Phong trào thi đua yêu nước (TĐYN) đang được các các ngành, đoàn thể, địa phương và nhân dân trong tỉnh tích cực hưởng ứng với nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả, giúp nhiều vùng quê phát triển.
Bí thư Huyện ủy Phú Ninh Nguyễn Cảnh tặng giấy khen các đơn vị trong huyện có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước năm 2013. |
Chuyển biến tích cực
Những năm qua, phong trào TĐYN trong toàn tỉnh đã thu hút đông đảo cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tham gia. Phong trào TĐYN gắn với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng, xây dựng cơ quan, đơn vị, cơ sở vững mạnh, gắn với xây dựng nông thôn mới…, góp phần làm cho nhiều vùng quê nghèo đổi thay từng ngày. Qua phát động phong trào TĐYN ở từng lĩnh vực, nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân đã có nhiều chuyển biến tích cực, vượt qua khó khăn hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị, địa phương, thực hiện tốt an sinh xã hội.
Ông Nguyễn Đình Tăng, Phó Trưởng ban Thi đua - khen thưởng tỉnh cho biết, thực hiện Chỉ thị số 39-CT/TW của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đổi mới, nhân rộng phong trào TĐYN, phát hiện bồi dưỡng và nhân rộng điển hình tiên tiến” và văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, phong trào thi đua - khen thưởng đã nhận được sự hưởng ứng sâu rộng của các cấp, các ngành, ngày càng khẳng định là động lực phát triển kinh tế - xã hội. “Phong trào thi đua đã bám sát mục tiêu nhiệm vụ chính trị, kết hợp chặt chẽ với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, tạo khí thế mới trong lao động, sản xuất, công tác, học tập. Từ thực tiễn phong trào đã xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến - những tập thể, cá nhân luôn nỗ lực phát huy trí tuệ, công sức, nhiệt huyết trong công tác, trong lao động...” - ông Tăng chia sẻ.
Hôm nay 5.8, UBND tỉnh tổ chức Lễ tuyên dương khen thưởng năm 2014 gắn với việc tổng kết đánh giá phong trào thi đua yêu nước năm 2013 và 6 tháng đầu năm 2014; tuyên dương khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong năm 2013 và các năm qua. Dịp này, nhiều cá nhân, đơn vị được Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ trao huân chương, bằng khen. Cụ thể, Sở NN&PTNT được Chủ tịch nước tặng Huân chương Độc lập hạng Nhì; Văn phòng Tỉnh ủy được tặng Huân chương Độc lập hạng Ba; 1 tập thể và 13 cá nhân được tặng Huân chương Lao động hạng Nhì; 13 tập thể và 43 cá nhân được tặng Huân chương Lao động hạng Ba. Chính phủ tặng Cờ thi đua cho 10 tập thể, Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen cho 39 tập thể và 67 cá nhân. Ngoài ra, UBND tỉnh trao Cờ thi đua dẫn đầu cụm, khối thi đua năm 2013 cho 14 tập thể. |
Bên cạnh việc nhân rộng những điển hình trong phong trào TĐYN, các sở, ban ngành, các cơ quan đơn vị Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh đã bám sát nhiệm vụ chính trị của ngành mình tổ chức phát động, ký kết giao ước thi đua, phấn đấu hoàn thành tốt các chỉ tiêu kế hoạch, nhiệm vụ công tác của ngành, cơ quan, đơn vị đã đề ra trong năm. Đặc biệt là nhiều phong trào phát huy sáng kiến, nghiên cứu, ứng dụng khoa học, đã đề ra nhiều giải pháp mới trong công tác quản lý, tham mưu giúp Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo điều hành thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2013 và 6 tháng đầu năm 2014. Gắn với TĐYN, phong trào học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã được các cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận, đoàn thể thường xuyên triển khai và được tầng lớp nhân dân hưởng ứng tích cực. Qua đó, xuất hiện ngày càng nhiều gương điển hình tập thể, cá nhân về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Nhiều cán bộ, công chức có sự chuyển biến tích cực về ý thức, tinh thần trách nhiệm đối với nhiệm vụ được giao. Nhiều địa phương gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới, đã vận động nhân dân hiến đất xây dựng công trình công cộng, xây dựng đường giao thông nông thôn, trường học...
Góp sức cho quê hương
Theo ông Nguyễn Phi Hùng - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, phong trào TĐYN từ nhiều năm qua được mặt trận các cấp xem là nội dung chính để lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền đến từng địa bàn dân cư. Ông Hùng cho biết: “Nhiều tấm gương, điển hình trong TĐYN ở từng khu dân cư đã tạo nên một khối đại đoàn kết toàn dân tộc, giúp nhau vượt qua khó khăn ổn định cuộc sống rất đáng biểu dương”.
Tấm gương của ông Lê Tất Dũng (thôn Phú Lộc, xã Đại An, Đại Lộc) làm nghề thợ máy, tự bỏ tiền hơn 300 triệu đồng cùng nhiều công sức để xây dựng chiếc cầu phao giúp cho nhân dân địa phương qua sông canh tác được đảm bảo an toàn. Hay như ông Phạm Thế Mỹ (thôn Cẩm Sa, xã Điện Nam Bắc, Điện Bàn) đã bỏ tiền mua máy bơm nước giúp bà con chống hạn và đúc bi lắp qua mương cho người dân trong thôn dễ dàng đi lại canh tác. Ngoài ra, ông cùng với nhân dân tham gia làm đường bê tông dài 500m... Còn bà Phạm Thị Ngọc Thúy - Chủ tịch Hội Khuyến học thị trấn Nam Phước (Duy Xuyên) thì chọn việc “trồng người” để đóng góp cho phong trào. Nhiều năm qua, bà Thúy đã giúp đỡ nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn có điều kiện được đến trường tìm con chữ. Bà Thúy lặn lội nhiều nơi để vận động các nhà hảo tâm ủng hộ cho những con em nhà nghèo vượt khó, học giỏi có nhiều suất học bổng để các em tiếp tục theo đuổi ước mơ của mình.
Nằm trong phong trào TĐYN, phong trào phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại cũng được phát triển toàn diện, đem lại thu nguồn thu nhập cao và ổn định cho các hộ. Đến nay toàn tỉnh có gần 1.000 trang trại, hơn 5.000 lao động thường xuyên, trong đó có 86 trang trại đạt tiêu chuẩn theo tiêu chí mới và có tổng thu nhập trên 2 tỷ đồng/năm. Kinh tế trang trại gắn liền với phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi đã tác động tích cực đến đời sống nhân dân ở nông thôn, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Điển hình như hộ ông Trần Vũ Linh (thôn 5, xã Tiên Cẩm, Tiên Phước) với mô hình trồng cây dó kiểng vừa đem lại thu nhập cao cho gia đình vừa tạo môi trường xung quanh được trong lành; hộ ông Đặng Xuân Hòa (xã Tam Phước, Phú Ninh) với mô hình trang trại chăn nuôi heo an toàn sinh học...
Phong trào TĐYN đang được các địa phương, đơn vị triển khai nhân rộng trên khắp địa bàn tỉnh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Phong trào ngư dân bám biển, bảo vệ chủ quyền biển đảo đang được ngư dân Quảng Nam tiếp bước cha ông vươn khơi bám biển. Dù gặp nhiều khó khăn, nguy hiểm nhưng nhiều ngư dân vẫn can trường bám trụ vừa khai thác hải sản, vừa bảo vệ chủ quyền như tấm gương ngư dân Trần Anh (thuyền trưởng tàu QNa-90659), ông Ngô Ri (thuyền trưởng tàu QNa-91559), ông Võ Công Thảo (thuyền trưởng tàu QNa-91270), cùng ở xã Tam Hải (Núi Thành)... Trong ngư nghiệp đã xuất hiện mô hình tổ sản xuất trên biển gắn với công tác cứu hộ cứu nạn của ngư dân Hội An, Núi Thành...
XUÂN NGHĨA