Festival Di sản Quảng Nam lần thứ VI-2007 khép lại, sau gần một tuần diễn ra sôi nổi nhiều hoạt động văn hóa - nghệ thuật - thể thao - trình diễn - hội thảo. Và sau cuộc hội, là dư âm ở lại.
Lần đầu tiên, festival hướng đến một không gian rộng mở hầu khắp các địa bàn của tỉnh, từ rừng xuống biển. Không co cụm vào các di sản văn hóa thế giới Hội An và Mỹ Sơn mà dựa vào đó để đẩy bức tranh lễ hội lan tỏa là cách làm mới mẻ và hiệu quả. Miền núi Quảng Nam trải bày các sắc thái văn hóa đặc sắc theo một cách khác lạ, không chỉ dừng ở trình diễn các lễ dựng cây nêu hay thổ cẩm, hát lý... mà còn khơi gợi đồng bào ý thức về bảo tồn di sản, dựa vào đó để phát triển kinh tế và mời gọi các doanh nghiệp đến mở tour tuyến mới.
Đặc biệt, festival này đã hướng đến việc đánh thức vùng đất Nam Quảng Nam vốn giàu tiềm năng du lịch. Đó là lễ khai mạc tại quảng trường biển Tam Thanh cùng nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao, hội thảo tại TP.Tam Kỳ. Phải nói rằng, Tam Kỳ đã chuẩn bị khá kỹ lưỡng, cả về cơ sở hạ tầng và tổ chức, để các hoạt động lễ hội có thể nói là quy mô lớn và lần đầu tiên tập trung tại đây được thành công. Điều đó, cùng với những đầu tư gần đây, cho thấy thành phố tỉnh lỵ đang có những bước đi hứa hẹn khai phóng tiềm năng du lịch trong tương lai. Cùng với Tam Kỳ, huyện Tiên Phước lần đầu tham gia festival bằng một chợ quê và Phú Ninh với hội đua thuyền trên hồ Phú Ninh cũng chứng tỏ sự hòa nhập của mình vào dòng chảy du lịch tỉnh nhà.
Một điểm nhấn của lễ hội là sự ra đời của các sản phẩm du lịch mới, gồm làng du lịch cộng đồng Triêm Tây, Địa đạo Kỳ Anh, Làng nghệ thuật cộng đồng Tam Thanh, và Chợ quê Tiên Phước. Cùng với các sản phẩm du lịch đã có, những điểm đến mới này làm phong phú thêm bức tranh du lịch Quảng Nam, mở rộng về phía các làng quê. Sự độc đáo của Làng nghệ thuật cộng đồng Tam Thanh trong việc đưa không gian nghệ thuật vào không gian sống của nông thôn, được du khách đánh giá rất cao. Hay Làng du lịch cộng đồng Triêm Tây cho thấy ý thức sự chia sẻ lợi ích trong xu hướng du lịch bền vững cũng đã lan tỏa ra ngoài Hội An - nơi điển hình cho loại hình du lịch này.
Chủ trương giảm bớt hình thức sân khấu hóa để các hoạt động lễ hội diễn ra trong cộng đồng đã giúp festival mang một ý nghĩa và màu sắc tươi mới. Người dân, chủ thể của các giá trị văn hóa đã tự tin cùng với doanh nghiệp và chính quyền tạo dựng cuộc hội. Thông qua festival lần này, vai trò và ý thức của cộng đồng, của người dân trong phát triển du lịch đã được thể hiện.
Dù đâu đó còn những khoảng trống nhưng có thể thấy, khâu tổ chức tốt, dịch vụ du lịch hoàn thiện và lượng khách đến Quảng Nam tăng hơn so với cùng kỳ là các yếu tố để khẳng định festival lần này thành công. Nói như ông Đinh Hài, Giám đốc Sở VH-TT&DL: “Thành công đó như một phần thưởng xứng đáng cho những cố gắng của cả tỉnh nhằm đảm bảo cho một kỳ festival quy mô rộng lớn nhất từ trước đến nay, và tiếp nối ước vọng xuyên suốt của tỉnh là nâng tầm thương hiệu du lịch Quảng Nam, tương xứng với tiềm năng vốn có”.
Nâng tầm thương hiệu du lịch Quảng Nam là mục tiêu được đặt ra ngay từ kỳ lễ hội “Hành trình di sản Quảng Nam” lần đầu tiên (tiền thân của Festival Di sản Quảng Nam). Khát vọng khai phóng tiềm năng du lịch của một vùng đất có nhiều di sản văn hóa và thiên nhiên độc đáo để biến du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn đã được Quảng Nam chọn hướng đi ngay từ đầu. Cùng với đó là mục tiêu quảng bá hình ảnh, kêu gọi đầu tư vào vùng đất mở Quảng Nam. Mục tiêu đó, đến kỳ festival lần thứ VI, có thể nói đã đạt nhiều thành tựu.
TRƯƠNG TÂM THƯ