"Lăn lộn" trên con đường khởi nghiệp

TÂM ĐAN 15/12/2022 09:20

Mê kinh doanh từ ghế giảng đường và trải qua không ít lần thất bại, chàng trai đến từ quê hương xã Bình Phục (Thăng Bình) đã tìm thấy “ánh sáng” trên con đường khởi nghiệp.

Anh Lâm Phụng Điệp tại buổi thuyết trình ý tưởng, dự án khởi nghiệp cấp tỉnh năm 2022. Ảnh: VINH ANH
Anh Lâm Phụng Điệp tại buổi thuyết trình ý tưởng, dự án khởi nghiệp cấp tỉnh năm 2022. Ảnh: VINH ANH

Thất bại không chùn bước

Những năm 2007, 2008, mới chân ướt chân ráo vào TP.Hồ Chí Minh học tập, anh Lâm Phụng Điệp - Giám đốc HTX Thanh niên Bình Phục đã tự tìm cách kinh doanh. Từ bán sim, điện thoại đến làm nhân viên kinh doanh cho trang web ẩm thực, việc gì anh Điệp cũng làm nhằm kiếm tiền trang trải ăn học.

Sau 3 năm, vì lý do gia đình, anh Điệp quyết định về quê và tiếp tục đăng ký học liên thông đại học tại Trường Đại học Duy Tân (TP.Đà Nẵng). Thời gian này, anh tranh thủ vừa học vừa làm, lúc thì làm sale cho nhãn hàng number one, khi thì xin vào làm việc tại công ty thuốc lá. Những năm 2014, đang là sinh viên nhưng anh Điệp đã được công ty trả lương 7 - 8 triệu đồng/tháng.

“Làm thuê mãi cũng chán nên tôi quyết định tự lập. Từ năm 2015, qua thông tin trên mạng, tôi lên Đắk Lắk, ra Đà Nẵng tham quan các mô hình chăn nuôi dúi. Sau đó tôi mua con giống nuôi thử nhưng thất bại vì dúi không sinh sản. Không nản chí, tôi tiếp tục thử sức với một số mô hình khác. Đến năm 2016 thì bén duyên với nghề nuôi gà đẻ trứng” - anh Điệp kể.

Mô hình “Hệ thống dinh dưỡng sạch Điệp Oanh” đã được khai trương tại Thăng Bình và TP.Tam Kỳ. Ảnh: VINH ANH
Mô hình “Hệ thống dinh dưỡng sạch Điệp Oanh” đã được khai trương tại Thăng Bình và TP.Tam Kỳ. Ảnh: VINH ANH

Mọi chuyện đang suôn sẻ nhưng với tính cách nóng vội, muốn thành công sớm, anh Điệp gặp rắc rối khi mở đại lý cấp 1 cung cấp thức ăn gia cầm tại địa phương.

“Tôi bán hết vàng cưới, vay tiền để kinh doanh. Ban đầu ổn nhưng về sau dịch bệnh kéo dài khiến người chăn nuôi gặp khó, không trả tiền mua thức ăn gia cầm. Tôi ráng theo người nông dân nhưng vòng xoáy đó cứ kéo dài đến lúc không thể trụ nổi vì số nợ quá lớn. Tôi gắng bình tĩnh lại, sau đó tiếp tục xây dựng thị trường trứng gà bỏ dở”.

Rút bài học sau những thất bại, anh Điệp chọn cách “đi chậm mà chắc”. Anh đầu tư nuôi gà lấy trứng và bán thêm gà ác thịt. Doanh số tăng đều khi anh không chọn kênh bán lẻ mà chủ yếu bỏ sỉ. Trứng gà tiêu thụ tốt nên xoay vòng vốn nhanh, tiền nợ được trả dần. Năm 2018, anh Điệp thành lập HTX Thanh niên Bình Phục với mong muốn kết nối người nông dân, tạo ổn định nguồn cung thị trường.

Bước ra khỏi “lũy trẻ làng”

Luôn muốn khám phá, thử thách bản thân nên anh Điệp không chịu dẫm chân một chỗ. Từ buôn bán trứng, anh bán thêm gà ác tươi làm sẵn và gà ác sống. Khi thấy thị trường chậm, anh lại trằn trọc suy nghĩ tìm cách thay đổi.

Anh Lâm Phụng Điệp giới thiệu sản phẩm “Gà tiềm thuốc bắc hạt sen” được bán tại “Hệ thống dinh dưỡng sạch Điệp Oanh” của mình.
Anh Lâm Phụng Điệp giới thiệu sản phẩm “Gà tiềm thuốc bắc hạt sen” được bán tại “Hệ thống dinh dưỡng sạch Điệp Oanh” của mình.

Anh Điệp cho biết: “Tìm hiểu tôi biết nhu cầu thị trường về sản phẩm gà ác lớn trong khi nguồn cung không nhiều. Ngoài bán thịt, tôi nghiên cứu các vị thuốc bắc bán kèm với gà để tạo thuận tiện cho khách hàng khi chế biến. Đến bây giờ sản phẩm “Gà tiềm thuốc bắc hạt sen” được tôi chế biến, đóng gói sẵn, sạch sẽ, đảm bảo an toàn thực phẩm, được kiểm nghiệm, rất tiện lợi cho khách hàng khi sử dụng”.

Hiện nay đầu ra sản phẩm của HTX Thanh niên Bình Phục khá tốt, trung mỗi ngày cung cấp thị trường từ 1.000 - 1.500 quả trứng và 100 con gà. Ngày nhiều có thể bán tới 200 - 300 con. Dự kiến doanh thu mỗi năm từ 2,5 - 3 tỷ đồng.

Để thử sức và mong muốn học hỏi nhiều hơn, năm 2022, anh Điệp quyết định đưa sản phẩm “Gà tiềm thuốc bắc hạt sen” đăng ký dự thi ý tưởng, dự án khởi nghiệp sáng tạo cấp tỉnh và đoạt giải khuyến khích.

“Tôi khởi nghiệp sớm nhưng cũng lắm thất bại vì nóng vội, nghĩ là làm, sai thì làm lại, chứ ít khi nghe ai tư vấn. Sau này tôi bỏ thời gian tham gia giao lưu, học hỏi, lắng nghe chia sẻ, góp ý nhiều hơn về khởi nghiệp. Đó là lý do tôi quyết định đưa sản phẩm đi thi” - anh Điệp chia sẻ.

Không chỉ đưa sản phẩm đi thi, trong năm này, anh Điệp đã sáng tạo và cho ra thị trường ý tưởng khởi nghiệp đầy mới mẻ. Đó là xây dựng và phát triển hệ thống bán lẻ với tên gọi “Hệ thống dinh dưỡng sạch Điệp Oanh”.

Trên hệ thống sẽ cung cấp các sản phẩm sạch, chất lượng như gà ác tiềm, bồ câu tiềm, trứng gà…, đem đến sự thuận tiện cho khách hàng. Hệ thống được thiết kế như một quầy bán hàng tự động. Sau khi khai trương hệ thống đầu tiên tại Thăng Bình (số 91 Tiểu La, thị trấn Hà Lam), anh Điệp vừa ra mắt hệ thống thứ 2 tại siêu thị CoopMart Tam Kỳ và dự kiến mở thêm hệ thống ở các địa phương khác.

HTX Thanh niên Bình Phục còn thực hiện nhượng quyền thương hiệu cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu hợp tác kinh doanh.

“Tôi mong muốn xây dựng hệ thống bán lẻ càng nhiều càng tốt. Để làm được sẽ cần liên kết với các hộ dân nông dân, hình thành chuỗi liên kết khép kín từ khâu chăn nuôi đến chế biến để khách hàng phải cảm nhận được giá trị của sản phẩm” - anh Điệp nói.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
"Lăn lộn" trên con đường khởi nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO