Thị phi chỉ có nghĩa là “đúng sai”, “phải trái”. Nhưng hễ nói đến thị phi thì hầu như ta lại ngầm hiểu đến sự xáo trộn, đúng biến thành sai, không hóa thành có.
Nói đến hai chữ thị phi là nói đến hiềm khích, xích mích, thậm chí dẫn đến tranh chấp, xung đột, ân oán nữa. Cho nên, hễ nghe đến hai chữ thị phi là ai cũng muốn lánh xa. Nào là “nên tránh chỗ thị phi”, “đừng có dựng chuyện thị phi”, nào là “đừng nghe miệng đời thị phi”... Sống ở đời, dầu có từ bi hỷ xả đến đâu, dù có bao dung độ lượng đến mức nào thì cũng khó lòng thoát được hai chữ thị phi. Mà cần gì phải là cái thế giới thực, ngay cả facebook là cái thế giới ảo, vậy mà nơi đó cũng đầy dẫy những chuyện thị phi để rồi dẫn đến những hậu quả đau lòng. Muốn tránh được hai chữ thị phi họa chăng phải sống ở chốn am trúc, hiên mai như cụ Nguyễn Trãi:
Am trúc, hiên mai ngày tháng qua,
Thị phi nào đến chốn yên hà.
(Ngôn chí)
Người Trung Quốc có ngạn ngữ rất hay: “Tri sự thiểu thời phiền não thiểu, Thức nhân đa xứ thị phi đa” (Càng ít biết đến việc đời thì càng ít bị phiền não; càng biết người ở nhiều nơi thì chuyện thị phi càng nhiều). Cho nên có nhiều người muốn “xa lánh phiền não” một cách cực đoan bằng cách không đọc báo, không xem ti vi để cái đầu được thảnh thơi! Trong cuộc sống, hễ giao du càng nhiều thì liên quan đến chuyện thi phi càng nhiều, đó là điều dĩ nhiên. Chuyện thị phi dễ thấy nhất là trong tranh luận. Mà cái này thì chắc dân Quảng Nam thuộc hàng đứng đầu, với bản chất Quảng Nam hay cãi!
Hai tiêu chí vô cùng quan trọng trong cuộc sống, làm nền tảng cho cả một xã hội, từ thời nguyên thủy cho đến hiện đại, là đúng và sai. Mà ngẫm ra thì cái đúng, cái sai quả thiệt là chuyện dài vô tận của loài người. Cụ Tố Như từng cảm khái “Thị phi tận thuộc thiên niên sự” (Đúng hay sai đều là chuyện của ngàn năm). Chẳng hạn A cho điều Z đúng, B lại khẳng định điều Z sai. Vậy điều Z đúng hay sai? Trong đời sống bình thường, khó lấy đâu làm chuẩn mực. Bây giờ, thử nhờ C phân xử. Nếu C cùng quan điểm với A thì sẽ cho là điều Z đúng. Vậy thì điều Z có thực sự đúng chăng? Còn nếu C cùng quan điểm với B thì sẽ cho là điều Z sai. Vậy thì điều Z có thực sự sai chăng? Đó là chưa kể trường hợp C lại không cùng quan điểm với A và B thì còn phát sinh lắm chuyện!
Người xưa đã nói: “Điểm thiết hóa thành kim ngọc dị. Khuyến nhân trừ khước thị phi nan”. Đại khái có nghĩa như vầy: đưa ngón tay chỉ vào cục sắt để biến nó thành vàng ngọc còn dễ, chứ khuyên người ta dẹp bỏ chuyện thị phi là điều khó. Biến sắt thành vàng là chuyện hoang tưởng, vậy mà vẫn còn dễ hơn là chuyện khuyên người ta bỏ thị phi. Thế mới biết buông bỏ thị phi là điều khó dường nào, gần như không thể thực hiện được. Câu này mới đọc thì thấy ý nghĩa rất sâu sắc, nhưng ngẫm ra lại vướng vào mâu thuẫn. Khuyên người ta từ bỏ chuyện thị phi, điều đó tốt, nhưng làm thế thì có nghĩa là đã mặc nhiên vướng vào chuyện thị phi mất rồi! Lại rơi vào cái vòng luẩn quẩn của thị phi!
Hai chữ thị phi gây bao rối rắm là thế, vậy mà trong ngôn ngữ dân gian, nó lại được vận dụng quá đỗi tài tình với ý nghĩa rất nhân bản. Đó là hai chữ “phải không”, dùng để chỉ những thủ tục trong giao tế. Hai chữ “thị phi” mà dịch thành “phải không” thì quá tuyệt. Thị là đúng, là phải; phi là không. Sát nghĩa từng chữ một. Từ thị phi đến phải không có một bước chuyển thú vị lạ lùng. Sống ở đời là phải giao tế. Ở một xã hội chuộng lễ nghĩa như xã hội phương Đông thì biểu hiện văn hóa của giao tế là lễ vật. Đi ăn cưới, ăn giỗ, thăm viếng... nói chung là những giao tế xã hội, hễ đụng đến hầu bao thì đều được gọi chung là “chuyện phải không”. Quen biết người càng nhiều nơi thì “chuyện phải không” kiểu đó càng nhiều. Hoàn toàn đúng với câu “Thức nhân đa xứ thị phi đa”. Cái gọi là “thị phi” đó chính là cái “phải không”.
Nếu hai chữ thị phi gây nên bao rối rắm, phiền não cho cuộc sống thì hai chữ phải không lại làm đẹp thêm văn hóa giao tế. Chỉ có điều đáng băn khoăn là cái đẹp đó thường làm vơi dần cái hầu bao thường không dày lắm của chúng ta!
LIÊU HÂN