Lan tỏa nhân tình thuần hậu

VĨNH LỘC 04/03/2019 07:27

Đề án “Hội An - Nhân tình thuần hậu” đã được triển khai vào thực tế, dù mới chỉ bước đầu nhưng không phủ nhận đang có sự chuyển biến nhất định trong nhận thức và ứng xử của một bộ phận người dân TP.Hội An.

Đề án Hội An nhân tình thuận hậu được triển khai đến nhiều đối tượng sẽ giúp hình ảnh Hội An thận thiện và văn minh hơn trong mắt du khách. Ảnh: V.L
Đề án Hội An nhân tình thuận hậu được triển khai đến nhiều đối tượng sẽ giúp hình ảnh Hội An thận thiện và văn minh hơn trong mắt du khách. Ảnh: V.L

Nét xưa thuần hậu

Người đàn ông tóc điểm bạc dừng chiếc xe Cup 81 cũ kỹ của mình cách ngôi nhà mặt phố có đám tang trên đường Hoàng Diệu một đoạn, xuống xe kính cẩn dắt qua rồi leo lên đi tiếp. Một hình ảnh ấn tượng trong mắt nhiều du khách nhưng không quá lạ lẫm với lớp người Hội An xưa cũ. Trong ký ức những người lớn tuổi, việc ngã mũ cúi chào khi gặp đám tang trên đường hay lễ phép, kính trên nhường dưới, giúp đỡ người già… đã trở thành cách ứng xử tự nhiên trong cuộc sống hàng ngày. Theo thầy giáo Võ Văn Lân (phường Sơn Phong), người Hội An những năm 1960 – 1970 của thế kỷ trước mỗi khi ra đường thấy nhau từ xa đã giơ tay chào hoặc dừng lại hỏi dăm ba câu chuyện, ai cũng sống chan hòa đoàn kết, gắn bó nhau. “Hội An khi đó nhỏ hẹp “thượng chùa Cầu hạ Âm Bổn” nên sự nhân tình thuần hậu, thanh lịch hiện hữu khắp nơi” - thầy Lân nhớ lại.

Theo thầy Lân, thanh lịch, thuần hậu ở Hội An đã trở thành nét văn hóa đẹp, đặc trưng. Chính yếu tố này đã tạo nên một phong cách sống rất Hội An, không dễ gặp ở nơi khác. Tuy nhiên, trải qua thời gian, cùng với những tác động của kinh tế thị trường, các giá trị truyền thống này dần bị phai nhạt. “Người Hội An ngày nay ít nhiều trở nên thực dụng; những hành vi ứng xử xấu có nguy cơ lấn át sự tử tế nên việc triển khai đề án là việc làm cần thiết” - thầy Lân nhìn nhận.

Ông Võ Phùng – Giám đốc Trung tâm VH-TT&TT-TH TP.Hội An (đơn vị chủ trì thực hiện đề án) cho rằng, chỉ cần mỗi người thực hiện tốt hành vi, ứng xử của mình thì con người Hội An sẽ trở nên thân thiện, văn minh, xã hội sẽ trở nên chuẩn mực hơn. “Nếu các di sản vật thể phố cổ đã góp phần tạo dựng hình ảnh, thu hút du khách đến với Hội An, thì những di sản phi vật thể, đặc biệt là tính cách thuần hậu của người Hội An lại chính là điểm ấn tượng khiến du khách thêm yêu quý và muốn quay trở lại thành phố này” - ông Phùng phân tích.

Hiệu quả tuyên truyền

9 nội dung vận động:
1. Ông bà, cha mẹ sống mẫu mực. Con cháu sống hiếu thảo, chăm ngoan.
2. Nhường nhịn, giúp đỡ người già, người tàn tật, phụ nữ có thai, trẻ em; thân thiện với mọi người. Thực hiện “văn hóa xếp hàng”.
3. Nhường đường, chào tiễn biệt… khi gặp đám tang.
4. Tôn trọng các phần đường hoặc lề đường, khu vực dành cho người đi bộ. Hạn chế bấm còi, bật đèn chiếu xa; không rồ ga, phóng nhanh, vượt ẩu…
5. Không xả rác. Hạn chế tối đa sử dụng túi nilon…
6. Trang phục lịch sự, phù hợp khi buôn bán, trong các di tích và nơi công cộng.
7. Không gian lận, chèo kéo, chèn ép khách hàng. Không nói tục, chửi thề, cãi vã, gây ồn ào tại nơi ở và nơi công cộng.
8. Luôn chăm sóc và bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên.
9. Cố gắng làm nhiều việc tốt, việc có ích hàng ngày.

Kể từ khi Đề án Hội An nhân tình thuần hậu được thông qua, công tác tuyên truyền giới thiệu đã được Trung tâm VH - TT&TT-TH TP.Hội An triển khai mạnh mẽ hướng đến nhiều đối tượng, từ các em học sinh đến tiểu thương, nghiệp đoàn xích lô… Trong đó, việc tạo lập ý thức cho các em học sinh luôn được chú trọng và xác định là mục tiêu lâu dài nhằm không chỉ góp phần bảo tồn nếp sống tốt đẹp và các giá trị văn hóa truyền thống của người Hội An xưa mà còn giúp hình thành cách ứng xử văn minh, cách đối nhân xử thế thuần hậu trong các thế hệ trẻ. Những buổi tuyên truyền đề án đã thực sự là những buổi trò chuyện, lắng nghe, trao đổi lẫn nhau; cùng chia sẻ, phân tích về từng hành vi đẹp và chưa đẹp cho các em thấu hiểu và cảm nhận. Đặc biệt, tùy đối tượng, độ tuổi mà Trung tâm VH - TT&TT-TH TP.Hội An có hình thức tuyên truyền khác nhau, từ thể hiện trên tờ rơi, in trên quạt cầm tay đến clip, diễn kịch, trưng bày hình ảnh về những hành vi “đẹp và chưa đẹp”, kể cả thăm dò ý kiến nhân dân về đề án và biên soạn, in sách cung cấp cho các trường nhằm tuyên truyền đến học sinh trong giờ sinh hoạt của mỗi lớp…

Theo cô Phan Thị Liên (Trường THCS Kim Đồng), đề án đã cô đọng và truyền tải được nhiều thông điệp đến các em học sinh bằng những hình thức tuyên truyền hấp dẫn, trực quan, đi sâu vào cảm xúc và có nội dung phù hợp với kiến thức, tâm lý của từng độ tuổi học trò. “Những điều tưởng chừng khô khan, giáo điều đã trở nên dễ hiểu, nhẹ nhàng đối với lứa tuổi học sinh, từ đó giúp các em thay đổi thái độ, hành vi, ứng xử với mọi người, xã hội và chính bản thân để trở nên hoàn thiện hơn” - cô Liên nhận xét.

VĨNH LỘC

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Lan tỏa nhân tình thuần hậu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO