Lan tỏa lối sống đẹp

VINH ANH 18/05/2017 09:17

Có nhiều cách để chúng ta học và làm theo gương Bác. Với thầy giáo Nguyễn Trần Vỹ ở vùng cao Nam Trà My, học Bác, đơn giản chỉ là sống làm sao để mỗi ngày qua đi không cảm thấy lãng phí, vô nghĩa...

Thầy giáo Nguyễn Trần Vỹ trong một chuyến đến với học trò nghèo vùng cao.  Ảnh: VINH ANH
Thầy giáo Nguyễn Trần Vỹ trong một chuyến đến với học trò nghèo vùng cao. Ảnh: VINH ANH

Chúng tôi gọi thầy giáo trẻ Nguyễn Trần Vỹ - cán bộ Phòng GD-ĐT huyện Nam Trà My là “người châm ngòi cho lối sống đẹp”, bởi những việc người thầy này làm đã tạo sự lan tỏa yêu thương ở địa phương nơi công tác.

Thầy Vỹ kể, trước đây, hoạt động thiện nguyện ở Nam Trà My không rầm rộ như bây giờ. Nhưng chừng 2 năm trở lại đây, các tổ chức, cá nhân, câu lạc bộ thiện nguyện đến với người dân và học sinh nghèo Nam Trà My rất nhiều. Phần lớn hoạt động này là từ sự kết nối của thầy cô giáo, cán bộ, người lao động đang sinh sống và công tác tại Nam Trà My. “Qua mạng xã hội, họ kết nối với người thân quen, chia sẻ với cộng đồng về những hoàn cảnh khó khăn, địa chỉ cần giúp đỡ. “Mạng ảo nhưng tình người thật”. Đôi khi, chỉ một hình ảnh kèm dòng trạng thái ngắn gọn về trường hợp, địa chỉ khó khăn đăng lên facebook nhưng tạo sự lan tỏa, kết nối mọi người tìm đến để giúp đỡ” - thầy Vỹ chia sẻ.

Những công trình ý nghĩa

Thông qua sự kêu gọi, vận động của Câu lạc bộ “Kết nối yêu thương Nam Trà My” và cá nhân thầy Nguyễn Trần Vỹ, đến nay, nhiều công trình dành cho giáo viên, học sinh tại Nam Trà My đã được những người có tấm lòng thiện nguyện tài trợ kinh phí để xây dựng, sửa chữa, như: lát gạch men 7 phòng học và làm sân bê tông cho 3 điểm trường; lắp đặt 5 khu vui chơi; xây dựng mới 13 điểm trường ở các thôn nóc với 28 phòng học và 25 phòng ở giáo viên với tổng kinh phí hơn 3 tỷ đồng; xây dựng khu nhà bán trú cho học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Trà Tập và một nhà ăn cho học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Trà Vân…V.A

Trở lại với câu chuyện của thầy Vỹ. Lần đầu tiên tôi gặp anh là trong chuyến tình nguyện lên xã vùng cao Trà Leng, Nam Trà My cách đây khoảng 4 năm. Hình ảnh một thanh niên mảnh khảnh, “cưỡi” chiếc xe Win vượt đèo, qua suối để trung chuyển người, hàng hóa giúp đoàn tình nguyện vào bản khiến tôi nhớ mãi. Buổi tối, thầy ngồi tỉ tê đủ thứ chuyện về học sinh, con người vùng cao để mọi người trong đoàn tình nguyện nghe. Lúc ấy, không có nhiều đoàn tình nguyện lên Nam Trà My như bây giờ. Sau này tôi mới hiểu việc làm của thầy Vỹ không chỉ đơn thuần để hỗ trợ đoàn tình nguyện mà còn mong muốn được làm “cầu nối” để gắn kết, đưa nhiều hơn nữa các nhà hảo tâm đến với học sinh nghèo thông qua cái tình của người vùng cao. Hễ nghe thông tin về một đoàn tình nguyện nào có ý định tổ chức hoạt động ở miền núi là thầy Vỹ tìm cách kết nối và giúp đỡ họ tận tình. “Rất quý những tấm lòng thiện nguyện vượt đường xa đến với bà con và học sinh vùng cao. Mình không có của thì có công, chỉ bớt chút thời gian để tư vấn về địa chỉ, đường đi, hay chỉ là nói chuyện, chia sẻ để họ hiểu và thêm gắn bó hơn với vùng cao. Khi tạo ấn tượng tốt, mình nghĩ sẽ có nhiều hơn những  tấm lòng tìm đến với mảnh đất tuy nghèo khó nhưng đầy tình cảm này” - thầy Vỹ tâm sự.

Âm thầm, lặng lẽ như vậy, nhưng tôi nghĩ chính việc làm của thầy Vỹ đã “châm ngòi” cho một lối sống đẹp - lối sống vì cộng đồng ở huyện miền núi Nam Trà My. Thấy được những việc làm ý nghĩa và hiệu quả của thầy Vỹ, nhiều người cùng tham gia đóng góp sức mình, giúp kết nối, lan tỏa tình yêu thương giữa người miền xuôi và miền ngược, giữa các mạnh thường quân với học sinh nghèo. Năm 2014, những con người vì cộng đồng ấy đã tập hợp lại, cho ra đời Câu lạc bộ “Kết nối yêu thương Nam Trà My” do thầy Vỹ làm chủ nhiệm. Từ 10 thành viên ban đầu, đến nay câu lạc bộ đã có hơn 30 người, đã kết nối biết bao đoàn thiện nguyện, tổ chức, cá nhân hảo tâm đến với người dân và học sinh nghèo Nam Trà My. Thời gian gần đây, với suy nghĩ phải làm cái gì đó thiết thực hơn việc mang gạo, tiền, quần áo… cho người dân và học sinh, thầy Vỹ và thành viên câu lạc bộ lên mạng xã hội xin… trường cho học sinh. Từ công trình đầu tay chỉ với 13 triệu đồng vận động từ nhà tài trợ để lát gạch men và sửa chữa sân cho một trường học, đến nay đã có nhiều điểm trường, nhà nội trú cho giáo viên, học sinh được xây mới, với tổng giá trị hàng tỷ đồng. Song song với đó, câu lạc bộ vận động, kết nối với các nhà hảo tâm để duy trì chương trình “Bầu sữa yêu thương”, “Bữa cơm có thịt”… cho học sinh các điểm trường.

VINH ANH

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Lan tỏa lối sống đẹp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO