Thời gian qua, tại Quảng Nam đã xuất hiện hàng trăm tấm gương tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến với nhiều cách làm hay, sáng tạo trong “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, tạo sự lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng…
Học từ những việc nhỏ
Cô Võ Thị Viết, nhân viên bảo vệ ở Trường THCS Tam Lộc (Phú Ninh) tham gia tiếp sức học sinh nghèo, học sinh mồ côi bằng cách mỗi năm học cô nhận nuôi một học trò nghèo có nguy cơ bỏ học. Bao nhiêu năm làm bảo vệ là bấy nhiêu năm cô Viết nhận đỡ đầu học trò nghèo. Cô nuôi các em suốt 4 năm học, từ khi mới bước vào trường cho đến hết lớp 9. Sau đó, cô lại nhận tiếp sức một học sinh lớp 6 khác cho đến khi các em tốt nghiệp THCS. Đến nay cô đã nhận đỡ đầu 5 trường hợp như thế. Các em trìu mến gọi cô là “má Viết”. Đáng mừng là các trường hợp được cô Viết đỡ đầu đều đã tốt nghiệp THPT, trong đó người học trò cô tiếp sức đầu tiên - Đỗ Thị Vân - nay đã trở thành cô giáo.
Nhiều bà con nghèo vẫn thường nhắc đến tấm lòng của ni trưởng Thích Nữ Ánh Liên - trụ trì tịnh xá Ngọc Châu (Hội An). Xuất phát từ tâm thiện của con nhà Phật, ni trưởng khơi gợi lòng nhân ái và vận động các tăng ni phật tử thực hành tiết kiệm theo gương Bác Hồ bằng chương trình “nuôi heo đất lòng vàng”. Số tiền tiết kiệm này, ni trưởng Thích Nữ Ánh Liên giúp đỡ những mảnh đời khó khăn, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em nghèo ở Quảng Nam. Ba năm qua, ni trưởng đã vận động hàng trăm triệu đồng từ phật tử và các nhà hảo tâm để tặng đồng bào nghèo các huyện miền núi Tây Giang, Đông Giang. Trước thềm năm mới này, ni trưởng Thích Nữ Ánh Liên đang tiếp tục vận động để đồng bào nghèo có thêm cái tết đầm ấm.
Nhiều mô hình hay
Ở các địa phương, đơn vị, Chỉ thị 03 được hiện thực hóa bằng những hình thức khác nhau, trong đó có nhiều cách làm hay, sáng tạo ngày càng lan tỏa trong cộng đồng. Có thể kể đến Hội Nông dân tỉnh với phong trào “Mỗi chi hội giúp đỡ một hộ nông dân thoát nghèo”; Công an tỉnh có mô hình “Diễn đàn công an lắng nghe ý kiến đóng góp của nhân dân”; Hội Cựu chiến binh phát động phong trào “Xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”; ngành giáo dục thực hiện Chỉ thị 03 gắn với cuộc vận động “Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”; nhiều tộc họ ở huyện Đại Lộc tổ chức tọa đàm “Gia tộc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; Huyện ủy Đông Giang với mô hình “Sổ đăng ký học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Hay như Chi bộ Trường THCS Lý Tự Trọng (Tiên Phước), mỗi đảng viên của chi bộ đều có “sổ tay học tập và làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ” đăng ký cụ thể kế hoạch chương trình công tác năm và kết quả thực hiện kế hoạch qua từng tháng. Đối với học sinh, nhà trường duy trì chương trình “kể chuyện về Bác Hồ” trong tiết chào cờ…
Chi bộ Hội Văn học - nghệ thuật cũng có cách làm hay, gắn với tình hình thực tế (chi bộ ghép giữa 2 đơn vị Hội Văn học - nghệ thuật và Hội Nhà báo). Đó là việc tổ chức sinh hoạt chi bộ theo chuyên đề “Bác Hồ với văn nghệ, báo chí”. Mỗi tham luận trình bày tại buổi sinh hoạt của các cá nhân đều gắn với đặc trưng nghề nghiệp và vị trí công tác. Ông Phạm Sáu - Trưởng ban Tuyên giáo Đảng ủy Khối các cơ quan của tỉnh cho rằng, cần nhân rộng điển hình này. Ngoài ra, Chi bộ Hội Văn học - nghệ thuật còn xây dựng “Tủ sách Bác Hồ” với hơn 50 đầu sách, báo về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh do các đảng viên chi bộ đóng góp.
Có thể nói, việc học tập và làm theo gương Bác Hồ đã trở thành việc làm thường xuyên của cán bộ, đảng viên và nhân dân Quảng Nam. Nhiều mô hình, điển hình lan tỏa sâu rộng, đi vào công việc, cuộc sống của cán bộ, đảng viên và nhân dân.
CHÂU NỮ