Lang Biang - Khu dự trữ sinh quyển thế giới

QUỐC HƯNG 12/06/2015 10:29

Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa Liên hiệp quốc (UNESCO) ngày 9.6 đã vinh danh 20 Khu dự trữ sinh quyển thế giới, trong đó có ở nhiều nước Đông Nam Á.

Khu dự trữ sinh quyển Inlay Lake (Myanmar), rộng 11km, trải dài 22km từ bắc xuống nam và nằm ở độ cao 875m so với mực nước biển. Hệ sinh thái ẩm ướt, hệ động, thực vật phong phú và đa dạng với nhiều loài quý hiếm, như là nơi cư trú của 267 loài chim, trong đó có loài sếu đầu đỏ Sarus nằm trong Sách đỏ của thế giới. Hồ Inle cung cấp cho người dân địa phương rất nhiều lợi ích như nguồn không khí trong sạch, nước sạch, khí hậu mát mẻ… Tuy nhiên, tập tục sản xuất nông nghiệp hay sinh hoạt của người dân, chủ yếu là tộc người Inthas luôn hướng tới mục tiêu bảo tồn bền vững khu dự trữ sinh quyển quý giá này.

Múa cồng chiêng- Di sản văn hóa phi vật thể tại Lang Biang được UNESCO công nhận.
Múa cồng chiêng- Di sản văn hóa phi vật thể tại Lang Biang được UNESCO công nhận.

Bromo Tengger Semeru - Arjuno, có tổng diện tích 413.374ha, gồm Công viên quốc gia Bromo Tengger Semeru và khu rừng Raden Soerjo, thuộc tỉnh Đông Java của Indonesia. Khu sinh quyển có hệ thực vật phong phú với 1.025 loài, đặc biệt bao gồm 226 loại cây phong lan, 260 loại cây thảo dược hay làm đồ trang trí. Nhiều loài động vật có vú nằm trong Sách đỏ của thế giới cần được bảo vệ. Bromo Tengger Semeru - Arjuno được xem là mô hình phát triển bền vững rất thành công. Nền kinh tế địa phương phụ thuộc chủ yếu vào sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi nhưng địa phương luôn có các chương trình chủ động để quản lý đa dạng sinh học và giảm tối thiểu khí thải các bon gây hiệu ứng nhà kính.  

Khu dự trữ sinh quyển thế giới Lang Biang, có diện tích 275.439ha, nằm ở phía bắc tỉnh Lâm Đồng (Việt Nam). Lang Biang bao gồm một vùng rừng nguyên sinh rộng lớn với vùng lõi là Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà - một trong 4 trung tâm đa dạng sinh học của Việt Nam. Lang Biang có 153 loài động thực vật nằm trong Sách đỏ Việt Nam. Việc UNESCO công nhận Khu dự trữ sinh quyển thế giới Lang Biang là ghi nhận sự đóng góp tích cực của Chính phủ Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia đối với bảo tồn đa dạng sinh học, biến đổi khí hậu và phát triển bền vững vì Mục tiêu thiên niên kỷ do Liên hiệp quốc khởi xướng.

Cùng với Bromo Tengger Semeru - Arjuno, Taka Bonerate - Kepulauan Selayar của Indonesia là 2 Khu dự trữ sinh quyển được UNESCO vinh danh lần này. Khu dự trữ sinh quyển nằm ở phía nam của tỉnh Sulawesi. Rừng ngập mặn nằm trong khu vực làm nhiệm bảo vệ chống xâm thực, gây xói lở đất từ lũ lụt, sóng biển. Đây cũng là nơi sinh trưởng phong phú các loài động vật, như chim thú. Chính quyền địa phương nỗ lực bảo tồn khu vực đá ngầm san hô và phát triển khu vực thành điểm đến du lịch của tỉnh Sulawesi, đi kèm với chiến lược bảo vệ phát triển bền vững Taka Bonerate-Kepulauan Selayar. Nhưng trước mắt, Taka Bonerate - Kepulauan Selayar sẽ phục vụ công việc nghiên cứu cho các nhà khoa học, sinh viên, đại diện các tổ chức chính phủ và phi chính phủ.

QUỐC HƯNG

(Theo tài liệu của UNESCO)

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Lang Biang - Khu dự trữ sinh quyển thế giới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO