Một đồng đầu tư cho truyền thông sẽ thu lợi lạc nhiều đồng và nhiều khi không tính hết những giá trị vô hình đem lại. Bởi giá trị thương hiệu doanh nghiệp, rộng hơn là thương hiệu vùng đất con người, nhờ truyền thông lan tỏa mà nhân lên gấp nhiều lần.
Thực chứng cho cảm quan trên là cách Quảng Nam đăng cai địa điểm tổ chức sự kiện khai mạc và bế mạc Năm du lịch quốc gia 2022. Đồng thời với việc đó là tỉnh đã xúc tiến quảng bá chủ đề “Quảng Nam – Điểm đến du lịch xanh”.
Thông qua tổ chức sự kiện, hiệu ứng tự nhiên sẽ thu hút đông đảo giới truyền thông báo chí chú ý đến xứ Quảng, phản ánh và khơi gợi cảm xúc tìm về vùng đất đậm đặc giá trị di sản văn hóa, tài nguyên thiên nhiên, sinh thái, nhân văn.
Góp phần cho hiệu ứng lan tỏa truyền thông là cú hích với Giải thưởng báo chí Năm du lịch quốc gia 2022 “Quảng Nam - Điểm đến du lịch xanh”, quy tụ sự tham gia của các báo đài trung ương và địa phương như Thông tấn xã Việt Nam, Nhân dân, Báo điện tử Đảng cộng sản Việt Nam, VTV8, Sài Gòn Giải phóng, Tuổi trẻ, Tuổi trẻ thủ đô, An ninh TV, Tạp chí Nhà đầu tư,… cùng báo đài chủ lực của tỉnh là QRT và Báo Quảng Nam.
Giải thưởng chỉ ít trăm triệu đồng với đủ loại hình báo chí, nhưng kết quả “khá lời” là hàng nghìn sản phẩm truyền thông về du lịch, trong đó có điểm nhấn Quảng Nam, đã được đăng tải, phát sóng khắp cả nước và chia sẻ trên mạng toàn cầu.
Riêng hơn 150 tác phẩm gửi đến tham dự giải thưởng đủ vẽ nên bức tranh toàn cảnh du lịch từ sự kiện, các điểm đến, các cơ sở du lịch xanh, với không gian bao quát từ núi xuống biển, từ trung tâm các di sản di tích đến làng nghề, những cánh đồng và dòng sông đẫm đầy câu chuyện khao khát mang đến vẻ đẹp thuần khiết, dân dã mà đậm đà bản sắc.
Những nỗ lực của Quảng Nam trong việc thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19 nhằm phục hồi và phát triển du lịch trong giai đoạn mới đã được ghi nhận ấn tượng, nhất là qua nhiều hội thảo đã thu nhận các đóng góp giá trị của các chuyên gia, nhà quản lý và doanh nghiệp làm du lịch.
Thông điệp về du lịch xanh, với các chiến lược, quyết sách, cùng Bộ tiêu chí du lịch xanh Quảng Nam; các hoạt động, mô hình, sản phẩm tiêu biểu về thực hiện chuyển hướng phát triển du lịch xanh của địa phương, doanh nghiệp, cộng đồng làm du lịch bước đầu lan tỏa qua báo chí, khơi dậy suy nghĩ mới về con đường phát triển du lịch bền vững.
Đặc biệt, truyền thông báo chí tỏ rõ thế mạnh vô đối trong quảng bá các giá trị văn hóa, lịch sử, danh lam thắng cảnh, các điểm đến và sản phẩm du lịch thể hiện hình ảnh “Quảng Nam - Điểm đến du lịch xanh, an toàn, thân thiện, mến khách”.
“Tiếng nói” của báo chí truyền thông thấu thị các giá trị về miền di sản với vẻ đẹp quyến rũ từ Hội An phố cổ đến làng rau, làng gốm, rồi trải dọc quê xứ Thu Bồn lên đến tháp cổ cùng “Đêm Mỹ Sơn huyền thoại”.
Bước chân các nhà báo còn ngược nguồn đến vùng cao sơn ngọc quế nghe tiếng vọng cồng chiêng đêm hội, khói sương lãng đãng với Ngọc Linh, đại ngàn Tây Giang, đi qua các ngôi làng, ngõ đá Lộc Yên, dừng chân check-in với mây trời, thác nước, nét huyền ảo của thiếu nữ, già làng miền sơn cước.
Lại có nhiều người xuôi về biển để nghe người trẻ làm du lịch bằng cách kể chuyện làng mình, nghe tiếng sóng reo vỗ vào ghềnh đá Bàn Than, Cù Lao Chàm; hoặc dậy mùi hương của đất từ những cánh đồng, dòng sông vàng hoa sưa, giấc ngủ ban trưa dịu ngọt dưới bóng dừa và lời ca thuở mẹ đưa nôi bên sông Cổ Cò,Trường Giang…
Thành công từ truyền thông là điều đáng ghi nhận, nhưng câu chuyện du lịch xanh sẽ không dừng với Quảng Nam, rộng ra là với cả Việt Nam. Tổ chức sự kiện năm du lịch, hay một giải thưởng báo chí chỉ là điểm nhấn để thức nhận hành trình du lịch xanh từ hiện tại đến tương lai.