Có một cuộc chơi kỳ thú trên “cánh đồng” chữ nghĩa, nơi những nhà dịch thuật tung hứng đẩy đưa để “gây nên từng trận gió cảo thơm” cho dịch phẩm, như ý Bùi Giáng thổ lộ trước một lần chuyển ngữ truyện của Gérard De Nerval.
Thơ “cảm đề” truyện
Một nhà nghiên cứu ở Đà Nẵng vừa chia sẻ trên trang cá nhân về kiến giải của GS Bill Jenner (Đại học Quốc gia Australia) đối với Thủy hử, một trong tứ đại danh tác, lục tài tử thư trong kho tàng văn học cổ điển Trung Quốc. GS Bill Jenner, người từng dịch Tây du ký ra tiếng Anh, cho rằng “Thủy hử là một bộ tiểu thuyết bệnh hoạn” nếu xét dưới góc độ các anh hùng hảo hán ra tay choảng nhau chỉ vì để… chứng tỏ võ công của mình.
Luôn có sự khác biệt về quan điểm giá trị giữa phương Đông - phương Tây. Có điều, giả sử kiến giải này đưa ra ở thời điểm học giả Phan Khôi vẫn còn vung bút làm “ngự sử văn đàn”, nhiều khả năng sẽ có một cuộc tranh luận nảy lửa.
Bởi lẽ, học giả Phan Khôi từng có cảm tình với 108 anh hùng Lương Sơn Bạc khi đọc Thủy hử qua bản dịch của cụ Á Nam Trần Tuấn Khải, thậm chí viết hẳn bài thơ cảm đề. Bài thơ ấy in trong cuốn Bút quan hoài của Á Nam Trần Tuấn Khải (sau trích dẫn trong Việt Nam thi nhân tiền chiến), có khổ cuối: “Nầy vùng Lương Sơn nay ở đâu?/ Xa trông che khuất mấy ngàn lau!/ Hát anh bài hát sau bìa sách,/ Cảm khái riêng ta với Á Đầu”.
Với Phan Khôi, người con quê làng Bảo An (Điện Bàn) gai góc và trực ngôn, chuyện bày tỏ cảm xúc bằng thơ khi đọc dịch phẩm của ai đó kể cũng “lạ”. Hẳn là lúc đó ông đã rất cao hứng… Chỉ có chút phân vân, với độ lùi hơn 90 năm kể từ ngày dịch phẩm ấy ra đời, chúng tôi không rõ học giả Phan Khôi nhắc đến “bài hát” nào sau bìa sách. Liệu có phải “Thủy hử đề từ” của cụ Trần Tuấn Khải với những câu hào sảng: “Kiếp người ai chẳng kiếp chung,/ Có chăng một tiếng anh hùng hơn nhau?”.
Dù sao, chúng ta cảm nhận được sự đồng điệu Phan Khôi - Trần Tuấn Khải. Bởi chính Phan Khôi cũng là một nhà dịch thuật trứ danh. Nhà nghiên cứu Trương Duy Hy có cơ sở để xếp Phan Khôi ở hàng đầu tiên khi tôn vinh những danh nhân xứ Quảng trên lĩnh vực dịch thuật (ông dịch trọn bộ Kinh Thánh từ những năm 1920), trước cả là Lê Đình Thám (người dịch trọn bộ kinh Thủ Lăng nghiêm của Phật giáo) và Phan Khoang (dịch trọn bộ Trung dung của Nho giáo).
Sực nhớ đến Bùi Giáng, một bậc kỳ tài khác của xứ Quảng. Đọc Hoàng tử bé (Saint - Exupéry) qua bản dịch của Bùi Giáng, thấy có cả thơ Tô Đông Pha trong đoạn thứ XXI. Con chồn nói: “Và suốt bình sinh của chú, bất cứ đi đâu, cách biệt nơi nào, chú vẫn đưa tâm hồn hướng về ban sơ hồ sơn hồi tưởng mãi, đúng như lời thi sĩ xưa kia “Sa Mạc hồi khan Thanh Cấm Nguyệt, Hồ sơn ứng mộng Vũ Lâm Xuân”. Người xưa quả nhiên không có nói dối ta đâu”… Chàng hoàng tử bé cũng được dịp phiêu hốt lai rai về con chồn: “Và bây giờ nó trở thành duy nhất trong cõi hồ sơn ứng mộng cho Sa Mạc trổ bông Vũ Xuân Lâm hồi khan Thanh Cấm Nguyệt”.
Thế đấy, với 2 câu thơ trích trong bài “Tống Tử Do sứ Khiết Đan” của Tô Đông Pha (Sa mạc hồi khan Thanh cấm nguyệt,/ Hồ sơn ứng mộng Vũ lâm xuân”, nghĩa là: Trăng Thanh cấm trên kia vùng sa mạc,/ Trời Vũ lâm in mộng triệu sông hồ), Bùi Giáng đã tùy hứng đẩy đưa ngôn ngữ vào miệng con chồn lẫn chàng hoàng tử bé. Họ Bùi cũng tùy hứng viết hoa, đảo ngược chữ…
Vòng tròn dịch thuật
Phong cách dịch thuật của Bùi Giáng xưa nay vẫn có chỗ “quái” như vậy. Lắm khi thấy ông đưa thẳng thơ của mình vào… truyện người khác, như bài “Về giữa ngọ” thấp thoáng thấy trong Mùi hương xuân sắc (Gérard De Nerval). Với Hòa âm điền dã (André Gide), thi thoảng Trung niên thi sĩ cũng thả xuống đôi dòng lục bát nhắc nhớ nàng Kiều: “Bên đèn ngó bóng hoang liêu/ Đây Kiều và Thúy, đây Kiều và Vương/ Thịt và da thịt và xương/ Dặm nghìn nằm giữa thân Vương Thúy Kiều”.
Nỗi “ám ảnh Nguyễn Du” và Truyện Kiều không chỉ riêng có với Bùi Giáng. Truyện Kiều còn “ám ảnh” nhiều người khác nữa, và ít nhất đã có một vòng-tròn-dịch-thuật xung quanh danh tác này. Hãy bắt đầu với Truyện Kiều văn xuôi.
Năm 2002, thiền sư Thích Nhất Hạnh “chuyển soạn” 3.254 câu thơ Nôm của Nguyễn Du thành truyện dài, riêng đoạn Kiều mắc lừa Bạc Bà cho đến lúc nhảy xuống sông Tiền Đường tự tử được tóm lược. Thiền sư dành công trình này cho người trẻ, vốn không dễ thưởng thức hết cái hay của tác phẩm cổ điển và nhiều điển tích. Tất nhiên, vì “dịch” từ thơ lục bát sang văn xuôi nên độ dài ngắn khác nhau.
Như đoạn Kiều viếng mộ Đạm Tiên, thử trích 5 câu lục bát của cụ Nguyễn Du: “Rằng: “Sao trong tiết Thanh minh/ Mà đây hương khói vắng tanh thế này?”/ Vương Quan mới dẫn gần xa:/ “Đạm Tiên nàng ấy xưa là ca nhi./ Nổi danh tài sắc một thì…”.
Khi chuyển sang văn xuôi, thiền sư Thích Nhất Hạnh viết:
“Kiều hỏi các em:
- Tại sao trong ngày Thanh minh mà nơi đây lại vắng tanh, không có ai đến viếng thăm và đốt hương thế hả các em?
Vương Quan nói:
- Đây là mộ của Đạm Tiên. Em nghe nói ngày xưa nàng là một ca nhi nổi tiếng tài sắc một thời”…
Đoạn văn xuôi đó dẫn chúng ta quay về với Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm tài nhân. Tiểu thuyết chữ Hán của tác giả sống ở đời Minh bên Trung Quốc dài dòng hơn nhiều so với truyện văn xuôi tiếng Việt (thiền sư Thích Nhất Hạnh) và dài gấp nhiều lần nếu đặt cạnh truyện thơ lục bát chữ Nôm (Nguyễn Du). Truy nguyên đoạn văn của Thanh Tâm tài nhân có liên quan đến 5 câu Kiều lục bát, thì thấy thế này:
“Thúy Kiều chỏ bảo Vương Quan:
- Kìa! Em xem nấm đất sè sè bên đường kia, có chiều u nhã, mà sao không có ai đến viếng thăm?
- Thưa trình hai chị, âm phần đó là của một người con hát, đã nổi tiếng ở Bắc Kinh ta xưa. Tên nàng là Lưu Đạm Tiên, lúc sinh thời tiếng tăm nàng lừng lẫy, ai cũng chịu là một người tài sắc kiêm toàn”…
Qua bản dịch của cụ Hùng Sơn Nguyễn Duy Ngung, chúng ta cảm được giọng văn trần thuật với những chữ: “chỏ bảo”, “kìa”, “thưa trình”… Nhưng từ đây, lại thấy có thêm điều thú vị khác.
Với dịch phẩm Kim Vân Kiều truyện vừa trích dẫn (in và tái bản 4 lần kể từ năm 1925), cụ Hùng Sơn không hề “sao y bản chính” mà có sáng kiến thay những câu biền ngẫu ở đầu mỗi chương bằng con số La Mã. Đầu mỗi chương, dịch giả lại chọn đăng 1 bài thơ Nôm vịnh Kiều của Chu Mạnh Trinh. Cách làm này, theo bình luận của nhà thơ Bằng Việt, là có phần “tùy tiện” nhưng lại nhẹ nhõm hơn nhiều so với công thức chương hồi cũ…
Từ tiểu thuyết chữ Hán, truyện thơ chữ Nôm đến truyện dài tiếng Việt, rõ ràng Truyện Kiều đã vẽ một vòng kỳ thú trên cánh đồng chữ nghĩa. Mà cuộc chơi ấy, với nhiều tác phẩm khác nữa, do các văn tài thầm lặng tạo ra.