Lan tỏa đô thị hạt nhân

KHÁNH LINH 14/06/2018 13:55

Tại hội thảo quy hoạch TP.Đà Nẵng đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045 vừa diễn ra cuối tuần qua tại TP.Đà Nẵng, nhiều ý kiến cho rằng việc xây dựng đô thị hạt nhân sẽ tạo cơ hội cho vùng lân cận, liên kết phát triển bền vững.

Phát triển của đô thị Đà Nẵng sẽ tạo điều kiện lan tỏa tốt nhưng cũng gây lên những áp lực về hạ tầng cho Hội An. Ảnh: K.L
Phát triển của đô thị Đà Nẵng sẽ tạo điều kiện lan tỏa tốt nhưng cũng gây lên những áp lực về hạ tầng cho Hội An. Ảnh: K.L

Đô thị hạt nhân

Theo quy hoạch, 3 nhóm chính sách chính sẽ được thành phố triển khai trong thời gian tới bao gồm: các chính sách và cơ chế thúc đấy sự phát triển các ngành kinh tế theo định hướng quy hoạch; các chính sách và cơ chế tạo động lực mới cho sự phát triển nhanh và bền vững; thúc đẩy tổ chức triển khai và thực hiện quy hoạch. Trong đó, nhóm các chính sách và cơ chế thúc đẩy sự phát triển các ngành kinh tế theo định hướng quy hoạch sẽ tập trung vào 5 trụ cột kinh tế là dịch vụ du lịch gắn với bất động sản nghỉ dưỡng; cảng biển, hàng không gắn liền với dịch vụ logistics; công nghiệp công nghệ cao gắn với xây dựng đô thị sáng tạo khởi nghiệp; phát triển công nghiệp công nghệ thông tin; sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao, ngư nghiệp. Phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP giai đoạn 2018 - 2030 đạt 9 - 11%/năm...

Ngoài ra, định hướng phát triển không gian đô thị cũng sẽ được thực hiện trên quan điểm mở rộng liên kết vùng, kết nối thành phố với các vùng phụ cận. Phát triển khu trung tâm theo hướng mô hình đô thị nén nhằm tái thiết đô thị cũ theo hướng hiện đại, hướng đến phát triển Đà Nẵng tương xứng với vai trò đô thị hạt nhân trong chuỗi đô thị miền Trung; thực hiện chính sách khuyến khích nhằm thu hút đầu tư xây dựng khu đô thị sáng tạo gắn với khu công nghệ cao theo hướng Đà Nẵng trở thành một trung tâm sáng tạo, đi đầu trong việc vận dụng cách mạng công nghệ 4.0 và hội nhập quốc tế, hình thành trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của Việt Nam và khu vực, dẫn dắt sự phát triển hội nhập của khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

Theo TSKH-KTS. Ngô Viết Nam Sơn, chuyên gia về quy hoạch kiến trúc, hiện làm việc tại Bắc Mỹ và Việt Nam, để hướng đến mục tiêu bảo tồn và phát triển đô thị Đà Nẵng, cần phát triển đô thị Đà Nẵng theo 8 định hướng chiến lược. Bao gồm: phát triển vai trò lãnh đạo của Đà Nẵng - đô thị hạt nhân trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung; bảo tồn và phát triển bản sắc đặc trưng của đô thị biển - sông - núi cho Đà Nẵng; phát triển Đà Nẵng theo hướng bền vững, với quy hoạch xanh và kiến trúc xanh; phát triển Đà Nẵng thành đô thị văn minh hiện đại, đại biểu cho phát triển đô thị Việt Nam trong thế kỷ 21; phát triển Đà Nẵng thành đô thị đáng sống hàng đầu tầm quốc gia và quốc tế; phát triển Đà Nẵng theo hướng đô thị thông minh; phát triển Đà Nẵng trở thành đô thị toàn cầu; phát triển Đà Nẵng trở thành đô thị khởi nghiệp.

Hình thành vùng đô thị

Theo TS. Trần Du Lịch - thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, vấn đề không phải tác động thế nào mà bài toán đặt ra là gắn phát triển Đà Nẵng với vùng đô thị xung quanh như thế nào. Cụ thể là gắn Đà Nẵng với Điện Bàn với Hội An, thậm chí nhìn dài hạn hơn là gắn với Tam Kỳ và phía bắc Lăng Cô. “Tôi gọi đó là tổ chức không gian đô thị theo vùng đô thị Đà Nẵng chứ không phải chỉ ranh giới hành chính của Đà Nẵng. Qua đó tạo điều kiện phân bố về lực lượng sản xuất, loại dịch vụ, các ngành; để cho sự phát triển Đà Nẵng có sự lan tỏa đến các vùng lân cận, tạo thuận lợi cho Đà Nẵng và các nơi khác” -  TS. Trần Du Lịch nói.

Có khẳng định, phát triển của Đà Nẵng sẽ tác động lan tỏa trực tiếp đến các vùng lân cận, nhất là Điện Bàn và Hội An. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh, việc Điện Bàn kết nối không gian với TP.Đà Nẵng và TP.Hội An sẽ biến toàn bộ khu vực này trở thành trung tâm phát triển đô thị và là cụm đô thị động lực số 2 trong quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của vùng trọng điểm kinh tế miền Trung định hướng năm 2030. Đây không chỉ là cơ hội cho Hội An, Điện Bàn mà cả TP.Đà Nẵng, bởi xét về quy mô thì TP.Đà Nẵng hiện vẫn còn rất nhỏ so với 5 thành phố trực thuộc trung ương. Do đó, muốn phát triển cần phải mở rộng không gian ra các vùng Điện Bàn, Hội An vì trong phát triển kinh tế không giới hạn bởi ranh giới hành chính mà tùy thuộc vào điều kiện cụ thể về không gian phát triển.

Tuy vậy, Điện Bàn, Hội An cũng sẽ đối diện những thách thức lớn từ sự bùng nổ của Đà Nẵng, nhất là khi Đà Nẵng đang chịu một sức nén về phát triển đô thị hiện nay cùng định hướng phát triển không gian giãn dân ra bên ngoài… “Quy hoạch phát triển không gian; quy hoạch phát triển kinh tế Điện Bàn như hệ thống giao thông hạ tầng kết nối, chuyển đổi nghề nghiệp cho người dân, thu hồi đất phát triển kinh tế sẽ rất khó khăn nếu như Điện Bàn và tỉnh Quảng Nam không chủ động tính toán bài toán về liên kết phát triển giữa TP.Đà Nẵng với TP.Hội An thì quy hoạch phát triển của Điện Bàn sẽ bị phá vỡ và người dân - nhất là người dân ở khu vực nông thôn sẽ khó chuyển đổi kịp so với tốc độ đô thị hóa” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nói.

Do đó, ngoài nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch phát triển không gian của Điện Bàn, thì quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của Điện Bàn cũng cần tính toán phù hợp với sự phát triển của TP.Đà Nẵng và TP.Hội An. Đặc biệt, Điện Bàn phải chủ động đi trước, tạo ra một khu đô thị vệ tinh của Đà Nẵng ngay từ bây giờ không chỉ về mặt không gian mà cả tính chất đô thị cũng được xác định để phục vụ cho việc mở rộng đô thị hóa Đà Nẵng. Bao gồm các trục giao thông đối ngoại, làng đại học, tuyến giao thông, tuyến sông Cổ Cò… hay chuyển đổi cơ cấu nghề nghiệp của người dân cũng phải chủ động đi trước, kể cả người dân được chuyển đổi để trực tiếp sản xuất tại chỗ, và người dân tham gia sản xuất tại Đà Nẵng…  Riêng với Hội An sẽ chịu áp lực rất lớn về dòng khách du lịch từ Đà Nẵng vào, nhất là với hạ tầng, dịch vụ…

KHÁNH LINH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Lan tỏa đô thị hạt nhân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO