Hơn 30 năm nay, người dân khối phố Câu Nhi Đông (phường Điện An, thị xã Điện Bàn) rủ nhau rong ruổi khắp nơi mưu sinh bằng nghề buôn cau. Chuyện nghề ăn cơm mặt đất, làm việc “trên trời” dù có nhiều nguy hiểm nhưng mang lại cho họ nguồn thu nhập khá.
Anh Thân Văn Hùng rong ruổi mua cau ở phường Điện Nam Trung (Điện Bàn). Ảnh: NHƯ TRANG |
Mưu sinh trên những ngọn cau mướt xanh từ thuở mới đôi mươi, cho đến tận bây giờ, lòng yêu nghề đã ăn sâu vào ông Đỗ Bích (42 tuổi), chủ vựa cau sỉ ở làng Câu Nhi Đông. Nhắc đến nghề, ông Bích lại nhớ về những ngày ấu thơ nức tiếng trèo cau giỏi, nhà nào cau rộ mà cây quá cao, lại nhờ đến “cậu bé hái cau”. Lớn lên, ông theo nghề thợ xây. Nhưng từ tháng 6 đến tháng 11 âm lịch, ông Bích lại rong ruổi khắp nơi từ Điện Bàn xuống Hội An, rẽ hướng Duy Xuyên, Quế Sơn… hái cau rồi thu mua về bán. Ông Bích kể: “Hồi mới vào nghề, cứ chạy xe hết chỗ này đến chỗ khác để ý các vườn cau ở mỗi địa phương. Sau đó gặp chủ vườn chốt giá, cứ vậy tôi hái xong, chất đầy xe rồi chở về bán”. Mỗi chuyến đi, ông Bích luôn để ý cau mỗi vườn nhà phát triển như thế nào. Rồi ông nhẩm tính thời điểm cau tròn hạt sẽ quay lại. Dụng cụ làm nghề hái cau chỉ vỏn vẹn có đôi nài bằng dây thừng để tròng bàn chân leo cây, theo đó là con dao nhỏ rạch buồng cau.
Để trèo lên cây cau cao tầm 10m rất khó và nguy hiểm như hụt tay, sút chân, kể cả gặp tổ ong, tổ kiến… Chính vì ông Bích luôn quan sát cây và nhắm hướng leo chính xác nhất có thể, sau đó mới tròng đôi nài vào chân, từng nhịp trườn mình lên cây cau chót vót. Ông Bích chia sẻ: “Thông thường, để leo lên và tước được buồng cau, tôi chỉ cần 5 phút. Mọi hành động phải diễn ra nhanh nhất và tuyệt đối không được nghỉ mệt trên ngọn”. Nhờ nghề hái cau, ông Bích có điều kiện nuôi các con ăn học, xây nhà kiên cố. Hiện nay, tuy không còn rong ruổi khắp nơi thu mua cau, ông vẫn truyền kinh nghiệm hái cau cho một số thanh niên trong làng theo nghề; đồng thời hợp đồng với một số vựa cau lớn để sấy cau, xuất khẩu sang Trung Quốc. Đến mùa, ông lại tất bật ở kho cau nhập hàng, xuất hàng từ 3 - 5 tấn/ngày.
Gặp chúng tôi trên bước đường rong ruổi ở huyện Duy Xuyên hái cau rồi thu mua, anh Thân Văn Hùng khoe thành quả chuyến đi trong ngày được hơn 200kg cau. Theo nghề này chỉ mới hơn 1 năm, nhưng anh Hùng rất rành trong việc trèo và tước buồng cau, biết nhìn cau già, cau non. Được biết, mỗi ngày đi mua cau rồi bán lại cho chủ sỉ, anh Hùng kiếm 300 - 400 nghìn đồng trang trải cuộc sống và nuôi con ăn học. Hay như anh Trần Văn Lâm mới 27 tuổi nhưng có tiếng trèo cau nhanh, buôn cau giỏi trong làng Câu Nhi Đông. Hễ ngày nào rong ruổi chạy xe đi mua cau, anh lại mang về 500 - 700kg. Đặc biệt, anh Lâm kết nối rất tốt với chủ vườn, tạo mối hàng buôn bán lâu dài. Hầu hết buồng cau anh Lâm thu mua được đều bán lại nơi nhập sỉ, xuất đi Trung Quốc. Ngoài ra, một số buồng cau to, tròn thuộc giống cau sung, anh giữ lại bán cho nơi làm mâm quả hỏi cưới. Mùa cau, người dân khối phố Câu Nhi Đông lại tấp nập xe chở những buồng cau xanh mướt đến điểm tập kết thu mua. Người trẻ thì đi hái, người già ngồi lựa cau, chẻ cau rồi kể bao câu chuyện xưa cũ. Ngồi cùng đám thợ trẻ mới đi hái cau về, bà Bốn Từ vừa nhai trầu vừa nói: “Nghề này lắm nhọc nhằn và nguy hiểm, nhưng trong làng đứa nào đứa nấy lớn lên cũng theo học. Sau mỗi mùa cau, chúng nó lại tích góp ít tiền để dành sắm sửa đồ đạc trong nhà. Có cau ngon, chúng lại để dành cho tôi và mấy cụ, ăn mà ấm cái bụng lắm”.
NHƯ TRANG