Có một thời, anh em văn nghệ hay đùa rằng: “Nhà văn, nhà báo, nhà giáo, nhà thơ… và cả nhà nhạc, nhà họa nữa, thảy đều là những... nhà nghèo”. Nghèo thì nghèo vậy nhưng ít người bỏ cuộc, thậm chí nhiều người còn sở hữu hai, ba, bốn trong một.
Ảnh: MINH HẢI |
1. Trong lĩnh vực văn học, dù chưa có con số thống kê chính thức nhưng chắc chắn rất nhiều nhà văn, nhà thơ có “lý lịch” liên quan đến nghề dạy học. Trong suốt thời phong kiến, ở bất cứ giai đoạn lịch sử nào chúng ta cũng tìm thấy những bậc danh sư từng dùng văn chương để thể hiện tư tưởng nhân sinh của mình. Từ thời nhà Trần, đã có một Chu Văn An xuất thân là thầy đồ nho ở trường làng rồi vào cung làm đến chức Tư nghiệp Quốc tử giám, dâng “Thất trảm sớ” không xong bèn từ quan quay về núi Phượng Hoàng mở trường dạy học, làm thơ, viết sách với bút danh Tiều Ẩn. Thời Mạc xuất hiện vị Trạng nguyên lỗi lạc Nguyễn Bỉnh Khiêm, cũng làm quan, dâng sớ hạch tội 18 lộng thần nhưng không được chấp thuận, lại về dạy học bên Tuyết Giang, đồng thời làm thơ, viết bi ký, sấm ký để đời. Thời Lê có nhà bác học Lê Quý Đôn, dạy học, viết sách, làm thơ trước khi đỗ đạt làm quan; thời Nguyễn có thầy Nguyễn Đình Chiểu với một thân thế đầy bi kịch và những áng thơ văn “tải đạo - diệt tà” cuộn trào khí tiết...
Nhưng đó là thời kỳ người Việt ta chưa biết đến báo in. Những bậc thức giả chân chính nếu không làm quan thì chỉ có hai công cụ để dốc cả “sở tồn” ra cống hiến cho đời, đó là dạy học và sáng tác văn chương.
2. Đến đoạn tranh tối tranh sáng trong xã hội thực dân - phong kiến, khoảng cuối thế kỷ 19 - đầu thế kỷ 20, những nhà giáo - nhà văn có tâm huyết với vận mệnh dân tộc lại có thêm một công cụ mới. Đó là báo chí. Có người dùng nó như một phương tiện để “chấn dân khí, khai dân trí”, quảng bá các chính kiến phản biện xã hội . Học giả Trương Vĩnh Ký (Pétrus Ký) sáng lập Gia Định báo năm 1865, tờ báo quốc ngữ đầu tiên của Việt Nam và ông được xem như “ông tổ” của nghề báo tiếng Việt. Ông thông thạo 27 ngoại ngữ, có một thời làm giáo sư Trường Thông ngôn Sài Gòn, Trường Tham biện hậu bổ, làm thông ngôn cho phái bộ Phan Thanh Giản sang Pháp. Năm 1886, ông được triều đình Huế mời ra giữ chức Hàn lâm viện thị giảng Đại học sĩ nhưng bị gièm pha, trù dập nên chỉ mấy tháng sau ông đã quay về Sài Gòn tiếp tục dạy học và viết sách. Về cuối đời, Pétrus Ký sống trong nợ nần và bệnh hoạn. Ông để lại gần 200 tác phẩm bao gồm cả Văn học - Lịch sử - Địa lý - Từ điển - Giáo trình - Dịch thuật. Có thể kể ra một vài trước tác tiêu biểu như: Kim Vân Kiều truyện - bản phiên âm quốc ngữ đầu tiên, Truyện đời xưa, Lục súc tranh công, Ký ức lịch sử Sài Gòn và vùng phụ cận, Đại Nam tam thập nhất tỉnh địa đồ, Đại tự điển An Nam - Pháp... Bên cạnh đó là một số trước tác bằng tiếng Pháp như: Cours de langue Annamite (Bài giảng ngôn ngữ An Nam), Cours de littérature Annamite (Bài giảng văn học An Nam), Cours d’histore Annamite (Bài giảng lịch sử An Nam), Précis de géographie (Dư đồ thuyết lược)... Tuy nhiên, đã một thời các nhà nghiên cứu có cách nhìn thiếu thiện cảm về vị thế lịch sử của Pétrus Ký do ông từng làm quan trong triều đình Huế và cộng tác với chính quyền bảo hộ, cho dù chỉ hoạt động trong lĩnh vực giáo dục và báo chí. Những năm gần đây, với quan điểm đánh giá lại lịch sử trong chính bối cảnh của nó, đã có nhiều cuộc hội thảo khẳng định công lao của Trương Vĩnh Ký đối với văn hóa dân tộc. Ngày nay, nhiều trường học ở Sài Gòn, Bến Tre được mang tên ông.
Tiếp sau Trương Vĩnh Ký, đầu thế kỷ 20 ở Sài Gòn còn phải kể đến nữ sĩ Sương Nguyệt Anh, con gái của cụ Đồ Chiểu. Chồng mất sớm, bà thủ tiết nuôi con, theo nghề cha bốc thuốc và mở trường dạy chữ nho tại quê nhà. Năm 1917 được một nhóm chí sĩ ái quốc mời lên Sài Gòn làm chủ bút tuần báo Nữ giới chung (Tiếng chuông của nữ giới). Đây là tờ báo đầu tiên chuyên về nữ giới và do một phụ nữ làm chủ bút. Tuy nhiên, báo chỉ ra được 22 số thì bị chính quyền Pháp đình bản. Bà Sương Nguyệt Anh lại về quê hương Ba Tri bốc thuốc, làm thơ, viết sách trong tình trạng mù lòa, bệnh tật. Bà để lại rất nhiều thơ văn cả chữ Hán lẫn Quốc âm. Những giai thoại về tài sắc và cuộc đời trầm luân của bà đã được người đời sau tái hiện qua tiểu thuyết, sân khấu, điện ảnh.
Sinh viên Trường Đại học Phan Châu Trinh (Hội An). Ảnh minh họa của KHIẾU THỊ HOÀI |
3. Cũng trong giai đoạn này, nổi bật ở phía Bắc có học giả Nguyễn Văn Vĩnh. Ông là giáo viên trường Đông Kinh nghĩa thục, chủ bút tờ Đăng cổ tùng báo (1907) rồi Đông Dương tạp chí (1913), Trung Bắc tân văn (1914), viết nhiều bài luận thuyết, ký sự, và đặc biệt ông là một dịch giả cần mẫn với khối lượng tác phẩm cực kỳ đồ sộ: dịch từ tiếng Pháp sang tiếng Việt nhiều tác phẩm của các văn hào Pháp như La Fontaine, Dumas, Hugo, Rousseau, Corneille, Molière, Balzac..., dịch Kim Vân Kiều từ chữ Nôm ra Quốc ngữ rồi lại dịch ra tiếng Pháp, dịch các thư tịch cổ của nước nhà như Vũ trung tùy bút, Đại Nam liệt truyện... ra Quốc ngữ, dịch Kinh thi, Trung dung, Tam quốc diễn nghĩa... từ Hán sang Việt, dịch cả Tiền Xích Bích phú, Hậu Xích Bích phú từ chữ Tàu sang chữ... Tây. Tâm huyết, tài hoa, uyên bác nhưng cuối đời bị chính quyền buộc phải treo bút, phải sang Lào tìm vàng trả nợ ngân hàng rồi lâm bệnh qua đời bên dòng sông Sê Pôn. Cũng như Trương Vĩnh Ký, ngày nay ông được tôn vinh là một nhà văn hóa lớn của đất nước.
Một nhà thơ - nhà văn được xem như cầu nối giữa hai phong cách cổ điển và hiện đại trong văn chương đầu thế kỷ 20. Đó là Tản Đà. Cuộc đời và nhân cách của ông có gì đó na ná như Lý Bạch: tài thơ, hay rượu, siêng đi và nói ngông. Chỉ khác là Lý Bạch không làm báo và... nghèo như ông. Tản Đà từng làm chủ bút Hữu Thanh tạp chí rồi An Nam tạp chí, đồng thời cộng tác với Đông Dương tạp chí. Tuy nhiên tạp chí nào của ông cũng... đoản thọ, kéo theo nợ nần, túng quẫn, đến nỗi ông phải làm thêm nhiều nghề trái tay như mở lớp dạy chữ nho, viết thuê và... bói toán. Về cuối đời, sau một thời gian dài bị các tác giả trong phong trào thơ mới công kích, chế nhạo, bỏ rơi, đột nhiên ông lại được giới văn học, báo chí tôn vinh trở lại, xem như là... ông thánh của làng thơ Việt, nhất là sau khi ông qua đời (1939). Tác phẩm Tản Đà gồm nhiều thể loại, tiêu biểu như: Khối tình con I, II, III (Thơ), Giấc mộng con, Giấc mộng lớn, Tản Đà tản văn, Tản Đà tùng văn (văn), Chú giải truyện Kiều, dịch Liêu trai chí dị, dịch hầu hết nhưng bài thơ Đường nổi tiếng thành thơ lục bát...
4. Một nhà báo khác cũng tả xung hữu đột, bảy nổi ba chìm không kém Tản Đà nhưng lại gắn thêm cái khí chất “hay cãi” của con dân xứ Quảng đến nỗi mang họa vào thân cho đến cuối đời. Đó là Phan Khôi. Suốt trong nửa thế kỷ, từ lúc tham gia Đăng cổ tùng báo năm 1907 cho đến khi Nhân văn- Giai phẩm bị đóng cửa (1956), ông đã cộng tác hoặc sáng lập hàng chục tờ báo khác nhau. Trong nghề viết lách, ngọn bút ông lúc nào cũng thể hiện tính phản biện trực ngôn mạnh mẽ, từ vấn đề chữ nghĩa, văn chương cho đến thế cuộc. Người cùng thời gắn cho ông biệt hiệu là Ngự sử văn đàn. Ngoài việc làm báo ông còn làm thơ, viết tiểu thuyết, dịch thuật. Bài thơ Tình già (1932) của ông được xem như một tác phẩm khai bút cho phong trào Thơ mới. Trong lĩnh vực nào ông cũng thể hiện sở học uyên thâm và ý thức trách nhiệm đối với văn hóa dân tộc. Tuy nhiên, vụ án Nhân văn - Giai phẩm đã khiến cho tên tuổi của ông cùng một số văn nghệ sĩ tài năng khác bị lãng quên gần nửa thế kỷ. Đến nay, sau nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm, danh phẩm và công lao của ông đã được phục hồi. Các tác phẩm của ông lần lượt được tái bản. Các thành phố xứ Quảng như Đà Nẵng, Tam Kỳ đều có con đường mang tên Phan Khôi.
Xem ra, không nhiều lắm các “nhà” trong lĩnh vực văn chương chữ nghĩa có được một... “lá số tử vi” hanh thông, thành đạt. Trái lại, nhiều “nhà” trong đó còn chịu lắm tai ương khổ nạn. Vậy mà họ vẫn đam mê nó, đeo đẳng, hoan lạc với nó như là một thứ men tình đã trót vướng vào thân. Chỉ có một cách để lý giải cho cái “quả nghiệp” này: họ quá yêu cuộc đời đang sống.
PHAN VĂN MINH