Làng Bảo An ngày trước

LÊ THÍ 25/12/2016 11:06

Ngày trước, làng Bảo An (Điện Bàn) là ngôi làng “trí thức”, ngôi làng của những nghề truyền thống nổi tiếng và từ rất sớm mang dáng dấp của một “nông thôn mới” thật sự.

Đình làng Bảo An. Ảnh: LÊ THÍ
Đình làng Bảo An. Ảnh: LÊ THÍ

Ngôi làng gần 550 năm tuổi

Làng Bảo An nằm ở trung tâm vùng Gò Nổi, nay là thôn Bảo An Đông và Bảo An Tây xã Điện Quang, thị xã Điện Bàn. Theo một số tài liệu thì làng được thành lập từ giữa thế kỷ thứ XV, do tổ tiên của 3 tộc họ chính là Nguyễn, Phan, Ngô, sau đó có thêm  Phạm và Thái, vốn có quê gốc ở huyện Nghi Xuân, Thừa tuyên Nghệ An, theo vua Lê Thánh Tông đi bình Chiêm vào năm 1471, sau đó được phân công ở lại khai phá vùng đất mới.

Lúc đầu các tộc họ chính đến khai khẩn ở vùng Hòa Đa, nằm phía bắc sông Thu Bồn, sau mới vượt sông đến khai phá vùng Bảo An này. Từ khi thành lập đến nay làng đã trải qua nhiều tên. Đầu tiên làng có tên là Phi Phú (có lẽ đây là làng Thi Phụ trong Ô châu cận lục?). Sau đổi thành làng Phú An, Phú An Đông, Phú An Tây (dưới thời chúa Nguyễn), Tây Nhị xã (dưới thời Tây Sơn). Sang thời nhà Nguyễn, theo Địa bạ triều Gia Long soạn năm 1812, làng có tên Bảo Đông, Bảo Tây nhị xã. Sau Cách mạng tháng Tám, làng mang tên danh nhân Hoàng Diệu. Sau năm 1954, Bảo An thuộc xã Phú Tân. Từ đó đến nay Bảo An thuộc xã Điện Quang (gián đoạn thời kỳ 1954 - 1975).

Nằm ở vị trí đặc biệt, kẹp giữa hai nhánh của sông Thu Bồn, làng Bảo An có đất đai màu mỡ, phong cảnh hữu tình. Ngày trước dân gian thường truyền tụng câu ca dao: “Cây da mô cao bằng cây da Bàn Lãnh. Đất mô thanh cảnh bằng đất Bảo An”.

Bảo An cũng là làng văn vật hàng đầu của Quảng Nam. Dưới thời nhà Nguyễn, làng có 2 phó bảng, 16 cử nhân, 27 tú tài (chiếm 17% số trung đại khoa của toàn huyện). Đây cũng là quê hương các danh nhân: Phan Khôi, Nguyễn Bá Trác, Phan Thành Tài, Lương Khắc Ninh, Xuân Tâm, Nguyễn Đình, Phan Thanh, Phan Bôi… Đình làng Bảo An được xây dựng năm 1702, nhiều lần bị phá hoại và xây lại. Đình được công nhận là Di tích văn hóa lịch sử cấp tỉnh năm 2013.

Làng nghề truyền thống nổi tiếng một thời

Bảo An là một trong những làng nghề truyền thống nổi tiếng của xứ Quảng trước đây. Trên các bãi bồi ven sông, dân làng trồng mía và dâu nên nghề mía đường và dệt ở Bảo An ra đời rất sớm. Nghề nấu rượu xuất hiện lại là hệ quả của nghề  đường mía.

Về nghề đường mía, có người cho là ra đời ở Bảo An vào năm 1680, khi những người Hoa đầu tiên thuộc tộc Lương đến sinh sống tại đây để sản xuất và buôn bán đường. Nhưng có lẽ nghề làm đường ra đời sớm hơn. Người Hoa chỉ đến định cư nơi nào có tiềm năng về buôn bán. Như vậy chính nghề làm đường đã kéo tổ tiên tộc Lương đến Bảo An để buôn bán chứ không phải để sản xuất đường. Từ rất sớm người Bảo An đã sản xuất rất nhiều loại đường chất lượng cao như đường bát, đường muỗng, đường cát…, xuất đi nhiều nơi trong nước và thế giới, được người phương Tây khen ngợi: “Họ sản xuất được những loại đường trắng, xốp và ngọt lịm, còn ngon hơn là đường của chúng ta”. Bến sông ở làng Bảo An được gọi tên bến Đường là một minh chứng cho nghề sản xuất và buôn bán đường. Phan Khôi cũng cho biết, bà cố của ông nhờ việc buôn bán đường với Hội An mà trở nên giàu có, nuôi con ăn học đến nơi đến chốn, thi cử đỗ đạt. Vua Gia Long, Minh Mạng cho đào sông Vĩnh Điện có một phần liên quan đến việc buôn bán đường với Bảo An.

Nghề dệt ở Bảo An ra đời trễ hơn nhưng cũng rất nổi tiếng, cùng với các làng Mã Châu, Thi Lai, Đông Yên… sản xuất ra thứ vải lụa mà Lê Quý Đôn đã viết trong Phủ biên tạp lục: “Tổ xa đời của họ Nguyễn là người dinh Quảng Nam học dệt của người bắc khách, đời truyền nghề cho nhau. Các mặt hàng vóc, sa, lãnh, gấm, trừu cải hoa rất khéo…”, “người phủ Thăng, phủ Điện dệt được các thứ the đoạn, lụa là, hoa hòe chẳng kém gì hàng Quảng Đông”. Sau này sản phẩm dệt của Bảo An đã góp phần cho những hoạt động sôi nổi của Phong trào Duy tân vào đầu thế kỷ XX. Theo Nguyễn Văn Xuân, vào ngày đó nghề dệt của Bảo An đã đạt trình độ kỹ thuật cao: “Tiếng đồn con gái Bảo An/ Sáng mua vải sợi, tối đan mành mành”. Trước Cách mạng tháng Tám, Bảo An không những là nơi sản xuất nhiều vải vóc lụa là mà còn là nơi thu mua các sản phẩm từ nghề dệt để đưa đi bán ở nhiều nơi trên cả nước và sang tận Nông Pênh, Hồng Kông. “Mỗi buổi sáng, trong Đình Thị - gian chính trong chợ Bảo An - là nơi diễn ra việc mua bán vải cây. Vải cây tức là loại vải ta khổ hẹp do các gia đình dệt ra, cuốn lại thành cây… Người ta mua loại vải này chở đi tiêu thụ các nơi như Huế, Quảng Ngãi, Tam Kỳ, Sài Gòn… Họ mua suốt từ sáng đến khoảng 10 giờ là chất cả đống mang về nhà hôm sau tiếp tục vận chuyển đi bán” (Phan Thị Miều - Nhớ và ghi lại việc buôn bán ở làng Bảo An xưa).

Về nghề làm rượu, nhờ có nhiều đường, mật, người Bảo An sớm biết nghề nấu rượu. Họ dùng phụ phẩm của nghề đường là mật mía cùng với gạo, nếp làm nguyên liệu nấu với loại men đặc biệt được chế biến bằng thuốc bắc. Họ lại dùng các dụng cụ bằng gốm tốt để chưng cất và đựng rượu. Vì vậy, rượu Bảo An thơm ngon có tiếng từ xưa. Với sự nổi tiếng của nghề sản xuất rượu của làng Bảo An, gần đây có người đã đặt vấn đề phải chăng rượu Hồng Đào - thứ rượu “chưa nhấm đà say” nức tiếng của Quảng Nam - chính là loại rượu của Bảo An ngày trước. Nếu thật như vậy thì quá thú vị!

Mầm mống của “đô thị hóa”

Bảo An là ngôi làng “trí thức”, hoạt động kinh tế chính của làng lại là công nghiệp và thương mại, có mối giao lưu buôn bán mật thiết với cả Hội An bằng sông Thu Bồn lẫn Đà Nẵng thông qua sông Vĩnh Điện, nên đời sống của người dân khá giả. Vì vậy, ngày trước nếp sống ở Bảo An mang dáng dấp của đô thị: “Nhìn vào bản đồ của làng Bảo An (vẽ năm 1934) ta thấy khác hẳn những làng tự phát thuần nông ở miền Trung, bởi cách kiến thiết như có một bàn tay quy hoạch tài ba, có tầm nhìn với những đường lớn, đường nhỏ ngang dọc thật vuông vắn, quy củ hài hòa, vườn tược được hoạch định có phép tắc… không khác thành phố. Bảo An đã sớm bộc lộ tiềm năng tiến tới tương lai đô thị” (Đà Linh, Báo Văn Nghệ số ngày 2.11.2002). Hay: “Những năm từ 1937, 1938 đến 1944, con gái Bảo An đã nhiễm cách ăn mặc, trang điểm của phụ nữ thành thị Đà Nẵng, Hội An. Đàn bà đi chợ thường mặc áo dài, có chị đã kín đáo dùng chút son phấn …” (Phan Thị Miều - Nhớ và ghi lại việc buôn bán ở làng Bảo An xưa).       

Ngày nay làng Bảo An vẫn giữ được truyền thống nhưng có lẽ không còn giữ được vị trí của một thời “hoàng kim” như trước.

LÊ THÍ

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Làng Bảo An ngày trước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO