Hội viên nông dân huyện Đại Lộc đã xây dựng, hình thành nhiều mô hình liên kết sản xuất, làm ăn có hiệu quả và tạo sức lan tỏa trong nông nghiệp, nông thôn.
Những ngày này, sau khi thu hoạch xong đậu phụng, các hộ dân thuộc Tổ hội nông dân (HND) nghề nghiệp sản xuất nông nghiệp hữu cơ thôn Phú Xuân (xã Đại Thắng) lại tất bật chuẩn bị gieo mè vụ hè thu.
Trưởng ban Công tác mặt trận thôn, kiêm Tổ trưởng tổ hội - ông Phan Văn Lành cho biết, năm 2022 tổ có 65 hộ tham gia sản xuất trên tổng diện tích 28ha. Trừ chi phí, bình quân thu lãi đạt 94,4 triệu đồng/ha, tăng gấp 1,6 lần so với sản xuất thông thường.
Để đạt kết quả đó, Chi HND thôn Phú Xuân đã nỗ lực tuyên truyền về tác hại của việc lạm dụng hóa chất trong nông nghiệp, sức khỏe con người và uy tín của thương hiệu sản phẩm; sự cần thiết phải sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Đồng thời liên kết với Công ty Thực phẩm NOOM (đóng tại huyện Thăng Bình) để sản xuất đậu phụng, mè không sử dụng hóa chất.
Ông Lành kể, năm 2017, sau thời gian tuyên truyền và nhận được sự hưởng ứng của nông dân, chi hội phối hợp thuê 2ha đất giao nhóm hộ sản xuất, trực tiếp theo dõi giám sát quy trình dưới sự hướng dẫn kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc của nhân viên công ty.
Ngay mùa đầu tiên, lãi thu được 82 triệu đồng/ha, gấp 1,2 lần so với sản xuất thông thường. Kết quả ban đầu này đã tạo được niềm tin trong nông dân để mở rộng sản xuất, giá trị kinh tế ngày càng nâng cao.
Ông Hồ Văn Chín - Chủ tịch HND xã Đại Thắng cho hay, nhiệm vụ trọng tâm mà đơn vị triển khai là tuyên truyền nông dân liên kết sản xuất nông nghiệp và sản xuất nông nghiệp hữu cơ.
Đi đôi với vận động thành lập tổ hội, đơn vị mạnh dạn liên kết với doanh nghiệp để giải quyết đầu ra cho sản phẩm nông dân; trong đó có sản xuất lúa giống và bắp giống đã mang lại hiệu quả kinh tế.
Chủ tịch HND huyện Đại Lộc - ông Trương Hữu Mai cho biết, nhiều mô hình nông dân tham gia phát triển kinh tế hình thành đã tạo được sức lan tỏa. Như sản xuất báng tráng, nuôi cá lồng bè, sản xuất đũa thương phẩm, trồng cây ăn quả, làm hương trầm, nuôi lươn không bùn…
Điển hình, tại thôn Ô Gia (xã Đại Cường), nông dân Phan Thanh Hòa thành công với mô hình nuôi trùn quế, lươn không bùn. Riêng nuôi lươn không bùn, mỗi năm ông Hòa xuất bán 2.400kg lươn thịt, sau khi trừ chi phí mang lại cho gia đình mức lãi 200 triệu đồng.
Thành lập vào năm 2019, Tổ hợp tác trầm hương Đại Lộc (trú thôn Bàng Tân, xã Đại Đồng) với 10 thành viên chuyên sản xuất trầm viên, nhang khoanh, nhang sào, hương cây.
Tổ trưởng Trần Thị Chung Thùy (SN 1990) chia sẻ, trong thôn có rất nhiều gia đình làm hương, nên việc thành lập tổ hợp tác để chia sẻ kinh nghiệm, sản xuất đáp ứng nhu cầu của thị trường là cần thiết.
Chị Thùy cho biết, mỗi hộ thành viên giải quyết được 4 - 6 lao động với mức lương 150 nghìn đồng/người/ngày. Thời gian tới, tổ mong muốn được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để mở rộng sản xuất, tiếp cận thị trường điện tử…