Chặng đường 15 năm phát động và xây dựng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa (2000 - 2015) đủ để khẳng định những giá trị văn hóa đã cắm rễ sâu bền vào đời sống của người dân xứ Quảng.
Nhân dân làng Yều (xã Đại Hưng, Đại Lộc) tổ chức ngày hội Đại đoàn kết toàn dân năm 2015. Ảnh: VINH ANH |
Sau khi Ban Chỉ đạo Trung ương quyết định chọn Quảng Nam làm địa phương phát động phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” cho cả nước, ngày 12.6.2000 Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 25 về chỉ đạo phong trào. Đến cuối tháng 9.2000, hầu hết địa phương trên địa bàn tỉnh đã thành lập ban chỉ đạo và ban vận động, đưa phong trào đi vào thực tế đời sống, từ xây dựng gia đình, thôn bản, tộc họ văn hóa đến cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa…
Dấu ấn 15 năm
Đã 15 năm trôi qua, những người cùng Quảng Nam đi bước khởi đầu giờ thay đổi gần hết, nhưng dấu ấn cũng như thành quả họ để lại trong quá trình gìn giữ, bảo tồn và xây dựng những giá trị văn hóa vẫn mãi còn. Có thể kể đến điển hình tiêu biểu về một Hội An với mục tiêu hàng đầu là tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống, xây dựng nên hình ảnh thành phố văn hóa, sinh thái, với sự tham gia của cả hệ thống chính trị và cộng đồng xã hội. Sự đồng thuận từ người dân đến chính quyền đã làm nên diện mạo Hội An văn minh, mến khách và yêu chuộng những giá trị đẹp của văn hóa truyền thống, cũng như hình thành một nền văn hóa mới, phù hợp với cuộc sống đương đại. Từ câu chuyện xây dựng văn hóa ở Hội An, mới thấy trong chặng đường đã qua, chỉ khi nào những hoạt động phong trào gắn liền với cuộc sống của người dân, không hô hào hay chạy theo thành tích, và xuất phát từ chính nhu cầu văn hóa của cộng đồng, thì phong trào đó mới thực sự thành công.
Qua 15 năm triển khai phong trào, toàn tỉnh có 14.567 lượt cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; 997 lượt tộc họ được công nhận đạt chuẩn văn hóa. Năm 2001, toàn tỉnh có 133.576 hộ đạt chuẩn gia đình văn hóa (tỷ lệ 42,39%), đến năm 2015 có 331.211 hộ đạt gia đình văn hóa (tỷ lệ 87,97%). Năm 2015, toàn tỉnh có 1.356 thôn - khối phố đạt danh hiệu văn hóa (tỷ lệ 78,88%) tăng 71,58% so với năm 2000; có 15/37 phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị, 50/204 xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới… |
Ông Đinh Hài - Giám đốc Sở VH-TT&DL nhìn nhận, qua 15 năm thực hiện, phong trào đã đạt nhiều kết quả có ý nghĩa quan trọng, góp phần tích cực vào sự phát triển chung của tỉnh. “Thực tiễn phong trào cho thấy ngày càng nhiều mô hình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa phương đã phát huy hiệu quả và có sức lan tỏa sâu rộng đến nhiều đối tượng, tầng lớp nhân dân với nhiều nội dung phong phú, tác động tích cực đến việc xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, khơi dậy truyền thống. Môi trường văn hóa từng bước được cải thiện, thiết chế văn hóa được quan tâm đầu tư gắn với xây dựng nông thôn mới; văn hóa trong sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo được phát huy, đáp ứng một phần về nhu cầu văn hóa tinh thần của nhân dân” - ông Đinh Hài nói.
Trong phong trào, nội dung xây dựng gia đình văn hóa, tộc họ văn hóa được xác định là vấn đề cốt lõi, do đó ban chỉ đạo các cấp đã tập trung đẩy mạnh tuyên truyền và được đông đảo nhân dân đồng tình hưởng ứng, tham gia thực hiện. Nhờ đó, các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước được cụ thể hóa và dễ dàng đi vào đời sống của từng cá nhân, gia đình, góp phần gìn giữ chuẩn mực nền nếp gia giáo, truyền thống đạo đức, khơi dậy sự sáng tạo trong lao động sản xuất, thúc đẩy kinh tế phát triển... Những kết quả đạt được càng khẳng định tính đúng đắn của phong trào xây đựng đời sống văn hóa suốt những năm qua.
Tiếp tục đi vào chiều sâu
Trong quá trình xây dựng phong trào, những vận hành của một đời sống kinh tế - xã hội hiện đại đã tác động không ít lên phong trào đã có tuổi đời 15 năm. Một phần không nhỏ những quy định, ràng buộc về các danh hiệu trong phong trào đã không còn phù hợp với đời sống mới và xu hướng phát triển mạnh mẽ của xã hội. Và từ đây về những năm sau này, chất lượng, hiệu quả của các danh hiệu gia đình, thôn, khối phố, xã đạt chuẩn văn hóa, nông thôn mới ngày càng hời hợt. Như nhìn nhận của một số thành viên của ban chỉ đạo phong trào ở cấp cơ sở, rằng việc bình xét công nhận gia đình văn hóa, thôn - khối phố văn hóa vẫn chưa chặt chẽ, chưa đúng quy trình, chạy theo số lượng, thành tích. Số lượng gia đình văn hóa, thôn - khối phố văn hóa đạt nhiều nhưng tình hình tội phạm, tệ nạn xã hội xảy ra, vi phạm an toàn giao thông, trật tự đô thị, vệ sinh môi trường, mất vệ sinh an toàn thực phẩm, bạo lực gia đình… có dấu hiệu gia tăng; trong xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa, chất lượng chưa tương xứng với số lượng. Chưa tập trung quyết liệt công tác xây dựng đời sống văn hóa trong công nhân lao động tại các khu - cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Khoảng cách hưởng thụ văn hóa giữa đô thị với nông thôn, đồng bằng với miền núi, giữa các tầng lớp nhân dân vẫn còn khá xa...
Ông Đinh Hài cho rằng, để phong trào đi vào chiều sâu cuộc sống, trước hết phải tạo ra nhận thức chung về mục tiêu mục đích, ý nghĩa của việc xây dựng các danh hiệu hiện có như gia đình văn hóa, thôn bản văn hóa theo hướng thiết thực, cụ thể và đặt ra những tiêu chí gần gũi hơn. Căn cứ vào các tiêu chuẩn đó, người dân, cộng đồng có thể tham gia bình chọn để danh hiệu văn hóa ngày càng có chất lượng. “Trước hết cần phải xem xét lại các hệ thống tiêu chuẩn để xét công nhận danh hiệu văn hóa cho phù hợp. Thứ hai, cần phải hướng việc bình xét gia đình văn hóa mang tính thực chất vì hiện nay vẫn còn những biểu hiện chạy theo thành tích. Nếu làm tốt những vấn đề trên sẽ góp phần vào xây dựng cộng đồng ở làng xã, đặc biệt là làm cho văn hóa có tác dụng thúc đẩy sự phát triển chung của địa phương” - ông Hài nói.
Thời gian 15 năm là hành trình đủ dài để nhìn nhận lại phong trào với những nếp văn hóa, thành quả đang hiện hữu và sự tác động của nó với cuộc sống hiện đại. Bề dày văn hóa, cộng với những nỗ lực đổi thay sẽ đưa phong trào có thể gắn kết đời sống mọi mặt và thực chất đi vào cuộc sống của người dân xứ Quảng. Tin rằng những dấu ấn của 15 năm qua sẽ tiếp tục lan tỏa cho hành trình xây dựng và đắp bồi giá trị văn hóa của chặng đi dài phía trước.
LÊ QUÂN - VĨNH LỘC