Văn hóa

Lan tỏa nghệ thuật tuồng

GIA KHANG 17/03/2024 11:39

Lần đầu tiên, học sinh Trường Tiểu học Phạm Phú Thứ được tham gia thi vẽ mặt nạ tuồng, khởi đầu cho một kế hoạch dài hơi nhằm lan tỏa, bảo tồn nghệ thuật tuồng tại thị xã Điện Bàn.

tg3.jpg
Học sinh Trường Tiểu học Phạm Phú Thứ thi vẽ mặt nạ tuồng. Ảnh: V.L

Khơi gợi tình yêu tuồng

Em Lê Quỳnh Như, lớp 4B Trường Tiểu học (TH) Phạm Phú Thứ (phường Điện Phương, Điện Bàn) cẩn thận tô từng nét vẽ trên chiếc mặt nạ vừa được phát.

Sau khoảng 30 phút, Quỳnh Như hoàn thành chiếc mặt nạ với gam màu đỏ chủ đạo, thể hiện sự cương trực của nhân vật trong nghệ thuật tuồng.

Lê Quỳnh Như là một trong 26 học sinh Trường TH Phạm Phú Thứ tham gia cuộc thi tô mặt nạ tuồng do Phòng VH-TT thị xã Điện Bàn phối hợp với phường Điện Phương tổ chức nhân sự kiện “Ngày hội quê nhà”.

Là quê hương của soạn giả tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, nên cuộc thi vẽ mặt nạ tuồng trở thành sự kiện giúp khơi gợi trong mỗi học sinh ý niệm ban đầu về bộ môn nghệ thuật truyền thống này.

Em Nguyễn Hoàng Ngân - lớp 4A, Trường TH Phạm Phú Thứ chia sẻ, dù chưa bao giờ xem tuồng và cũng không hiểu tuồng là gì nhưng em vẫn cảm nhận được tính cách “hung dữ” hay “hiền lành” của nhân vật qua màu sắc chiếc mặt nạ.

“Em thích sự tươi sáng nên đã chọn gam màu xanh để vẽ mặt nạ tuồng của mình” - Hoàng Ngân nói.

Nhìn những đôi mắt trẻ thơ chăm chút từng nét cọ tại cuộc thi, mới thấy được sức hút của tuồng đối với những “họa sĩ” nhí này.

Trong nghệ thuật tuồng, mặt nạ được xem là công cụ biểu diễn quan trọng và có tính ước lệ cao, góp phần tạo nên hồn cốt nhân vật, mang đến nhiều ấn tượng cho người xem.

Chính vì vậy, mặt nạ tuồng trên sân khấu thường được tô vẽ đậm nét, rõ ràng nhằm khắc họa cá tính nhân vật thiện, ác/thiện hoặc bi/hề… qua đó tăng sự biểu đạt của nghệ sĩ.

Nhờ những khuôn mặt này, khán giả có thể biết được tâm lý, tính cách, giai cấp xã hội của nhân vật ngay từ khi diễn viên mới bước ra sân khấu.

Ông Phạm Văn Ba - Trưởng phòng VH-TT thị xã Điện Bàn khẳng định, thông qua cuộc thi sẽ giúp học sinh hiểu hơn về tuồng và yêu những nét đẹp văn hóa của dân tộc.

Từ đó, góp phần hình thành nên cảm xúc về tuồng cũng như gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của nghệ thuật tuồng xứ Quảng.

Phát huy giá trị tuồng

Ngược dòng lịch sử, tuồng xứ Quảng (với không gian Quảng Nam, Đà Nẵng và Quảng Ngãi) xuất hiện và phát triển từ đầu thế kỷ 17 đến cuối thế kỷ 18.

tg.jpg
Điện Bàn sẽ đưa các trích đoạn tuồng vào biểu diễn trong các sự kiện văn hóa của địa phương. Ảnh: V.L

Mở đầu là sự ra đời và hoạt động của 2 gánh hát Đức Giáo (nay thuộc xã Quế Châu, Quế Sơn) và Khánh Thọ (nay thuộc xã Tam Thái, Phú Ninh) vào đầu thế kỷ 19.

Từ đầu thế kỷ 20 đến năm 1920, tuồng phát triển rực rỡ nhất với sự ra đời của rạp hát Chú Châu (Hội An), trường Tuồng Vĩnh Điện (Điện Bàn)… cùng một loạt trường tuồng khác ở Đà Nẵng như Miếu Bông, Chợ Mới, Nam Ô...

Điện Bàn là quê hương của những soạn giả tuồng nổi tiếng như Nguyễn Hiển Dĩnh, Tống Phước Phổ… Vì vậy, việc bảo tồn, phát huy nghệ thuật tuồng không chỉ giúp lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống mà còn hướng đến hình thành một sản phẩm du lịch.

Từ nhiều năm trước, Bảo tàng Điện Bàn đã trưng bày các trang phục, mặt nạ, đạo cụ tuồng… phục vụ khách tham quan nghiên cứu. Hiện nơi này vẫn phát huy tác dụng tốt như là nơi lưu giữ giá trị của một loại hình văn hóa truyền thống dân tộc.

Ngày nay, mặc dù tuồng không còn phát triển như xưa nhưng vẫn hấp dẫn, lôi cuốn đối với một bộ phận người dân và du khách.

Trong chương trình biểu diễn các trích đoạn tuồng diễn ra mới đây tại phường Điện Phương (Điện Bàn), chứng kiến sự quan tâm, hào hứng của người dân và du khách, ông Văn Bá Sơn - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL khẳng định: “Bên cạnh các tiềm năng lợi thế về vị trí, thiên nhiên, văn hóa, làng nghề… tuồng sẽ trở thành một sản phẩm, dịch vụ du lịch độc đáo nếu được trau chuốt, biên kịch gần gũi, dễ hiểu và phù hợp hơn với nhóm khách trẻ tuổi”.

Ông Phạm Văn Ba cho biết thêm, từ thành công của cuộc thi vẽ mặt nạ tuồng và sự đón nhận của người xem qua các vở trích đoạn đã gợi mở những ý tưởng lan tỏa tình yêu nghệ thuật tuồng đến các tầng lớp nhân dân, nhất là giới trẻ, học sinh.

“Trước mắt, đơn vị sẽ xây dựng báo cáo trình UBND thị xã đề xuất tổ chức biểu diễn các trích đoạn tuồng thường xuyên hàng năm. Ngoài ra cũng sẽ cố gắng đưa tuồng vào biểu diễn trong một số sự kiện văn hóa địa phương.

Đặc biệt, tham mưu UBND thị xã về việc phối hợp giữa Phòng VH-TT với ngành giáo dục thị xã định kỳ tổ chức cuộc thi vẽ mặt nạ tuồng trong trường học, qua đó giáo dục tình yêu nghệ thuật tuồng trong học sinh các cấp.

Đặc biệt, chúng tôi sẽ đưa nghệ thuật tuồng vào nội dung bảo tồn văn hóa phi vật thể trong Đề án văn hóa Điện Bàn đang được xây dựng” - ông Ba nói.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Lan tỏa nghệ thuật tuồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO