Tập truyện Nước mắt hạt bụi (NXB Trẻ, quý I.2018) của nhà văn nữ Quế Hương dày hơn 200 trang, với 10 truyện ngắn. Bằng lối hành văn chậm rãi và cách diễn đạt tinh tế, mỗi truyện ngắn trong tập sách là mỗi câu chuyện riêng tựa những bức tranh sinh động về những cảm nhận cuộc sống xung quanh.
Đặc biệt, với truyện ngắn “Nước mắt hạt bụi” - được dùng làm tựa đề chung cho toàn tập, tác giả đã dày công đầu tư trong việc xây dựng không gian truyện, tình tiết, nội tâm nhân vật và cả về dung lượng (95 trang, gần bằng ½ tập sách)…
Theo kết quả xét giải thưởng văn học 2018 do Hội nhà văn Đà Nẵng vừa công bố, tập truyện Nước mắt hạt bụi của nhà văn Quế Hương là tác phẩm văn xuôi xuất sắc được Hội đồng nghệ thuật đề nghị Liên hiệp các hội VHNT thành phố trao Giải thưởng văn học 2018. |
“Nước mắt hạt bụi” là câu chuyện mang màu sắc hư - thực giữa hai nhân vật, hai không gian: thực và ảo, quá khứ và hiện tại. Khởi đầu, chuyện kể về một họa sĩ khá thành công, được giới thưởng ngoạn từng mua tranh với giá kỷ lục, nhưng cũng chính vì lẽ đó đã dẫn ông ta đến bi kịch, tan nát gia đình. Có lúc nửa điên, nửa tỉnh, họa sĩ lang thang qua những đền đài Huế cổ xưa. Nơi ấy, ông bắt gặp một cô gái bước ra từ hồn phách cũ trong cung điện: “Cái linh hồn mỏng mảnh gặp trong mộng vẫn không buông tha ông, cô lãng đãng trong màu rêu, sắc cỏ. Nơi nào trong Khiêm Lăng ông cũng nhìn thấy cô – bé nhỏ, lạc loài, cô đơn, xa lạ. Cô từ đâu đến, ông không hay, bao nhiêu tuổi ông không biết, nhưng gộp hai nỗi cô đơn lại ông cảm thấy ấm áp…”. Để rồi, ông cố gắng nắm bắt và vẽ cho được hình bóng đó. Khi tác phẩm hoàn thành cũng là lúc họa sĩ lìa xa cõi đời, hóa thành cát bụi trần ai. Đôi lúc câu chuyện đã dẫn dắt người đọc rong chơi, miên man, phiêu dạt vào miền quá khứ, quên cả thực tại. Ở đó, ngày thật dài, buồn và lạnh. Ở đó, đêm lục viện phập phồng theo bước chân của viên thái giám già… Ở đó, cũng là chốn cuối cùng 103 phi tần đành chôn vùi tuổi xuân và cuộc đời của những hồng nhan trót mang diễm phúc và cả bất hạnh làm vợ vua.
Có đến 4 truyện trong tập Nước mắt hạt bụi xuất hiện týp nhân vật không tỉnh táo trong đời thường nhưng rành mạch về ký ức - đây là chìa khóa đánh thức mầm sống trong họ. Người điên là một hình ảnh đối lập, phản kháng lại cuộc sống họ không muốn nghĩ đến và chạm đến. Trong “Ngã ba trần ai”, nhân vật là một nhà văn lặng lẽ nhớ về xóm trọ đầy đủ các thành phần của xã hội. Tuy ồn ào hỗn tạp nhưng đó lại là nơi ông cảm thấy hiểu và xót cuộc đời nhiều đến vậy. Họ như những hạt bụi mỏng manh và lửng lơ trước kiếp sống không thấy ngày mai của mình.
Những truyện khác như: “Thềm nắng”, “Ngã ba trần ai”, “Úm”... tuy nhắc đến nhiều không gian, nhiều thành phần của xã hội khác nhau, có lúc ồn ào, có khi lặng lẽ, nhưng chung quy, đều ẩn chứa những phận đời mong manh, như những hạt bụi lửng lơ trước kiếp nhân sinh. Và điều người đọc dễ dàng nhận ra, nơi đó, luôn thấp thoáng bóng dáng một phong cách Quế Hương đầy trắc ẩn, sâu thẳm thương yêu, được chưng cất thành hơi ấm từ bao điều bé mọn của cuộc sống thường ngày.
Nhà văn Quế Hương sinh ra và lớn lên ở Huế. Sau khi tốt nghiệp Đại học văn khoa, có thời gian chị dạy học ở Hội An và sau này sinh sống ở Ðà Nẵng. Ban đầu chị làm thơ, ký tên thật là Hoàng Thị Thương. Khi viết văn, chị ký bút danh Quế Hương và bút danh này đã gắn liền sự nghiệp viết của chị với nhiều giải thưởng.
TRẦN TRUNG SÁNG