Làng chạy

Ghi chép của HOÀNG THÁI 15/12/2018 02:47

Hôm triển khai việc đưa tin lũ lụt, anh em của đài lúng túng chưa biết sẽ chọn địa điểm nào để tiếp cận đầu tiên, tôi nói luôn với cậu phóng viên trẻ vừa mới biên chế về phòng: “Cứ về Duy Châu (Duy Xuyên), hỏi làng Lệ Bắc, chắc chắn đó là nơi sẽ bị ảnh hưởng đầu tiên ở Quảng Nam nếu xảy ra lụt”. Cậu phóng viên trở về miêu tả “làng của anh sao mà khổ rứa. Người dân đi chợ về ôm thùng mì tôm mà chạy. Học trò tan trường ôm sách vở chạy”. Vâng! Chạy để còn kịp về nhà nếu không muốn ở lại bên đường cái chờ có đò hoặc nước rút.

Hễ người dân Lệ Bắc đi đò là nước sông Thu ở Câu Lâu lên trên báo động 2.Ảnh: H.T
Hễ người dân Lệ Bắc đi đò là nước sông Thu ở Câu Lâu lên trên báo động 2.Ảnh: H.T

1. “Chạy!...”. Đó gần như là hiệu lệnh, gọn lỏn, dứt khoát nhưng chứa cả sự thảng thốt mà cả đám học trò nheo nhóc chúng tôi không thể chần chừ. Nước nhồn nhột bàn chân, xâm xấp đầu gối, rồi đến ngang lưng quần... có khi nước lớn nhanh quá thì tới ngực. May mắn cho những đứa nhỉnh hơn một chút thì khỏi ướt; còn tôi, thuộc hàng nhỏ con nhất trong làng thì thường ướt như chuột lột. Lên được con dốc đầu làng là cả bọn đứng thở và nhăn răng cười.

Những năm 1980, tình cảnh của những đứa học trò làng Lệ Bắc chúng tôi là thế. Cứ vào những buổi chiều đông, nếu nhìn thấy dải mây xám vắt ngang sân banh trên đường dẫn qua trường học cấp 2 bên tỉnh lộ 610 là chúng tôi đã nơm nớp lo. Nếu mưa dầm trước đó đôi ngày thì chắc là nước xổ bãi và chuẩn bị tư thế: Chạy!

Cái làng thật lạ. Những tháng nắng cứ y như đặt chân vào chảo rang bắp,  thế mà mùa mưa thì bốn bề là nước. Lũ học trò chúng tôi cứ sợ nhất là cảnh nước xổ bãi. Ấy là khi mưa lớn, nước con sông Thu Bồn đã tràn qua Gò Sạn phía giáp với Giao Thủy (Đại Lộc), nghĩa là chỉ dăm phút thôi, phía dưới chừng vài trăm mét, làng Lệ Bắc đang khô ráo bỗng chốc trở thành ốc đảo. Có lẽ vì thế mà  những cuộc chạy thi với nước như một phần không thể thiếu của đám học trò Lệ Bắc trong suốt những mùa mưa.

Qua những câu chuyện vào các dịp lệ làng, tế xuân, tộc họ… của những bậc cao niên trong làng, tôi được biết, từ khởi thủy lập làng đến bây giờ người dân Lệ Bắc vẫn như vậy. Chạy lụt. Các kiểu chạy như ám vào thân phận những người dân quê bé nhỏ, lầm lũi.

Một lần, tôi trở về quê theo cách không giống ai. Đó là mùa lũ năm 1999 trong chuyến cứu trợ vùng bị cô lập dọc sông Thu Bồn, chiếc trực thăng của Sư đoàn Không quân 372 khựng ngay trên đầu dốc dẫn vào làng, dưới cánh quạt, những đứa trẻ và thanh niên ướt sũng đang hớt hãi hứng nhận những thùng mì tôm, nhìn những gói mì tôm bị gió xé toạc ra trong mưa gió mà xót. Chẳng biết những gói mì không còn nguyên vẹn ấy sẽ giúp người cầm cự được bao lâu trong khi nước vẫn lớn và bão biển đang rì rầm kéo vào. Năm ấy, ngôi làng nhỏ này bị ngâm bởi 3 trận lụt chồng lên nhau. Hai tháng sau, về quê ăn tết, tôi không bất ngờ lắm khi mấy người hàng xóm vừa khoe vừa chọc quê khi cho biết mấy thửa khoai khu vực quanh sân banh đầu làng rất được mùa, lý do là được... bón mì tôm từ trên trời.

2. Chuyện chạy lũ lụt của làng Lệ Bắc thì không chỉ mình tôi biết. Cô bạn học cùng lớp năm xưa chát qua facebook “bây chừ cũng y rứa, có khác chi mô”. Bao nhiều năm rồi vẫn thế. Cô bạn lại nhắc trên facebook “ông nhớ vụ lật ghe không?”. Tôi thả tim mà trống ngực như còn run. Số là, nhóm học sinh lớp 9 chúng tôi chừng 15 đứa, không biết ai xui khiến, khi sắp cập bờ phía vũng Bà Lương thì bất ngờ chiếc ghe nan lật úp. Không chỉ tiếng la hét mà sách vở, dép vung trắng một khúc sông. Rất may ít nhiều biết bơi nên không đứa nào uống nước… Cô bạn kể lại bằng chữ mà tôi như có cảm giác như tiếng nước lũ vẫn réo ầm ào quanh đây. Còn nhớ cách đây dăm năm, giữa đêm giám đốc đài gọi điện: “Nước ở Quảng Nam sao rồi?”, tôi trả lời chưa có gì phức tạp. Ông gắt “mày ở ngoài Đà Nẵng này sao biết?”. Tôi bảo không lo, bởi vì vừa điện về cho ba trong quê được biết chưa có nước nôi gì. Sếp yên tâm khi nghe tôi giải thích rằng làng tôi nó ở “thế độc” như thế nào. Nếu mà dân làng bắt đầu đi đò thì có nghĩa  mực nước ở Câu Lâu ở mức báo động 2, gần báo động 3.

Lệ Bắc như trôi dần về phía đông vì bị lũ lụt sạt lở.
Lệ Bắc như trôi dần về phía đông vì bị lũ lụt sạt lở.

Chạy có lẽ đã ăn sâu trong tâm thức của cư dân làng tôi. Không chỉ người chạy, mà từ hơn mười năm nay con đất ngôi làng dường như cũng chạy. Cứ sau mỗi mùa mưa lũ làng như trôi dần về phía biển. Hôm giỗ bà nội tôi gợi chuyện khi hỏi những tên đất nay còn hay mất. Em trai thứ 8 của tôi là người duy nhất trong gia đình 9 anh em còn bám làng đưa mắt về phía đầu làng: “Đồng Xe Cháy trôi mất cả hai mươi năm nay rồi còn đâu”. Ông anh họ ngồi bên giọng chùng xuống như có phần tiếc nuối: “Làng bị xé đôi từ những năm cuối 1990. Nhà thằng Lâm bạn mi bây giờ là con lạch, tên Lạch Đinh từ hơn 10 năm ni rồi”.

Ký ức lại ùa về, đó là những trưa hè tháng 7, tôi thỉnh thoảng lại lẽo đẽo theo mẹ bắt hến trên sông Thu Bồn. Ngày ấy, từ nhà tôi đến sông ước chừng ba cây số, muốn đến sông phải đi hết vài chục phút.  Xe Cháy là cánh đồng rộng lớn, nằm sát mom sông. Dân làng Lệ Bắc gọi là Xe Cháy bởi ở đó còn nguyên xác chiếc xe M113 của Mỹ bị du kích bắn hạ vào những năm 1970. Thế mà cánh đồng phì nhiêu đủ loại dâu tằm, bắp, đậu… ấy giờ đã biến mất. Nhà tôi nằm ở giữa làng, thế mà giờ đến sông chỉ còn hơn cây số, thủ phạm chính là dòng nước đục ngầu kia. Mất đất sản xuất đã đành, xóm làng cũng lở lói chưa biết bao giờ dừng. Xóm trên, chỗ nhà thằng Kim Vân, thằng Mính, thằng Tấn nghe nói đang chực chờ bổ nhào xuống sông. Còn nhà thằng Khương bà Một, thằng Chín ông Phiến và cả những nhà chênh chếch phía con dốc cũ vào làng như nhà của chú Bảy tôi cũng biến mất từ năm nảo năm nào… Hôm cả nhà tôi về quê, chen chân trên chiếc đò ọc ạch để qua làng, bắt chuyện với những người quen trong xóm mới biết từ chỗ hơn 500 hộ thì nay Lệ Bắc chỉ còn chưa đầy 300 hộ. Làng lở, một số người có điều kiện thì bỏ làng kiếm nơi ở mới bên kia đường cái, còn phần đông thì bồng bế nhau, giạt dần về phía sân banh…

3. “Phải gọi làng ni là làng trôi mới đúng”! Cô bạn nhắn tin mà tôi nghe như có tiếng thở dài. Gọi là trôi cũng phải thôi. Làng phì nhiêu là thế, bao bọc xung quanh là những cánh đồng bốn mùa cây trái, nếu đứng từ bên Cù Bàn phóng tầm mắt về làng thấy một dải xanh tươi, trù phú, bây giờ chỉ còn là vệt tai tái, chen những cồn cát mấp mô. Mỗi năm làng như bị kéo tụt, trôi dần về phía đông chưa biết bao giờ sẽ dừng lại…, bất chấp con kè bé nhỏ đầu làng đang cố gắng giữ những doi đất ít ỏi còn lại.

Chục năm trước, những ai lâu không về quê xem như không biết đường mà về nhà, bởi sau mỗi mùa lụt con đường qua làng lại khác. Những năm học cấp 3,  chúng tôi đi ngả nối tỉnh lộ 610 tại dốc Năm Oanh. Không chịu nổi lụt, lở triền miên nên con đường này biến mất, thế rồi dân làng mở đường qua dốc Giữa. Dốc Giữa cũng bị lũ nhấn chìm, làng lại tìm cách mở đường qua sau lưng trường học. Mấy năm gần đây tình hình có vẻ tạm ổn hơn khi con đường nối sân banh bắc qua dốc chợ La Tháp được bê tông hóa theo chương trình xây dựng nông thôn mới. Thế nhưng, sức người đâu đánh vật được với thủy thần. Cứ sau mỗi trận lũ, nước rút lộ ra những mảng bê tông vương vãi, tứ tán khắp nơi. Cũng may những vạt bói cầm cự được mấy năm nay, nên hai đầu con dốc, nước lụt chưa bứng đi được. Dân làng lại hì hục góp bao tải, công cán, xã huyện hỗ trợ xi măng… để nối lại đường trong những dịp Tết Nguyên đán… Năm ngoái chỉ riêng khoản giữ con đường qua bãi, cả làng phải mất mấy đợt ra quân với hàng nghìn ngày công, đặng mà có đường cho con cái đi học kiếm cái chữ và rồi mấy tạ bắp, ớt cũng được chở đi bán mà không lo thương lái ép giá tại ruộng.

Câu hỏi làm sao để giữ làng, để thôi phải đôn đáo chạy trong mỗi mùa mưa gió cứ trở đi trở lại trong tâm tưởng. Chợt nhớ câu chuyện hôm trước, khi có dịp hàn huyên với anh Nguyễn Công Dũng - Bí thư Huyện ủy - Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên, tôi đã khấp khởi mừng thầm khi anh cho biết huyện đã khảo sát vị trí, một cây cầu treo sẽ được bắc từ kiệt Chè bà Nguyệt - Thanh Châu sang xóm An Lâm, đuôi làng. Vâng! Một cây cầu là cả một giấc mơ, là cứu cánh cho cho bao thế hệ con cháu mai này của quê tôi. 

Khi viết những dòng chữ này, mắt tôi lại cay xè, cơn lũ 10 năm trước chợt  ập về. Năm đó trong mưa gió bão bùng, cả làng vượt lũ tiễn đưa nội tôi về nơi an nghỉ cuối cùng trên những chiếc ghe bé nhỏ duềnh sóng nước…

Ghi chép của HOÀNG THÁI

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Làng chạy
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO