Lần theo dấu chợ Tam Kỳ

ĐIỆN NGỌC - SONG ANH 29/01/2014 14:56

(Xuân Giáp Ngọ) - Qua xứ Hà Đông, Tam Kỳ phủ, xưa đã có ngôi chợ đầy sản vật của ngõ nguồn Chiên Đàn hợp cùng sông biển. Trải qua bao biến thiên lịch sử, chợ Tam Kỳ mang nhiều tên gọi nhưng vẫn còn lưu dấu dòng chảy của đời sống, đời người, và ngày một lớn lên…

“Ai về chợ Vạn, Thầu Đâu”…

Theo ông Trần Văn Truyền, cán bộ tiền khởi nghĩa, ở khối phố Hương Trà Tây (phường Hòa Hương, Tam Kỳ), chợ Vạn được hình thành vào những năm giữa thế kỷ XIX, quy tụ 2 vạn ghe: Bàn Thạch và Phước Xuyên. Chợ Vạn họp tại bờ sông Bàn Thạch ở đầu cầu Kỳ Phú, thuộc khối phố Bàn Thạch, phường Hòa Hương ngày nay.

Chợ Tam Kỳ xưa.
Chợ Tam Kỳ xưa.

Ông cố của nhà thơ Nguyễn Tấn Sĩ từng là một Vạn trưởng của xóm chợ Vạn. Vì thế, trong tuổi thơ ông Sĩ, chợ Vạn đã gắn với những kỷ niệm ngọt ngào. Theo ông Sĩ, những cư dân sống quanh chợ, đã làm nên nét văn hóa đặc sắc của đất Tam Kỳ. Quanh chợ Vạn ngày xưa có 4 khu xóm bây giờ vẫn còn lưu dấu khá rõ. Đó là xóm lò rèn Hồng Lư, xóm võ thuật, xóm hát tuồng và xóm thuốc Bắc – nấu ăn. Xóm hát bội giờ chỉ còn vài người cao tuổi minh mẫn, có thể ca vài câu tuồng trong “Hồ Nguyệt Cô hóa cáo”, nhưng câu chuyện về nhà hát tuồng đầu tiên – nhà hát bà Võ vẫn còn nhiều người nhắc nhớ. “Xóm này hồi trước có mấy gia đình toàn là những nghệ sĩ tuồng đồ như nhà bà Diệu Thông chẳng hạn. Nhà hát bà Võ ngày xưa đông lắm, bà mời toàn những đoàn tuồng nổi tiếng về diễn cho dân chợ coi”, ông Sĩ kể. Áng chừng ngày trước, chắc chỉ có dân chợ mới có được cái thú đi xem tuồng đồ…

Đến xóm lò rèn Hồng Lư, hỏi về câu chuyện rèn đúc những chiếc mỏ neo cho các thuyền buôn ngày xưa, người viết chỉ bắt gặp những cái lắc đầu của các chủ lò. Tuy nhiên, những tiếng búa đập vào nhau chan chát vang từ đầu tới cuối hẻm có thể gợi nhắc lại cái không khí xôn xao của một ngôi chợ nằm dọc bến sông Bàn Thạch xưa. Cả cái võ đường đã hơn 300 năm của nhà họ Doãn, những tiệm thuốc Bắc nổi tiếng một thời của những người Minh Hương… cũng là những dấu tích lâu đời còn sót lại của một vùng đất chợ. Thú vị hơn khi chính những người Minh Hương ở đây làm món cao lầu, nấu món xí mà phủ cũng ngọt ngây như những người Hoa ở phố Hội.

Những người cao tuổi ở những con xóm quanh chợ Vạn Tam Kỳ còn kể thêm một chi tiết khá thú vị, ấy là khi xưa, tại mỗi sạp chợ đều có một hồ nước. Lý do vì đây là nơi có nhiều xương động vật, lại là khu vực gần bến sông, chợ cá, khí mê tan và phốt pho trong lòng đất khá cao, lúc ấy sạp chợ nào cũng có bếp lửa, nên  dễ xảy ra cháy nổ. “Để đề phòng cháy nổ, mỗi sạp chợ đều có đào một hồ nước. Ngay nhà tôi ở, khi xưa cũng có một hồ nước, sau này khi cơi nới, sửa chữa nhà cửa, chúng tôi đã lấp nó”, ông Nguyễn Tấn Sĩ kể.

Chợ Vạn từng một thời được coi là chợ đầu mối, hàng hóa từ nguồn xuống, từ biển đem lên ngày càng dồi dào nên dòng người đến buôn bán ngày càng đông. Vì thế, chợ đã đi vào “bài ca địa chí”: "Đi về chợ Vạn, Thầu Đâu/ Phương Hòa, Mỹ Thạch, đến đầu con Nghê...”.

Chợ Chiều và chợ Mai

Năm 1936, Lý trưởng xã Tam Kỳ Trần Hoàn cho thành lập thêm khu chợ có tên là chợ Chiều, tọa lạc bên đường thiên lý Bắc – Nam (giao lộ Phan Châu Trinh - Huỳnh Thúc Kháng ngày nay). Cuối năm 1956, chợ Chiều chuyển về bên chợ Vạn họp ở đầu cầu Kỳ Phú. Có một số người buôn bán nhỏ không chuyển theo mà vẫn ngồi lại buôn bán tại địa điểm chợ Chiều (cũ), rồi dần dà hình thành chợ Mai.

Đến năm 1962, khi cầu Kỳ Phú bằng bê tông cốt thép xây dựng hoàn thành, đưa vào sử dụng thì chợ Chiều một lần nữa phải dời về khu vực Gò Đá (thuộc khách sạn Tam Kỳ ngày nay). Ông Bùi Ngọc Châu, hơn 80 tuổi, hiện ở khối phố Hồng Phong, phường Hòa Hương, Tam Kỳ, nhớ lại: Chợ Chiều (mới) ở khu vực Gò Đá, do ông Nguyễn Văn Anh (tức Hòe), một chiến sĩ cách mạng ở phường Phước Hòa thầu thi công. Chợ được xây dựng 2 dãy. Mái lợp ngói xi măng, không có tường chắn. Chợ có thành lập Ban quản lý và nghiệp đoàn bốc vác, các ông Chánh Dung, Nguyễn Minh, Huỳnh Nhung, Ngô Văn Phiếu... được phân công thu hoa chi (thuế chợ).

Chợ Chiều không lớn nhưng quy tụ đông đảo bà con tiểu thương và những người “chạy chợ” từ các địa phương trong tỉnh như Thăng Bình, Tiên Phước, Duy Xuyên, Quế Sơn, Điện Bàn, Bắc Tam Kỳ, Nam Tam Kỳ.

Hàng hóa đến chợ Chiều chủ yếu là nông sản thực phẩm nhưng phải vận chuyển bằng đường thủy vì đường bộ lúc bấy giờ đi lại gặp nhiều khó khăn và chính quyền kiểm soát rất nghiêm ngặt. Nếu ai có hàng may mặc hoặc những mặt hàng nhập ngoại muốn đưa vào chợ Chiều để tiêu thụ thì phải ngụy trang nhằm qua mắt lực lượng kiểm soát thời bấy giờ nên có thơ rằng: “Đầu phồng – Đá lửa/ Có chửa – ka ki/ Đi vô Tam Kỳ/ Đẻ ra ngoại hóa”.

Vóc dáng mới

Sau ngày quê hương được hoàn toàn giải phóng, chợ Chiều và chợ Mai nhập lại, đổi tên thành chợ Tam Kỳ.

Năm 1982, chợ Tam Kỳ được xây dựng mới tại khối phố 3 và 4, phường Phước Hòa. Qua nhiều năm sử dụng chợ Tam Kỳ đã xuống cấp, nên năm 2012, một dự án nâng cấp, cải tạo để đảm bảo tiêu chuẩn chợ loại I được tỉnh phê duyệt và triển khai thi công. Chợ mới sẽ có khối nhà chính 3 tầng, với tổng diện tích sàn hơn 10.100m2, cùng không gian cảnh quan sân chợ rộng hơn 3.800m2, được bố trí cây xanh, thảm cỏ thoáng mát và rộng rãi men theo các đường nội bộ. Chợ có các hệ thống điện, chống sét, báo cháy - chữa cháy hiện đại.

Quy mô chợ mới khi hoàn thành sẽ thu hút hơn 500 hộ tiểu thương đến kinh doanh, buôn bán; ngoài hàng trăm sạp hàng, ki ốt còn có các khu dịch vụ ăn uống giải khát, nhà hàng tiệc cưới, dịch vụ cắt tóc, may gia công… Dự kiến, tháng 7.2014, chợ Tam Kỳ mới sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Như vậy, trải qua hàng trăm năm, từ chợ Vạn, chợ Chiều, chợ Mai đến chợ Tam Kỳ, ngôi chợ lớn của Tam Kỳ phủ lỵ xưa, dáng vóc mỗi ngày mỗi lớn, được sáp nhập, tân trang, xây mới hiện đại hơn. Bao ký ức, khát khao với ngôi chợ đã gắn liền với cư dân vùng đất, ôm ấp sứ mệnh kinh tế và cả lịch sử, văn hóa trong sự giao thương, giao lưu giữa ngõ nguồn sông biển trên ngã tư đường nước và lộ trình thiên lý Bắc - Nam. Nó là cuộc đời hóa thân từ vạn chài sông nước rồi lên phố, lên phường. Một ngày mới cho chợ mới sẽ đến…

ĐIỆN NGỌC - SONG ANH

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Lần theo dấu chợ Tam Kỳ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO