ biết hành trạng của các vị thành hoàng để khi cần thì kể cho nhau nghe một cách thành kính và thích thú, “chứ không băn khoăn, không đặt ra câu hỏi đúng - sai, thực - giả”, giáo sư Vũ Ngọc Khánh viết trong cuốn “Văn hóa Làng ở Việt Nam”.

Bây giờ, dù không thấy ai đặt ra câu hỏi đúng - sai, thực - giả nhưng lại đi xa hơn khi lo nghĩ về chuyện “lẫn lộn” thành hoàng, như ông Sự.

Rõ ràng, những xê dịch về không gian rất dễ làm méo mó chiều kích văn hóa, nhất là với cộng đồng làng vốn dĩ định hình trong quãng thời gian dài qua nhiều thế hệ. Sau những cuộc Nam tiến vĩ đại trong lịch sử dân tộc, chúng ta nhận ra các thế hệ di dân luôn “cõng” trên lưng cả làng mạc và cả vị thành hoàng, xét ở khía cạnh lực lượng ly hương lẫn sự níu kéo tâm linh. Và có một “nhân chứng” thú vị như thế đang hiện diện tại miền Trung: chiếc cối đá sần sùi được cho là có niên đại từ nửa sau thế kỷ 15, do vị tiền hiền Trương Công mang theo trong cuộc khai khẩn đất Nam An ở gần bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng) đang trưng bày bên trong bảo tàng Đồng Đình của đạo diễn Đoàn Huy Giao.

Làng ngày xưa thường có đình. Suốt mấy trăm năm, từ Nam chí Bắc các ngôi đình đã được dựng lên và thiết chế đó chính là “nơi hội tụ văn hóa”, như giáo sư Vũ Ngọc Khánh nhìn nhận. Chúng ta cũng có thể liệt kê thêm 3 “chức năng” đặc biệt nữa của đình làng: trung tâm hành chính, trung tâm văn hóa, trung tâm tín ngưỡng. Và các “chức năng” ấy dần dà hun đúc để đình - làng hóa thân thành hình bóng quê hương, thành ký ức, thành nơi vọng tưởng, và để người xưa bật lên câu hát “qua đình ngả nón trông đình…”.

Trong không gian thân thuộc ấy, xuân thu nhị kỳ có lễ có hội. Lễ là không gian của thần linh và cho quá khứ; hội là nơi chốn cho người đang sống và của thì hiện tại. Các nhà nghiên cứu tìm thấy một sự ràng buộc vô hình trong không gian cố hữu của làng: Mọi hành vi của cộng đồng thường được điều chỉnh qua các giá trị của đạo đức (khuyến thiện) và điều luật của luật pháp (trừng ác). Nếu luật pháp ràng buộc hành vi, thì đạo đức chỉ bàng bạc qua những quy ước riêng và hình thành qua nếp sống. Cũng từ đấy, con người ta có niềm tin và biết cách đặt niềm tin. Nói như ông Nguyễn Sự, những ràng buộc vô hình của nếp sống khiến người ta cứ thấy “kỳ kỳ” mỗi khi làm điều gì trái với lương tâm đạo lý, dù điều gì đó không hề bị luật pháp điều chỉnh. Mà cái sự “kỳ kỳ” đó lại khiến con người ta trở nên ngay ngắn…
Và đây chính là lý do khiến những người luôn quan hoài về giá trị của yếu tố cộng đồng làng ở miền Trung phải suy nghĩ. Bởi một khi bị tách ra khỏi sự ràng buộc vô hình của cộng đồng, con người như chịu một lực ly tâm và đơn độc, khiếm khuyết biết chừng nào?

Nhưng cuộc sống luôn phát triển về phía trước. Các cộng đồng làng, các vị thành hoàng làng đôi khi cũng phải bấm bụng “di dời”. Đã có một thời người ta xuýt xoa khi bàn về số phận những di tích văn hóa, lịch sử nằm dọc địa bàn vùng đông Quảng Nam sẽ phải đối diện nguy cơ di dời khi các dự án lớn động thổ… Cuộc di tản nào cũng gây đau đớn, nhưng trong chủ trương giải tỏa luôn đặt ra yêu cầu “nơi ở mới phải tốt hơn nơi ở cũ”. Ở những vùng miền đang kiến thiết, sự xáo trộn đó là điều có thể hiểu được. Nhường đất cho dự án liên quan đến công cộng, dân sinh, quốc phòng, hay bất đắc dĩ tránh khỏi nạn biển lở núi sập, thì người dân đành chịu thiệt riêng để được lợi chung. Nhưng lấy cả vệt đất lớn, buộc số đông người dân đi nơi khác chỉ để làm lợi cho một doanh nghiệp nào đó, thì rất thiếu công bằng. Đó là bài toán lớn của nhà quản trị.

Thành hoàng này “lẫn lộn” với thành hoàng khác chỉ là một lối nói hình tượng. Con người bị lưu vong ngay chính nơi mình đang sống cũng là một cách cường điệu. Nhưng đừng coi nhẹ hình tượng và sự cường điệu. Phải cho các thế hệ mai hậu được kể “một cách thành kính và thích thú” về những vị thành hoàng của họ, rộng ra là kể về xứ sở họ đang cư ngụ. Đến thành hoàng mà còn “lẫn lộn”, thì con người ta làm sao “ngay ngắn”?

CHU THỤY

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Lẫn lộn thành hoàng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO