Trải qua thời lao đao, sản phẩm khó khăn về đầu ra, nghệ nhân không còn mặn mà với nghề…, gần đây một số làng chiếu truyền thống tại Duy Xuyên đang nỗ lực hồi sinh.
Thay đổi mẫu mã
Làng chiếu An Phước (thôn Mỹ Phước, xã Duy Phước, Duy Xuyên) đang nỗ lực “đổi mới” mình. Hiện bà con làng chiếu An Phước vẫn duy trì hình thức dệt thủ công nhưng kiểu dáng, mẫu mã, hoa văn, khâu tạo hình làm nổi mặt chiếu được chú trọng cải tiến nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Đầu ra sản phẩm vẫn có, song giá thành của mặt hàng chiếu còn quá thấp trong khi chi phí sản xuất cao khiến nhiều người không còn mặn mà với nghề. Bà con tận dụng thời gian nông nhàn dệt chiếu để có thêm thu nhập, bên cạnh nguồn kinh tế chủ lực từ cây hoa màu. Trung bình mỗi người dệt được 3 chiếc chiếu, trừ chi phí, thu nhập khoảng 60 nghìn đồng/người/ngày. Bà Nguyễn Thị A (thôn Mỹ Phước) chia sẻ: “Đây là nghề do cha ông truyền lại, không thể bỏ được, tiết nắng gia đình tôi dự trữ lác để dệt. Sống bằng nghề thì khó nhưng phải nói rằng nghề dệt chiếu phần nào cũng giúp cải thiện cuộc sống. Tôi tranh thủ thời gian nông nhàn để dệt và hễ có sản phẩm thì có người đến tận nhà thu gom để bỏ mối nên cũng không phải lo đầu ra”. Cả làng nghề hiện còn duy trì 100 khung dệt chiếu với sức cung ứng ra thị trường mỗi năm từ 15 - 20 nghìn đôi.
Các làng chiếu đầu tư, thay đổi mẫu mã trong các sản phẩm. Ảnh: H.L |
Từ nhiều nguồn hỗ trợ, gần đây UBND xã Duy Phước đã xây dựng đề án chỉnh trang làng nghề định hướng đến năm 2020. Nhà điều hành làng nghề đã được xây dựng khang trang tại thôn Mỹ Phước với tổng kinh phí hơn 3 tỷ đồng, trang bị 3 - 4 khung dệt chiếu phục vụ cho khoảng 15 người thuộc Tổ hợp tác sản xuất dệt chiếu. Tổ hợp tác ra đời với mục đích giúp bà con có thu nhập ổn định, ngoài ra phát triển du lịch làng nghề. Đường giao thông nông thôn tại làng nghề đã được bê tông hóa 2km, tạo thuận tiện cho đi lại. Ông Nguyễn Tố - Trưởng thôn Mỹ Phước cho biết, được sự hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân, 4 khung chiếu được đầu tư tại nhà điều hành giúp bà con tổ hợp tác có thể tạo ra dòng chiếu cao cấp, bền đẹp, tạo hình nổi nhằm tăng sức cạnh tranh trên thị trường, bên cạnh chiếu dệt truyền thống. Mặt hàng chiếu tạo hình nổi với hoa văn, họa tiết đẹp có giá thành lên đến 200 - 300 nghìn đồng/chiếc thường được người tiêu dùng lựa chọn vào dịp lễ tết, hội hè... Đó cũng là nỗ lực đổi mới mình của làng nghề chiếu An Phước. Tuy nhiên, để vực dậy làng nghề, cần gắn kết với phát triển du lịch. Vì vậy, ngoài việc đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch, cũng cần có chính sách hỗ trợ bà con đầu tư máy dệt hiện đại để đa dạng hóa sản phẩm. Việc quy hoạch vùng nguyên liệu cũng cần được tính đến. Ông Nguyễn Thận - Chủ tịch UBND xã Duy Phước cho biết thêm: “Duy Phước đang nỗ lực khôi phục và phát triển làng nghề chiếu An Phước. Bên cạnh một số hạng mục như nhà điều hành, đường giao thông, hy vọng thời gian tới sẽ đầu tư thêm một số công trình, hạng mục khác như bãi đổ xe tại nhà điều hành, bến thuyền, cổng làng phục vụ tham quan, du lịch”.
Đầu tư máy móc
Trong khi đó, làng chiếu Bàn Thạch (Duy Vinh, Duy Xuyên) gần đây xuất hiện hai cơ sở dệt chiếu bán công nghiệp với 11 máy dệt được đầu tư tại gia đình bà Trần Thị Kim Liên (53 tuổi, thôn Vĩnh Nam) và hộ ông Đỗ Văn Bổn, trú cùng thôn. Bà Liên chia sẻ, 20 năm chuyên thu gom chiếu của làng nghề Bàn Thạch đưa đi khắp nơi từ dải đất miền Trung vào tận Sài Gòn tiêu thụ, bà cùng chồng đã đam mê nghề chiếu. Thấy sản phẩm truyền thống đơn điệu, không đủ sức cạnh tranh với các mặt hàng chiếu dệt công nghiệp, vợ chồng bà mạnh dạn nâng cấp cơ sở dệt, đầu tư 8 máy dệt, xây dựng lò hấp sấy chiếu, mua nguyên liệu dự trữ phục vụ sản xuất với tổng chi phí 600 triệu đồng. Đặc biệt, nhờ có lò sấy hấp chiếu, cơ sở của bà chủ động trong mùa mưa mà không sợ chiếu làm ra bị ẩm mốc, mất màu. Mỗi ngày, lò sấy có thể hấp sấy được 30 - 40 chiếc chiếu, mỗi mẻ sấy kéo dài 2 tiếng đồng hồ. Khi đốt lò bên ngoài, hơi nóng được truyền theo hệ thống dẫn nhiệt vào lò, hệ thống quạt sẽ làm hơi nóng lan tỏa làm chiếu khô đều và nhanh. Bình quân mỗi máy dệt có thể cho ra 7 - 8 chiếc chiếu/ngày, hằng ngày cơ sở cho ra khoảng 50 chiếc chiếu đủ kích cỡ, màu sắc, hoa văn.
Hiện xưởng chiếu của vợ chồng bà Liên tạo việc làm ổn định cho 14 - 15 lao động trong thôn với nhiều công đoạn khác nhau như dệt, nhuộm lác, vệ sinh chiếu, thu gom lác, giao hàng. “Xác định nghề này khá vất vả, nhưng vợ chồng tôi vốn rất đam mê nghề. Nhờ sẵn mối lái, khách hàng từ mấy chục năm nên chiếu của cơ sở chỉ đủ tiêu thụ trong địa bàn tỉnh Quảng Nam và Đà Nẵng, Quảng Ngãi. Khi có sản phẩm, các chủ thu mua đến tận nơi gom để đi bỏ mối tại các chợ, đại lý. Chúng tôi ưng ý khi có thể làm ra sản phẩm theo yêu cầu của khách với đủ màu sắc, hoa văn, kích cỡ, họa tiết, chất lượng cao hơn, sản phẩm đẹp và sang trọng hơn… điều mà kiểu làm thủ công không có được” - bà Trần Thị Kim Liên tâm sự.
HOÀNG LIÊN