Lan man nỗi oan "quê"

PHAN VĂN MINH 03/10/2015 12:48

“Cái đồ nhà quê”, “Một lũ quê mùa”, “Con đó quê một cục”...,  là những cụm từ hàm ý mỉa mai thường dùng để đánh giá, thậm chí là mắng mỏ trực tiếp một ai đó, không nhất thiết phải là người đang ở nơi thôn dã nhưng có vẻ chậm thích nghi với phong cách đương đại. Những mệnh đề trên nhiều khi còn được rút gọn trong một tiếng “quê” duy nhất như một tính từ chỉ hành vi, trình độ, phẩm chất thấp kém, đáng hổ thẹn: “Quê quá ông ơi!”, “Làm ăn kiểu gì quê thế?”; hoặc biểu thị một trạng thái tâm lý trước sự thất bại nào đó: “Chuyến này quê độ rồi”, “Mình bị quê cơ, không chơi được”,“Đừng có chọc quê tui nữa nha!”...

Một góc quê nhà. Ảnh: NGUYỄN HÀ
Một góc quê nhà. Ảnh: NGUYỄN HÀ

Vậy những “tội tình” của “quê” là ở đâu?

Thực ra, riêng từ “quê” vốn không hề mặc định là nơi làng mạc ruộng đồng, tức là nằm ngoài “vùng phủ sóng” của không gian đô thị. Nó chỉ có nghĩa là miền đất nào đó mà con người được sinh ra và lớn lên từ thuở ấu thơ. Đó có thể là nơi thôn bản heo hút hoặc chốn phố phường sầm uất, và cũng có thể là tổng hợp cả hai hình thái trên. Một người ở huyện Cần Giờ hoặc quận Một đều có thể nói “tôi quê Sài Gòn”. Theo nghĩa đó, “quê” địa lý còn được mở rộng trường nghĩa thành “quê nhà”, “quê hương” với cảm thức sâu nặng về cội nguồn, về những gì gần gũi, thân thương nhất trong ký ức tuổi thơ của mỗi người, nhất là đối với những kẻ tha hương.

Tuy nghĩa gốc là vậy nhưng dường như khi nói đến “quê”, người ta vẫn thường có biểu tượng về những không gian thôn dã với lũy tre bờ đê, cây đa bến nước, với những con người bình dị một nắng hai sương. Ở đây, có lẽ “công đầu” trong sự mặc định này thuộc về các văn nghệ sĩ. Nhà thơ Đỗ Trung Quân đã “định nghĩa” một cách rất... dứt khoát, rằng:

“...Quê hương là cầu tre nhỏ/ Mẹ về nón lá nghiêng che.
Quê hương là đêm trăng tỏ/ Hoa cau rụng trắng đầu hè...”.

Còn “quê nhà” của nhạc sĩ Trần Tiến lại là những ký ức u hoài về một không gian hoang tịch với giọng ca “lạc loài nhức nhối” của Trần Thu Hà:

“...Quê nhà tôi ơi, Ba Vì xanh tím/ Nón chiều che ngang, mắt chiều hoang vắng/ Những đêm mùa đông, khói hương trầm bay/ Bóng cha ngồi đây, ngọn đèn lung lay, bức tường vôi trắng...”

Như thế, trong cảm thức lãng mạn của người nghệ sĩ, cho dù ở trong trạng thái nào thì “quê” vẫn luôn mang một  vẻ đẹp thuần khiết và chất chở đầy ắp yêu thương. Thế thì cứ chấp nhận “quê” là nhà quê, là đồng quê, thôn quê..., là không phải thị thành vậy, có sao đâu!

Dẫu biết rằng xu hướng đô thị hóa là quy luật quần cư tất yếu của bất kỳ quốc gia nào, nhưng dù có xây thêm bao nhiêu thành phố thì “quê” vẫn luôn còn đó và cần có để giữ hình đất nước, giữ hồn dân tộc. Người quê ra phố dù với mưu cầu và địa vị nào thì vẫn mang theo trong tâm thức những kýức về cảnh vật, tập quán, về dòng họ ở nơi quê cũ. “Quê” là chiếc nôi khai sinh, là bầu sữa nuôi dưỡng và là kho tàng lưu giữ văn hóa cội căn cho mỗi cộng đồng. Người phố mỗi lần trở lại quê nhà, đi ngang cánh đồng tuổi thơ, đứng trước khói hương anh linh tiên tổ là như một lần được gột rửa  những bụi bặm tha hóa trên đường mưu sinh.

Quê bao giờ cũng nghèo hơn phố, tất nhiên rồi. Ở nước ta hiện nay hơn 60% dân số là “người nhà quê” nhưng chỉ làm ra được khoảng 15% GDP. Nhưng từ ngàn xưa, chính cái khu vực nghèo khó ấy đã nuôi sống được cả nước bằng những thứ công cụ rất “quê” như chiếc cày chìa vôi, chiếc khung cửi dệt hay chiếc thuyền chài mỏng manh. Cũng từ sau những lũy tre bờ đê ấy đã xuất thân biết bao danh sĩ hiền  tài làm rạng rỡ non sông. Định Bộ Lĩnh thuở nhỏ chăn trâu ở thôn Kim Lư mà thống nhất giang sơn; Yết Kiêu chài lưới trên sông Đáy mà thành danh tướng thủy quân khiến quân Nguyên khiếp sợ; Mạc Đĩnh Chi đốt lá rừng đọc sách ở làng Lũng Động mà thành Lưỡng quốc Trạng nguyên... Một tỉnh có nhiều danh nhân, danh sĩ như Quảng Nam thì hình như “lý lịch” vị nào cũng được ghi sinh ra ở làng này xã nọ. Trong kỳ thi tuyển đại học hàng năm, phần lớn các thủ khoa đều là dân “nhà quê”. Trong 15 học sinh nhận được vòng nguyệt quế ở cuộc thi “Đường lên đỉnh Olympia” suốt 15 năm qua thì có đến 12 em sống ở khu vực nông thôn, tỉnh lẻ. Mấy năm gần đây, ở nước ta đã rộ lên những nhà sáng chế chân đất. Chẳng phải họ đích thị là những “kẻ nhà quê” đó sao? Hóa ra, thân thế ở nhà quê nhưng hoài bão và trí tuệ chẳng hề “quê” chút nào!

“Người nhà quê” chậm thích ứng với cách ứng xử, nói năng lịch lãm như người ở phố, điều đó không thể phủ nhận. Nhưng đồng thời họ cũng “chậm tiếp thu” những kiểu cách đãi bôi, xun xoe hoặc kiêu căng, trịch thượng.  Người quê ăn ngay nói thẳng nhưng coi trọng nghĩa nhân. Có người ra tỉnh làm quan to, bà con bản quán chẳng mấy khi gặp mặt nhưng khi lìa trần, quan quách đưa về quê cha đất tổ vẫn được người làng chung vai tiễn biệt đến tận nơi an táng. Những kẻ tha hương lạc xứ, những tay anh chị giang hồ, những “nàng” bán phấn buôn hương... đến khi mỏi gối chồn chân trở về “cố quận” vẫn được đất làng dung nạp để hoàn lương nương náu cuối đời. “Nghĩa tử là nghĩa tận”, “đánh kẻ chạy đi không ai đánh kẻ chạy lại”, đôi mắt quê muôn đời vẫn thế, nhận diện trắng đen rạch ròi nhưng cuối cùng vẫn độ lượng bao dung.

Có lẽ còn hai tiêu chí nữa mà người ta thường đưa vào cuộc đối sánh giữa người quê kẻ phố, đó là phương tiện và thời trang. Nhưng trong thời đại điện khí và truyền thông “phủ sóng” đến từng...centimet như hiện nay, dường như sự so sánh đó lại trở nên khập khiễng.

Ngày nay, khách du lịch phương Tây và cả giới trí thức trẻ ở ta rất ưa chuộng loại hình homestay. Điều đó chứng tỏ con người ngày càng có xu hướng “hoang dã và thông tuệ”. Có thể trong tương lai sẽ diễn ra một cuộc trao đổi dân cư cơ học hai chiều: Người quê ra phố mưu sinh vật chất, người phố về quê hưởng thụ tinh thần, giống như nhận định của một Việt kiều ở Mỹ: Giàu ở quê, nghèo ở phố.

Vậy ra “quê” thật đáng yêu và vẫn còn được yêu, cớ gì lại dè bỉu nhau là đồ, là lũ, là thứ... nhà quê ?

PHAN VĂN MINH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Lan man nỗi oan "quê"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO