Thôn Tỉnh Thủy (xã Tam Thanh, Tam Kỳ) nằm ở vị trí đặc biệt: một bên là biển, một bên chạy dọc theo bờ đông của sông Trường Giang. Đây là một vùng quê giàu truyền thống văn hóa, lịch sử, người dân bao đời bám biển mưu sinh…
Theo những cứ liệu lịch sử, từ đầu thế kỷ thứ XVI, khi những di dân vùng Thanh - Nghệ - Tĩnh theo đường biển vào nam, đến vùng đất Quảng Nam, họ đã dựa vào địa hình sông núi nơi đây để bày kế mưu sinh. Dọc theo sông Trường Giang từ cửa Lở An Hòa (Núi Thành) đến Cửa Đại (Hội An), ghe bầu ra vào nhộn nhịp, buôn bán đủ các loại hàng hóa như: muối, gốm, vải vóc, cá tôm, ngũ cốc... Khi giao thương trên sông, người dân đã phát hiện ra được một bến nước (thuộc địa phận thôn Tỉnh Thủy, xã Tam Thanh ngày nay) để ghe thuyền có thể vào neo đậu, đồng thời tìm ra một bộng nước ngọt tại khu vực này. Thế là người dân truyền tai nhau nên ngày càng có nhiều ghe thuyền vào neo đậu, lấy nước để chuẩn bị cho những chuyến buôn ra Cửa Đại hoặc vào cửa Lở An Hòa. Cũng qua mỗi lần cập bến lấy nước ngọt, người dân nhận thấy vùng đất này có những điều kiện tự nhiên thuận lợi nên đã vào khai khẩn đất đai, lập ấp dựng làng. Thời đó, cả làng chỉ có duy nhất bộng nước ngọt để đào thành giếng nước lớn cung cấp cho sinh hoạt nên đã đặt tên là làng Giếng Nước. Thời gian trôi qua, các bô lão trong làng đã đổi tên thành làng Tỉnh Thủy (phiên theo tiếng Hán, Tỉnh có nghĩa là giếng, Thủy là nước).
Ngư dân Tam Thanh vui mừng vì được mùa cá tôm. Ảnh: M.Đ |
Trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, làng Tỉnh Thủy phát triển và ghi dấu sự quần tụ sinh sống ngày càng đông đúc của các dòng họ. Nếu như ở những nơi khác, người dân thờ các bậc tiền hiền (người có công khai cơ lập làng) thì tại làng Tỉnh Thủy, người dân thờ chung tổ tiên của 14 dòng tộc sinh sống tại vùng đất này. Ông Nguyễn Như Khiết - Trưởng thôn Tỉnh Thủy, cho biết: “Nhà thờ hương hiền của làng Tỉnh Thủy được xây dựng từ năm 1802. Trải qua thời gian cùng với sự tàn phá của chiến tranh, nhà thờ chỉ còn lại một đống đổ nát. Hòa bình lập lại, dân làng đã đóng góp tiền của và công sức xây dựng nhà thờ hương hiền mới vào năm 1998, vừa để tưởng nhớ công đức các dòng tộc, vừa làm nhà truyền thống ghi danh những người con anh hùng của làng đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng quê hương”.
Ngày nay, người dân trong vùng sinh sống chủ yếu bằng nghề biển. Theo ông Nguyễn Thanh Bình - Chủ tịch UBND xã Tam Thanh, toàn xã hiện có hơn 40 chiếc thuyền có công suất từ 90CV đến 360CV trở lên. Ngư trường đánh bắt cũng dần mở rộng và khai thác được nhiều loại hải sản hơn. Tính riêng trong năm 2015, tổng sản lượng khai thác thủy hải sản toàn xã đạt trên 4.000 tấn”. Những sản vật dồi dào của biển đã tạo ra được nguồn nguyên liệu phong phú để người dân Tam Thanh làm giàu từ biển bằng các nghề kinh doanh, chế biến gia công thủy hải sản. Các loại cá cơm, cá nục, cá giò… tươi thơm đã được chế biến để tạo nên thương hiệu nước mắm Tam Thanh nổi tiếng khắp các miền gần xa. Trong khi đó, cá bò, cá trích… được gia công, tẩm ướp gia vị để làm nên những sản phẩm khô cá phi lê xuất khẩu sang các thị trường nước ngoài như Hàn Quốc, Nhật Bản. Đến các loại cá hố, cá chỉ được phơi khô, chế biến thành các sản phẩm cá khô thơm ngon nức tiếng. Cũng nhờ chăm chỉ làm ăn, làng biển Tam Thanh đã khoác lên mình diện mạo mới. Đường sá được mở rộng khang trang, nhiều trường học mọc lên, nhà cửa san sát nhau, chợ búa nhộn nhịp, góp phần ổn định cuộc sống người dân nơi đây.
T.QUÂN - L.BÍCH