Giữa trưa, gần chục lao động trong cơ sở sản xuất bánh tết của ông Huỳnh Tấn Ánh (thôn An Lạc, xã Duy Thành, Duy Xuyên) vẫn miệt mài cho ra lò hàng chục khay bánh đậu xanh, bánh in vuông vắn, thơm lừng để kịp giao cho khách hàng. Dù có sự hỗ trợ của máy móc nhưng tại lò bánh của ông các thao tác thủ công vẫn đóng vai trò chính để tạo cái hồn cho bánh. Vì thế sản phẩm của cơ sở ông Ánh được người tiêu dùng ưa chuộng. Ông Ánh cho biết: “Cơ sở của tôi sản xuất quanh năm để cung ứng cho thị trường, nhưng đặc biệt từ khoảng cuối tháng 10 âm lịch trở đi thì bắt đầu chộn rộn bởi nhu cầu của thị trường trong dịp Tết Nguyên đán rất lớn”.
Hiện nay tại xã Duy Thành có hơn 20 hộ sản xuất bánh in để cung ứng cho thị trường. Phạm vi không còn bó hẹp trong thôn An Lạc mà đã phát triển ra nhiều thôn khác tạo thêm nhiều sinh kế cho người dân nơi đây trong thời gian nhàn rỗi. Nhiều cơ sở sản xuất tại đây đã và đang dần chủ động được nguồn nguyên liệu để không bị động trước giá cả thất thường của thị trường dịp giáp tết. Giá bánh đậu xanh của làng bánh An Lạc khá mềm so với thị trường lại có mẫu mã bắt mắt, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm nên đang dần chiếm được niềm tin của người sử dụng. Không chỉ phục vụ trong tỉnh, nhiều cơ sở tại đây còn xuất hàng đi Quảng Ngãi, Bình Định hay các tỉnh phía Nam.
Một cơ sở sản xuất bánh in tại làng An Lạc. Ảnh: Q.TUẤN |
Không có truyền thống lâu đời như làng bánh An Lạc, nhưng những người làm mứt quật tại Hội An cũng đang dần đưa sản phẩm này trở nên quen thuộc với người tiêu dùng. Phần lớn các hộ sản xuất mứt quật tập trung ở phường Minh An với con số lên đến hàng chục cơ sở. Do nằm ở khu trung tâm phố cổ với lượng khách du lịch đông đảo nên sản phẩm làm ra càng dễ được tiêu thụ hơn. Một số hộ làm mứt quật ở đây cho biết, dù chỉ để trên kệ trước nhà bán lẫn với hàng tạp hóa nhưng một ngày bình thường có khi họ bán được vài chục ký mứt cho khách vãng lai.
Khoảng cuối tháng 10, khi quật bắt đầu rộ thì nhiều hộ dân tại đây cũng bắt đầu thực sự bước vào mùa làm mứt. Chị Khưu Thị Kim Cúc - một người làm mứt quật tại đây cho hay, chị chỉ sản xuất thủ công nhưng mỗi năm tính ra cũng làm vài tấn quật. Nhiều khách hàng tiêu thụ mứt của chị xong thấy ngon và lạ miệng nên còn đặt hàng để gửi sang Mỹ, Canada, Úc,… Quật để sản xuất ra mứt không phải là quật kiểng mà là quật vườn chín đều, không mềm nhũn mới gọt được, vì thế nhiều lúc khách có nhu cầu mà tìm không ra nguyên liệu để sản xuất.
Một số điểm sản xuất thủ công bánh tết khác như bánh tổ (Thanh Hà, Hội An), bánh khổ khảo (Tam Mỹ Tây, Núi Thành),… cũng đang rục rịch vào mùa làm ăn lớn nhất trong năm. Những khó khăn chủ quan và khách quan ở các làng nghề truyền thống vẫn luôn hiện hữu, nhưng nếu biết cách vượt qua thì vẫn có chỗ đứng trên thị trường. Dù cho các sản phẩm bánh mứt công nghiệp ngày càng đa dạng và tiện lợi đến đâu thì cũng chẳng thể chứa đựng được nét hồn quê ngày tết như những loại bánh truyền thống.
Q.TUẤN