Cảnh sát biển hiện diện không chỉ trên biển, vùng gần bờ, mà còn đến với đồng bào miền núi, biên giới bằng nhiều hoạt động thắm đượm nghĩa tình.
Sáng tạo trong tuyên truyền
Những dư âm của cuộc thi tìm hiểu về biển đảo, Luật Cảnh sát biển Việt Nam và tác hại của ma túy vẫn còn đọng lại trong lòng học sinh, giáo viên trường THPT Núi Thành (Núi Thành).
Con chữ học trò gửi gắm những tình cảm trong sáng của các em đến với lực lượng Cảnh sát biển, đến những “con tàu trắng” vốn đã không còn xa lạ với bà con miệt biển. Hơn 1.000 bài dự thi được nhận về chỉ sau một tuần phát động cho thấy sức hút của cuộc thi đối với học sinh trong toàn trường.
Qua 5 năm thực hiện đề án, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2 đã xây dựng kế hoạch, tổ chức cấp phát tài liệu tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho 6 tỉnh miền Trung với hơn 4.900 cuốn sách các loại; tổ chức 24 cuộc thi “Tìm hiểu Luật Cảnh sát biển và biển đảo Việt Nam”; “Em yêu biển đảo quê hương” tại các trường trung học trên địa bàn 6 tỉnh, thành phố (Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định) với hơn 15.400 học sinh tham gia; 82 hội nghị tuyên truyền, phổ biến Luật Cảnh sát biển Việt Nam cho hơn 41.000 lượt người...
Nguyễn Đình Vũ Hoàng - học sinh lớp 12/5 Trường THPT Núi Thành nói, được trao thưởng trong cuộc thi là một kỷ niệm đẹp trong quãng thời gian ngồi trên ghế nhà trường. Nghĩ rất nhiều ý tưởng, chọn lọc hình ảnh và viết lại bằng tất cả tình cảm của mình, Hoàng đã chinh phục được Ban giám khảo bằng bài thi đầy tâm huyết.
“Cuộc thi cho em nhiều kiến thức về Luật Cảnh sát biển, về phòng ngừa tác hại của ma túy. Nhưng hơn cả, là dịp để em có thể bày tỏ tình yêu của mình với biển đảo quê hương, với những người lính Cảnh sát biển đóng chân trên quê hương mình” - Nguyễn Đình Vũ Hoàng chia sẻ.
Năm năm triển khai đề án “Tuyên truyền, phổ biến Luật Cảnh sát biển Việt Nam giai đoạn 2019 - 2023”, ghi dấu bằng rất nhiều hoạt động của Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2 ở khắp 6 tỉnh miền Trung, địa bàn hoạt động của đơn vị. Trong mùa dịch, hoạt động tuyên truyền vẫn được thực hiện bằng các cuộc thi trực tuyến, hoặc bằng cách phát động vẽ tranh, sáng tạo video clip...
Đối với đồng bào dân tộc, tôn giáo ở các địa bàn miền núi, vùng biên giới, màu áo trắng của cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển thân thuộc hơn qua những chuyến thăm, tặng quà, các hoạt động an sinh thiết thực.
Dấu ấn của tuyên truyền, phải kể đến cuộc thi “Em yêu biển đảo quê hương”. Liên tục duy trì, chương trình “Em yêu biển, đảo quê hương” đã trở thành một trong những “thương hiệu” của Cảnh sát biển trong công tác tuyên truyền, khi vừa đảm bảo hiệu quả công tác giáo dục, phổ biến pháp luật về biển đảo, vừa tạo được sân chơi trí tuệ, bổ ích và đầy niềm vui cho học sinh. Những phần thi mang tên “Ra khơi”, “Vượt sóng”, “Cập bến” và “Đặt mốc chủ quyền”, đã cung cấp kiến thức quan trọng về biển đảo, Luật Biển năm 2012, Luật Cảnh sát biển Việt Nam.
Cảnh sát biển còn khéo léo lồng ghép tuyên truyền nhiều nội dung về tác hại của ma túy, cách phòng chống ma túy, tệ nạn bạo lực học đường hiện nay; nhiệm vụ, chức năng, truyền thống của lực lượng Cảnh sát biển...
Phát huy sức mạnh tổng hợp
Đại tá Lê Huy Sinh - Chính ủy Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2 cho hay, Bộ Tư lệnh Vùng đã chủ động xây dựng, biên soạn đề cương, tài liệu tuyên truyền, phổ biến giáo dục Luật Cảnh sát biển Việt Nam phù hợp với từng đối tượng. Nhiều tài liệu, tờ rơi, tờ gấp được cấp phát để tuyên truyền Luật Cảnh sát biển đến nhân dân, ngư dân trên địa bàn.
Bộ Tư lệnh Vùng rất chú trọng bồi dưỡng, tổ chức học tập cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên cơ quan, đơn vị, làm nòng cốt để phổ biến, tuyên truyền Luật Cảnh sát biển Việt Nam đến các tầng lớp nhân dân.
“Nhiều địa phương chủ động liên hệ chúng tôi để đề nghị hỗ trợ tài liệu, điều động báo cáo viên giúp cho công tác tuyên truyền. Vùng đã phối hợp Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng các tỉnh, thành phố thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra, kiểm soát duy trì, thực thi pháp luật trên biển kết hợp với tuyên truyền pháp luật cho ngư dân làm ăn trên biển. Chúng tôi cũng đồng hành với các cơ quan thông tấn, báo chí xây dựng chương trình tuyên truyền cụ thể, nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện đề án” - Đại tá Lê Huy Sinh cho hay.
Thiếu tướng Vũ Trung Kiên - Phó Tư lệnh Pháp luật Cảnh sát biển Việt Nam đánh giá rất cao việc triển khai thực hiện đề án ở Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2. Trong bối cảnh phải thực hiện nhiều nhiệm vụ khác quan trọng, phức tạp đan xen, chi phối phân tán lực lượng, song đơn vị đã chủ động sáng tạo, tập trung lãnh chỉ đạo thực hiện, là một trong những đơn vị đứng đầu về thực hiện đề án trong lực lượng Cảnh sát biển. Cán bộ chiến sĩ đã có chuyển biến rất căn bản về Luật Cảnh sát biển và tổ chức thực hiện đề án.
“Vùng Cảnh sát biển 2 cũng chủ động tìm tòi, đưa ra nhiều mô hình, phương pháp tuyên truyền dưới các hình thức khác nhau, đầu tư công sức, phương tiện, lựa chọn phương pháp phù hợp. Đơn vị thực hiện tốt chức năng hướng dẫn, phối hợp các ngành, lực lượng có liên quan ở địa bàn đóng quân để cùng tham gia tuyên truyền, lồng ghép thực hiện đề án với các mô hình công tác dân vận nên hiệu quả tuyên truyền rất cao” - Thiếu tướng Vũ Trung Kiên nhận xét.