Lan man câu chuyện chợ dời

LÊ TRÂM 30/12/2017 09:54

Chợ là trung tâm của mỗi vùng đất. Chợ ở quê càng thấy rõ điều này. Nghe kể rằng, sau khi nhà thơ Thu Bồn mất, nhà văn Nguyễn Chí Trung muốn gửi theo người bạn quá cố một nắm  đất quê hương và ông đã chọn một nhúm đất chợ Thanh Quýt - quê của Thu Bồn - với lời giải thích, rằng chợ là nơi lưu dấu chân người nhiều nhất  và tất nhiên lưu dấu cả hồn cốt vùng đất đặc biệt Điện Thắng ấy.

Một góc chợ quê. Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Một góc chợ quê. Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Vậy nên nơi nào có đặt chợ là nơi ấy trù phú, “nhất cận thị, nhị cận giang” mà. Chợ thường nằm ở trung tâm, nơi thuận tiện về đường đi, nếu có được cả thủy lẫn bộ càng tốt. Dọc một tuyến sông Thu Bồn bao nhiêu là chợ gắn với bến sông: từ Vạn Phước Sơn, chợ Phú Gia, Trung Phước ở thượng nguồn qua chợ Thi Lai Hà Mật, đến chợ Bến Cá Thanh Hà, chợ Hội An… ở hạ lưu.

Làng quê Việt xa xưa vốn yên ả, ít có sự xáo trộn, do vậy chợ là thiết chế văn hóa - xã hội có tính ổn định cao. Đôi khi cái tên chợ được dùng làm biểu tượng cho một vùng đất. Sau này, nền kinh tế thị trường với nền công nghiệp và du lịch phát triển cùng với quá trình “đô thị hóa” ồ ạt với bao dự án và “dự... dự án” khiến cho việc quy hoạch nông thôn thay đổi khá nhiều. Và việc di dân từ nông thôn ra thành thị hay từ vùng ít dân sang các cụm dân cư đông đúc, di dân từ các làng mạc nhỏ lẻ tới các cụm công nghiệp hoặc có sự xê dịch của nơi đóng các cơ quan hành chính khiến cho sự biến động cơ học của dân cư ngày thêm phức tạp. Đi theo người, đi theo sự quy hoạch, tất nhiên chợ không thể “nằm yên” như mấy trăm năm trước được. Chợ bắt đầu dời đi. Đã hình thành khá lâu câu cửa miệng, rằng “chợ tan, làng mạt”! Có thể dời đi thật xa hoặc cũng có thể dời từ cụm dân cư này qua một vùng đất khác, rộng rãi hơn, có điều kiện để mở rộng và phát triển hơn. Một yếu tố nữa là cố gắng để việc họp chợ không làm ảnh hưởng đến giao thông, một điều khác biệt với suy nghĩ khi chọn nơi đặt chợ của ông bà ta, là thường chọn đặt chợ ngay sát đường để đạt được sự “thuận lợi” nhất có thể. Mà, chợ tan làng có mạt?
Tôi từng biết về hai chợ bị dời đi là Đông Phú và Hương An, cả hai đều ra đời từ rất lâu. Hương An gắn với vùng đất Ngũ Hương cả mấy trăm năm trước.

Đông Phú ra đời không lâu sau đó, từng gắn với câu ca: “Mua cau Đông Phú, mua trầu Đồng Tranh” một thời. Và người thì xưa như một người vốn rất xa xưa đã đến ngụ ở đây: Ông Khách Xình! Lại thêm một cây đa ở chợ có từ lâu đời. Nguyên nhân tất thảy là để quy hoạch khu chợ mới rộng rãi hơn để phát triển khu trung tâm huyện lỵ. Và cũng để phát triển thêm một khu phố chợ mới song song với khu phố chợ cũ vốn chật hẹp. Ở chợ thường gồm những người “ngồi sạp” (những người có chỗ buôn bán ổn định ở chợ), những người có nhà gần chợ, gắn cuộc sống với “không khí” chợ bao nhiêu đời và những người ở xa đến buôn bán theo từng phiên chợ. Hồi ngành thương mại chưa phát triển, có một cái “sạp” ở chợ thì nhất đời rồi, có thể minh họa cụ thể cho câu “phi thương bất phú”. Do đó, dời chợ là cả vấn đề. Những người có nhà ở gần chợ không dễ dỡ nhà dời theo chợ”. Người có “sạp” ở chợ cũ muốn tiếp tục có một “sạp” ở chợ mới, tất nhiên phải góp một phần hiện kim không nhỏ để “giữ chỗ”, điều mà nếu ở chợ cũ họ không cần phải làm. Có khi đấu giá không được đành phải chấp nhận mất chỗ nữa. Người buôn bán theo từng phiên chợ có lẽ ít ảnh hưởng nhất, có chăng là đi xa hơn một chút, nhưng bù lại có người lại gần hơn một chút, cũng chẳng nhằm nhò gì so với hai trường hợp trên. Họ chỉ sợ thiếu một “không gian” thuận tiện ở chợ mới cho họ bởi họ rất muốn buôn nhanh bán gọn bên lề đường, nhanh nhanh rồi còn về(?). Ở chợ mới thì yêu cầu cao hơn, đâu phải vào đấy, và còn thêm thuế má nữa…  

Khi dời chợ đi, không khí ở chợ cũ sẽ trầm xuống, mất hẳn cái sự nhộn nhịp trải qua bao nhiêu đời người, bao nhiêu số phận người… Cho nên, mỗi cuộc “dời chợ” là cả vấn đề. Những cuộc họp dân để bàn thảo, động viên, giải thích, vận động rồi chợ cũng được dời đi. Sau đó là khoảng thời gian khá dài “giao thời” giữa chợ cũ - chợ mới, người ta vừa bán ở chợ mới, lại vừa bán ở chợ cũ. Người đi chợ cũng thế, cũ mới có cả. Cũng mất vài năm cái “cuộc dời đi” đầy nhọc nhằn ấy mới tạm ổn định. Cái câu “chợ tan làng mạt” có vẻ cũng đã phai nhạt dần. Bây giờ, chợ Đông Phú mới đã nhộn nhịp như tên gọi của nó. Chợ Hương An mới rộng rãi, thoáng đãng và an toàn hơn hẳn khu chợ cũ nhỏ bé nằm ven đường lộ ngày nào. Có lẽ, không sự phát triển nào là không bị đánh đổi thứ này thứ khác nhưng không đến nỗi hễ chợ “dời đi” thì “làng sẽ mạt”!

LÊ TRÂM

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Lan man câu chuyện chợ dời
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO