(QNO) - Nhiều chính sách động lực được triển khai thời gian qua đã giúp đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số và diện mạo nông thôn miền núi ngày càng khởi sắc và lan tỏa sâu rộng.
Đây là nhận định được đưa ra tại hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác dân tộc năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025, diễn ra vào sáng nay 30/12, do Ủy ban Dân tộc tổ chức.
Các đồng chí Nguyễn Hòa Bình - Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; Hầu A Lềnh - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc và các Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Vinh Tơr, Y Thông, Nông Thị Hà chủ trì điểm cầu Trung ương. Tại điểm cầu Quảng Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban ngành của tỉnh tham dự.
Báo cáo tại hội nghị, Thứ trưởng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Nông Thị Hà cho biết, năm 2024, công tác dân tộc tiếp tục được Đảng, Nhà nước và cả hệ thông chính trị quan tâm chỉ đạo, phối hợp triển khai thực hiện, tạo động lực quan trọng trong triển khai thực hiện hiệu quả chính sách dân tộc, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi.
Nhiều chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc xây dựng, hoàn thiện thế chế, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện các chính sách dân tộc, trọng tâm là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển vùng đồng bào DTTS và miền núi. Trong đó, tập trung đẩy nhanh vốn đầu tư công và thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.
Theo báo cáo, đến nay, 98,4% xã vùng DTTS và miền núi có đường ô tô đến trung tâm; 96,7% hộ DTTS được sử dụng điện lưới quốc gia; 100% xã có trường lớp mầm non, tiểu học và THCS; 99,3% xã có trạm y tế với 83,5% xã có trạm y tế đạt chuẩn và 69,1% số trạm y tế có bác sĩ, y tá khám chữa bệnh cho người dân.
Ngoài ra, có hơn 90% xã được phủ sóng phát thanh, truyền hình; 100% xã có hạ tầng viễn thông và được phủ sóng di động, đáp ứng nhu cầu thông tin liên lạc...
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ đã giao vốn hơn 25.171 tỷ đồng để thực hiện. Trong đó, 14.000 tỷ đồng vốn đầu tư và hơn 11.171 tỷ đồng vốn sự nghiệp. Đến nay, 42/42 địa phương thực hiện chương trình theo kế hoạch được giao.
Tính đến 30/11/2024, cả nước đã giải ngân hơn 9.807 tỷ đồng, bằng 62% kế hoạch. Trong đó, nguồn vốn kéo dài các năm trước chuyển sang giải ngân đạt hơn 1.455 tỷ đồng; nguồn vốn của năm 2024 đạt hơn 8.351 tỷ đồng, bằng 62,9% kế hoạch.
Riêng Quảng Nam, năm 2024, tổng nguồn vốn thực hiện chương trình (kể cả vốn năm 2022 và 2023 kéo dài) hơn 1.477 tỷ đồng; bao gồm vốn đầu tư gần 570 tỷ đồng và vốn sự nghiệp hơn 907 tỷ đồng. Trong đó ngân sách trung ương hơn 1.310 tỷ đồng và ngân sách tỉnh hơn 166 tỷ đồng.
Đến nay, tổng giải ngân vốn hơn 384,5 tỷ đồng, đạt 32,3% kế hoạch. Cụ thể, vốn đầu tư 279,4 tỷ đồng và vốn sự nghiệp hơn 165,5 đồng.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh, công tác dân tộc và chính sách dân tộc có ý nghĩa hết sức quan trọng, góp phần làm thay đổi đời sống vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Để công tác dân tộc và chính sách phát triển miền núi được hiệu quả, đồng chí Nguyễn Hòa Bình đề nghị, bên cạnh hoàn thành các đề mục chưa đạt được thời gian qua, tiếp tục hướng dẫn cụ thể nhằm triển khai việc triển khai thực hiện các chính sách dân tộc phù hợp với nhu cầu thực tiễn.
Ngoài ra, các tỉnh, thành tiếp tục đôn đốc giải ngân đầu tư công; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc; phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành trong việc giải quyết những khó khăn, vướng mắc ở lĩnh vực công tác dân tộc và chính sách phát triển miền núi...