Lan tỏa nét đẹp văn hóa Cơ Tu

QUỐC TUẤN 03/04/2017 14:14

(QNO) - Chương trình “Trưng bày và giới thiệu văn hóa truyền thống của đồng bào Cơ Tu lần thứ 2” tại Bảo tàng Đà Nẵng giúp quảng bá rộng rãi và đưa những nét đẹp của văn hóa Cơ Tu đến gần hơn với cộng đồng.

Đa dạng hoạt động

Nằm trong chuỗi hoạt động văn hóa lễ hội hai bên bờ sông Hàn và kỷ niệm 42 năm Ngày giải phóng TP.Đà Nẵng (29.3.1975-29.3.2017), chương trình “Trưng bày và giới thiệu văn hóa truyền thống của đồng bào Cơ Tu lần thứ 2” được đánh giá cao về tính độc đáo cũng như hiệu quả thiết thực mang lại. Theo bà Ngô Thị Bích Vân - Phó Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng, chương trình năm nay quy củ hơn năm ngoái khá nhiều khi tập hợp được 48 nghệ nhân Cơ Tu đến từ 3 tỉnh, thành Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam.

Đồng bào Cơ Tu ở Nam Giang biểu diễn nhạc cụ và hát lý tại lễ hội. Ảnh: Q.T
Đồng bào Cơ Tu ở Nam Giang biểu diễn nhạc cụ và hát lý tại lễ hội. Ảnh: Q.T

Trong vòng 1 ngày diễn ra chương trình, các gian hàng bày bán sản phẩm của đồng bào Cơ Tu ở TP.Đà Nẵng và Quảng Nam đã thu được hàng chục triệu đồng nhờ nhu cầu tiêu thụ của người dân và du khách đến tham dự.

Tại chương trình, đồng bào Cơ Tu của Quảng Nam đã mang đến nét đặc sắc riêng cho lễ hội với các hoạt động: biểu diễn nhạc lý, biểu diễn nghề đan lát truyền thống (Nam Giang), biểu diễn nghề dệt (Đông Giang)…

Ngoài ra, các gian hàng trưng bày các sản phẩm nông sản: đậu, mè, nếp, nghệ, tiêu… hay thổ cẩm, ẩm thực thu hút sự quan tâm của khách hàng bởi chất lượng và sự mới lạ của các sản phẩm. Rất nhiều học sinh tiểu học ở TP.Đà Nẵng và cả du khách đến tham dự chương trình lần đầu tiên đều tỏ ra hào hứng, tò mò quan sát khi chứng kiến những khung dệt, nhạc cụ của đồng bào Cơ Tu.

Chị Nguyễn Thị Ngọc Hiền, một người dân Đà Nẵng chia sẻ, do không có điều kiện đến các vùng cao nên thông qua chương trình lần này, gia đình tranh thủ đến tham quan, mua sắm nhiều sản phẩm, nhất là nông sản để dành sử dụng trong thời gian dài.

Cần mở rộng phạm vi quảng bá

Có sản phẩm tham gia bày bán tại chương trình lễ hội, chị Nguyễn Thị Kim Lan (xã Tà Bhing, huyện Nam Giang) chia sẻ, hiện tại bà con địa phương đang vào mùa thu hoạch nhiều loại nông sản nên số lượng hàng cần tiêu thụ khá lớn. Tuy nhiên, ngoài buổi trưng bày tại lễ hội hôm nay thì phần lớn người dân chỉ buôn bán tại chỗ chứ chưa tiêu thụ được cho các thị trường bên ngoài địa phương.

Các mặt hàng nông sản hay thổ cẩm của người Cơ Tu ở Quảng Nam bán rất chạy tại sự kiện nhưng chưa có một thị trường tiêu thụ ổn định. Ảnh: Q.T
Các mặt hàng nông sản hay thổ cẩm của người Cơ Tu ở Quảng Nam bán rất chạy tại sự kiện nhưng chưa có một thị trường tiêu thụ ổn định. Ảnh: Q.T

Mới đây, Tổ chức Cứu trợ và phát triển quốc tế (FIDR) vừa tổ chức một kênh tiêu thụ nông sản cho đồng bào Cơ Tu Quảng Nam tại Đà Nẵng nhưng vẫn đang trong quá trình thử nghiệm và chưa có kết quả cụ thể. Bà Trần Thị Kim Oanh - quản lý dự án FIDR tại Đà Nẵng cho biết, vài năm qua đơn vị đã cố gắng kết nối đồng bào Cơ Tu để tham dự các sự kiện như Giao lưu văn hóa Hội An - Nhật Bản… để có thể quảng bá rộng rãi văn hóa, sản phẩm làng nghề của họ đến với du khách. Tuy nhiên, việc kết nối không hề dễ dàng, đơn cử như lần này tổ chức có liên lạc với đồng bào Cơ Tu ở huyện Tây Giang - Quảng Nam nhưng vì nhiều lý do họ đã không đến được với chương trình.

Hiện nay, không chỉ riêng các mặt hàng nông sản, các loại sản phẩm thổ cẩm, giỏ xách đan lát… của đồng bào Cơ Tu các địa phương miền núi Quảng Nam vẫn chỉ được bày bán và tiêu thụ quy mô nhỏ, lẻ ở một vài cơ sở tại TP.Đà Nẵng. Trong khi đó nếu có hội chợ, các sản phẩm này tạo được sức hút tiêu thụ đáng kể. Như ở huyện Đông Giang, thời gian qua, các cơ quan chức năng của huyện đã tích cực quảng bá các đặc sản vùng cao của địa phương thông qua các hội chợ và đạt được tín hiệu tốt, thu được hàng chục triệu đồng từ các sản phẩm rượu ba kích, nấm lim xanh… 

Tuy nhiên, theo bà Ngô Thị Bích Vân, Bảo tàng Đà Nẵng mỗi năm cũng chỉ có thể tổ chức lễ hội văn hóa của người Cơ Tu một lần, bởi còn phải tập trung vào nhiều hoạt động khác. Bên cạnh đó, để kết nối được với đồng bào bản địa là việc không hề dễ dàng khi phải có đơn vị hoặc cá nhân đáng tin cậy làm cầu nối để đồng bào đưa các sản phẩm ra bên ngoài. Như năm ngoái, Bảo tàng Đà Nẵng phải nhờ nhà nghiên cứu dân tộc học Nguyễn Tri Hùng tiếp cận, trong khi năm nay dựa vào Tổ chức FIDR, quy mô tổ chức của chương trình mới mở rộng hơn.

Rõ ràng, các tập tục văn hóa, sản phẩm đặc trưng của đồng bào Cơ Tu cần một hướng đi căn cơ hơn để vươn ra cộng đồng ngoài những buổi hội chợ hay lễ hội. 

QUỐC TUẤN

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Lan tỏa nét đẹp văn hóa Cơ Tu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO