Nằm cách biệt hoàn toàn với phần còn lại của huyện Điện Bàn, thôn Triêm Tây (xã Điện Phương) như một ốc đảo chơ vơ phía cuối hạ nguồn. Bao năm qua cái khổ vẫn cứ lẩn khuất, bám riết cuộc sống của người dân nơi đây.
Cách trở…
Khách muốn đến Triêm Tây ngoài con đường thủy từ Hội An sang thì có thể đi đường bộ từ Nam Phước xuống qua các xã Duy An, Duy Phước, Duy Vinh (Duy Xuyên) đến Cẩm Kim (Hội An) rồi theo đường bê tông dẫn vào làng. Nghe có vẻ đơn giản nhưng với ai lần đầu đến Triêm Tây chuyện lạc đường là khó tránh khỏi. Điều lạ là rất ít người biết vì sao cái làng tận cuối sông này lại thuộc về huyện Điện Bàn vì nhìn trên bản đồ chẳng thấy ăn nhập gì với các phần còn lại của huyện. Hai mặt nam, bắc giáp sông Thu Bồn còn phía tây giáp xã Cẩm Kim, phía đông là xã Duy Phước. Người dân mỗi lần có việc lên UBND xã Điện Phương hay muốn chứng giấy tờ gì phải đi quãng đường dài 18km qua 4 xã của 2 huyện, thành phố, còn đi đường thủy sang sông tuy có gần hơn nhưng cũng không dưới 10km, lại phải lụy đò giang, nhất là mùa bão lũ. Ông Võ Đăng Sự - Phó Trưởng thôn Triêm Tây kể, so với trước, bây giờ việc đi lại đỡ hơn nhiều vì đường sá đã được bê tông, ghe từ Hội An qua cũng thường xuyên chứ cách đây vài năm mỗi lần có cuộc họp trên xã là từ sáng sớm ông đã phải tất tả đi mới kịp.
Làng Triêm Tây chỉ còn khoảng 30 hộ duy trì nghề dệt chiếu.Ảnh: VĨNH LỘC |
Do cách trở đường sá nên cuộc sống của 146 hộ dân Triêm Tây bao năm nay còn chật vật. Khắp thôn đi đâu cũng chỉ thấy cát là cát, sống ở quê nhưng nhà nào cũng phải đi mua gạo ăn vì không có đất ruộng trồng lúa. Những năm về trước nghề làm chiếu chẻ còn phát triển, các bà các chị trong thôn mỗi ngày cặm cụi bên khung cửi cũng kiếm được 50 - 60 nghìn đồng, đủ tiền chợ búa. Nhưng từ sau cơn lũ năm 1998, nhiều mảnh ruộng bị cát bồi lấp, cói không mọc được. Muốn dệt chiếu phải qua Duy Vinh, Duy Phước mua cói về, không lời lãi nên nhiều hộ đã bỏ nghề. Bây giờ trong thôn chỉ còn khoảng 30 hộ duy trì khung dệt, chủ yếu là người già, lớn tuổi, sản phẩm làm ra chỉ là chiếu trắng, các sản phẩm làm nên thương hiệu chiếu chẻ Triêm Tây một thời như chiếu trổ, chiếu chẻ màu, chiếu tàu… đã không còn được sản xuất do khó cạnh tranh và thị trường không chuộng. Chưa kể chiếu làm ra thương lái muốn mua số lượng lớn cũng khó khăn vì đường sá chật hẹp, xe tải không vào được, phải vận chuyển từng đôi một ra khỏi làng. Chiếu đã mất giá nay còn khó bán hơn. “Khổ riết rồi cũng quen, bây giờ trong làng không có hộ đói nhưng cũng chẳng có hộ giàu, nói chung là chỉ đủ ăn thôi” - ông Sự thổ lộ. Đất cằn cỗi, lại không sống được với nghề nên phần lớn thanh niên rời làng đi làm ăn, gần thì qua Hội An giúp việc trong các nhà hàng, khách sạn, xa hơn thì ra Đà Nẵng, vô Sài Gòn làm thợ xây, phụ hồ. Làng Triêm Tây ngày càng thêm vắng vẻ.
Ngôi trường tiểu học trong làng phải đóng cửa bỏ hoang do không có học sinh. |
Làng không sinh con thứ 3
Ở thôn Triêm Tây 12 năm qua không có gia đình sinh con thứ 3. Phần vì số vợ chồng trong độ tuổi sinh sản ngày một giảm (hiện chỉ khoảng trên 25 cặp dưới tuổi 40), phần cuộc sống khó khăn phải phiêu bạt đi làm ăn xa… Giữa trưa, làng vắng tiếng trẻ nhỏ, dạo quanh chỉ gặp những người già, thỉnh thoảng vài học sinh đạp xe vội vã dưới cái nắng chang chang hướng về bến thuyền Cẩm Kim để sang sông đến lớp. Bà Nguyễn Thị Vui (tổ 3, thôn Triêm Tây) sống một mình với người mẹ già tuổi trên 90 trong căn nhà rộng thùng thình, thoáng vui khi thấy khách đến thăm. Bao năm bà cứ loanh quanh ở làng dệt chiếu và chăm mẹ, những đứa cháu thi thoảng mới về. “Tôi già rồi, mắt mũi cũng không tốt nên chẳng muốn đi đâu xa, suốt ngày cứ quanh quẩn ở nhà ra vô, rảnh thì dệt đôi chiếu kiếm vài chục nghìn” - bà Vui nói. Nhà bà đông anh em nhưng tất cả đều ở xa làng, lâu lâu cháu chắt mới về thăm.
Đường vào thôn Triêm Tây. |
Trong số 758 nhân khẩu của thôn, số trẻ từ 1 – 12 tuổi đếm chưa đầy 50 cháu. Năm 2003, một ngôi trường tiểu học 2 tầng đã được xây kiên cố ở giữa làng với 6 phòng học dành cho 6 lớp là mẫu giáo và 5 lớp từ lớp 1 đến lớp 6. Nhưng cũng chỉ hoạt động được 3 năm, đến năm 2006 thì đóng cửa bỏ hoang cỏ mọc um tùm vì không có học sinh. Bây giờ thì con em trong làng đành “phiêu dạt” sang các trường ở Cẩm Kim, còn học sinh cấp 3 phải đi đò qua tận Hội An học. “Mùa nắng còn đỡ chứ mùa mưa lũ thì vất vả lắm. Nói lỡ dại chứ thấy con đi học về đến nhà mới biết còn sống” - ông Sự nói. Khổ là vậy, nhưng hầu như trong làng không có em nào nghỉ học, tỷ lệ học sinh đậu các trường cao đẳng, đại học hàng năm luôn chiếm số lượng cao. Chỉ riêng năm 2013 toàn thôn đã có trên 20 em đỗ đại học, cao đẳng. “Mấy đứa đỗ đạt được ai cũng mừng nhưng rồi học xong tụi nó đi hết có về làng đâu, mà về đây cũng chẳng có gì để làm” - ông Sự trầm ngâm.
Chờ ngày mới
Cách đây 2 năm, khu du lịch sinh thái Triêm Tây của KTS.Bùi Kiến Quốc được khai trương phía cuối làng, dân ai cũng mừng vì không chỉ tạo công ăn việc làm mà còn giúp thôn kè chống sạt lở ven sông – vấn đề gây lo lắng cho người dân bao năm nay. Nhưng theo ông Sự, những kỳ vọng của làng vẫn chưa như mong muốn. Hiện khu du lịch chỉ giải quyết cho khoảng 10 lao động, còn chuyện kè chắn sông cũng chỉ dừng lại ở phạm vi khu du lịch. Tại các tổ 2, 3 nguy cơ sạt lở vẫn lơ lửng mỗi khi đến mùa mưa lũ. “Tôi nghĩ muốn giữ lớp trẻ ở làng thì Nhà nước cần có chiến lược để vực dậy làng nghề dệt chiếu hay có dự án đầu tư chi đó trong làng chứ kiểu này vài năm nữa chắc chẳng còn ai ở làng nữa” - ông Sự lo lắng.
Tuy nhiên, theo ông Lê Đức Thu - Chủ tịch UBND xã Điện Phương, hiện đề án phát triển du lịch cộng đồng thôn Triêm Tây đã được huyện Điện Bàn thống nhất chủ trương và sẽ được triển khai vào khoảng quý 3.2014. Trước mắt, dự án sẽ chọn 25 hộ dân trong làng để hỗ trợ kinh phí xây dựng mô hình du lịch homestay kết nối với khu du lịch sinh thái Triêm Tây nhằm hình thành những cơ sở ban đầu để đón khách, hướng đến bảo tồn làng nghề chiếu chẻ gắn với phát triển du lịch. “Cùng với dự án chuyên canh rau sạch của KTS. Bùi Kiến Quốc, dự án du lịch cộng đồng sẽ góp phần tạo công ăn việc làm cho người dân Triêm Tây, nhất là với lớp trẻ trong thời gian đến” - ông Thu cho biết.
Chiều, làng như vui hơn khi những học sinh và người dân đi làm ăn bên Hội An trở về, cả một không gian yên ắng của làng quê trở nên xao động khác thường. Triêm Tây như bừng tỉnh sau một giấc ngủ ngày mệt mỏi. Người dân nơi đây đang cháy bỏng ước mơ về sự đổi thay, rằng một ngày Triêm Tây sẽ khởi sắc khi những dự án được hình thành để người dân đỡ khổ và những thanh niên thiếu nữ không còn rời làng phiêu bạt nơi xa.
VĨNH LỘC