Chi trả nhuận bút gần như là công đoạn cuối trong quy trình xuất bản và tương tác giữa tòa soạn - tác giả. Công đoạn đó “thông suốt” hay không còn tùy lúc tùy nơi, cho thấy sự khác biệt của nghề viết xưa và nay…
Hỏi giá, lập kèo
“Việt Nam thi nhân tiền chiến” của Nguyễn Tấn Long - Nguyễn Hữu Trọng dành một chương viết về Phan Khôi, nhân vật cự phách của xứ Quảng, người vừa cừ khôi (như bình phẩm của bạn viết đương thời) vừa kỳ khôi (như chính Phan Khôi có lần thừa nhận).
Bài viết dẫn trong chương này được trích từ bài đăng của ông Thiếu Sơn trên báo Thần chung ra ngày 23 – 24.7.1967 đã kể tỉ mỉ về chuyện nhuận bút của cụ Phan Khôi.
Quãng năm 1930, một bài văn được trả nhuận bút 5 đồng được xem là hậu hĩnh lắm rồi. Nhưng Phụ nữ tân văn đã trả cho Phan Khôi gấp 5 lần, đến 25 đồng. “Một tháng bốn bài 100 đồng, tức là hơn lương công chức ngạch cao cấp cỡ huyện, phủ. Như vậy thì văn chương hạ giới đâu rẻ như bèo. Phải nói là mắc như vàng mới đúng.
Nhưng cũng phải nói thêm là chỉ có văn chương Phan Khôi mới được giá đến thế và chỉ ông bà Nguyễn Đức Nhuận (chủ báo Phụ nữ tân văn - NV) mới dám trả tới giá đó mà thôi” (“Bài học Phan Khôi”, Việt Nam thi nhân tiền chiến, quyển thượng, NXB Sống mới - 1968, trang 118).
Cũng ở cuốn sách này, tác giả cho thấy một Phan Khôi rạch ròi, thẳng thắn trên “địa hạt” có phần nhạy cảm như nhuận bút, giống như tính cách mà ông thể hiện trên văn đàn. Ông không bao giờ lợi dụng ai mà cũng chẳng để cho ai lợi dụng mình. “Một tờ báo nào mời ông viết thì trước hết ông hỏi giá cả đàng hoàng, làm giao kèo kỹ lưỡng, phải nghiêm chỉnh tôn trọng giao kèo” (Sđd, trang 122).
Vừa viết vừa… than khổ
Trong cuốn khác, “Văn thi sĩ tiền chiến”, nhà văn Nguyễn Vỹ kể chuyện hồi năm 1937 có lần được Minh Phượng (ông chủ nhà xuất bản vừa in “Lục xì” của Vũ Trọng Phụng) mời đến nhà dùng cơm trưa nhân ngày giỗ mẹ. Người khách còn lại là Vũ Trọng Phụng. Tại đây, Nguyễn Vỹ đọc đúng 7 trang “Lục xì” vừa in thì vứt cuốn sách vào góc nhà, bảo “sao lại có thứ văn bẩn thỉu thế này?”.
Trong lúc ngồi chờ, ông Minh Phượng kể về thói quen của Vũ Trọng Phụng: Hễ hẹn đến ăn cơm thì lần nào cũng trễ 30 phút, nhưng hẹn đến để trả tiền bản quyền sách thì luôn… đến sớm hơn 2 giờ. Thật vậy, hôm ấy Vũ Trọng Phụng đến nhà ông Minh Phượng trễ 1 giờ, lý do trễ cũng rất thành thật: phải tạt đến nhà một người bạn để lấy món tiền và đi sớm 2 giờ so với lịch hẹn.
Nhưng câu chuyện sau đó 2 tháng mới diễn tả hết thực tế “cày cuốc” bằng ngòi bút của Vũ Trọng Phụng. Ấy là khi Nguyễn Vỹ đến thăm nhà, bắt gặp cảnh họ Vũ dù sốt cao vẫn gắng gượng ngồi nơi chiếc bàn con, viết dở một bài cho Tiểu thuyết thứ bảy để kiếm tiền kịp mua cho con chiếc lồng đèn chơi Trung thu. Mệt, nhưng ông không dám nằm nghỉ vì sợ sẽ không dậy được…
Thế rồi, đúng Tết Trung thu, Nguyễn Vỹ quay lại thăm và thấy trước cửa nhà Vũ Trọng Phụng có đoàn nhi đồng vui vẻ kéo đi chơi quanh phố, trên tay mỗi cháu cầm một lồng đèn giấy. Tất nhiên có cả đứa con của Vũ Trọng Phụng, nghĩa là nhà văn đã kịp viết xong bài và lãnh nhuận bút. Khi con xách lồng đèn đi chơi cùng đám bạn, trên gác người cha đang trùm mền, sốt cao 39 độ…
Nợ nần “đeo bám” Vũ Trọng Phụng cho đến lúc chết. Nguyễn Vỹ thuật lại, khi đi tàu điện đến viếng tang Vũ Trọng Phụng, nhóm Lưu Trọng Lư, Lan Khai, Trương Tửu, Nguyễn Nhược Pháp, Mộng Sơn đã giao Nguyễn Vỹ viết gấp điếu văn.
Nguyễn Nhược Pháp cho mượn bút, Lan Khai móc trong túi ra 4 tờ giấy nhàu nát. Oái oăm thay, hết 2 tờ nhàu nát là… giấy nợ, tờ thứ ba chi chít con số mà Nguyễn Vỹ đoán là phép tính về tiền nhà tiền cơm, tờ cuối cùng là bức thư tình.
Những gì mà Vũ Bằng kể trong “Bốn mươi năm nói láo” - cuốn hồi ký đỉnh cao về nghề viết báo, còn cho thấy một Vũ Trọng Phụng túng bấn từ rất sớm, lúc chưa có vợ, lo “cày” để kiếm tiền giúp bà và nuôi mẹ. Những cuốn “Dứt tình”, “Giông tố” viết ở thời điểm này.
“Giông tố” đăng dài kỳ trên Hà Nội báo, nhưng cứ gần đến ngày nộp kỳ kế tiếp là Vũ Trọng Phụng “lại ngồi ì ra một đống, hút thuốc lào và hỏi ầm lên có biết kỳ trước đã viết đến đoạn nào rồi không”.
Cũng theo lời Vũ Bằng, nhóm văn sĩ bạn bè lúc đó chẳng ai trả lời, bởi… chẳng có ai đọc “Giông tố”. Tình thế buộc Vũ Trọng Phụng phải tự đi tìm số báo đăng kỳ trước, rồi nằm xuống giường như con voi, mắt hiếng hẳn đi, lưỡi thè ra như thằn lằn. “Có khi vừa viết vừa chửi thề sao mình lại khổ thế này, cứ phải viết mới có tiền sinh sống” (Sđd, NXB Hội Nhà văn - 2014, trang 116).
Nhuận bút thời nay
Qua rồi cái thời phải kỹ lưỡng “lập giao kèo” trước khi viết, như Phan Khôi. Cũng không còn phải quá vất vả đi thu từng món tiền nhuận bút, như Vũ Trọng Phụng. Thời hiện tại, chỉ riêng trong vòng vài thập niên trở lại đây thấy có nhiều thay đổi và mỗi cơ quan báo chí, nhà xuất bản đều có cách xử lý riêng.
Hồi tháng 1.2020, trên tài khoản mạng xã hội cá nhân, nhà báo Trương Điện Thắng (Đà Nẵng) từng tỏ ý khen “cách làm việc chuyên nghiệp và trọng thị” từ hơn 20 năm nay của Thời báo Kinh tế Sài Gòn.
Ông khen ngợi cũng không hề quá lời, bởi theo nội dung e-mail tòa soạn mà ông đăng kèm, thấy có hẳn một bức thư ngắn trong đó thông báo bài cộng tác được đăng trên số tháng 1.2020, kèm theo lời mời cộng tác và nhất là thông tin liên quan đến chuyện chi trả nhuận bút: “Chúng tôi xin thông báo nhuận bút bài viết sẽ được chuyển khoản vào tài khoản của ông trong tuần”.
Quả thực nhiều tòa soạn có lối ứng xử chuyên nghiệp, không chỉ giúp khâu chi trả nhuận bút thông suốt mà còn cho thấy sự tôn trọng cộng tác viên. Nhớ thời nhuận bút còn chuyển qua bưu điện, tôi vẫn thường nhận kèm phiếu chi từ các tòa soạn phía nam như Sài Gòn Giải Phóng, Thanh Niên, Tuổi Trẻ…, ghi rõ từng khoản tiền, thậm chí một bản tin ngắn cũng chăm chút viết hẳn phiếu chi.
Mặc dầu vậy, với lượng cộng tác viên và bạn đọc tương tác ngày càng lớn, qua nhiều kênh khác nhau, nên đôi khi các tòa soạn sót lọt hoặc không có đủ thông tin cá nhân để chi trả nhuận bút. Đây là lý do nhiều tòa soạn định kỳ phải thống kê danh sách cộng tác viên chưa được chi trả và tìm mọi cách liên hệ.
Với Báo Quảng Nam, cũng như nhiều tòa soạn khác, đã trải qua giai đoạn “thủ công” (ghi phiếu, gửi tiền qua bưu điện) và bây giờ tận dụng tối đa công nghệ. Lúc nào thấy e-mail báo có thư mới kèm dòng chữ “Kính gửi quý anh, chị cộng tác viên! Báo Quảng Nam đã làm thủ tục chuyển nhuận bút vào tài khoản của quý anh chị. Xin vui lòng xem file đính kèm và kiểm tra tài khoản sau vài hôm...”, là tôi biết bộ phận chi trả nhuận bút ở tòa soạn vừa làm xong phận sự chăm sóc cộng tác viên một cách chu đáo.