Mỹ Xuyên là một ngôi làng cổ, nằm ở bờ nam sông Thu Bồn, trên đường thiên lý Bắc-Nam, nay thuộc thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên. Lịch sử lập làng có liên quan mật thiết với ngôi mộ cổ được cho là của Chánh đề đốc Hùng Long Hầu Lê Quý Công, người được dân làng tôn là tiền hiền. Nhưng lai lịch của ngài Đề đốc Hùng Long Hầu lại chưa được làm sáng tỏ.
Cây đa Mỹ Xuyên. Ảnh: L.B.T |
Lịch sử làng
Theo các vị bô lão trong làng thì làng được thành lập từ năm 1471, sau cuộc Nam chinh của vua Lê Thánh Tông. Sau khi lập ra đạo thừa tuyên Quảng Nam vào tháng 7.1471, vua Lê Thánh Tông đã để Chánh đề đốc Hùng Long Hầu Lê Quý Công cùng 12 vị tướng khác ở lại vùng đất vừa mới khai lập để giữ bờ cõi. Lê Quý Công đã lập làng Mỹ Xuyên và trở thành tiền hiền của làng. Con cháu tộc Lê đã theo gia phả truy tìm nguồn gốc và cho rằng ngài vốn là người làng Thần Phù, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa.
Một ý kiến khác lại cho rằng Đề đốc Hùng Long Hầu Lê Quý Công là một trong những vị tướng tham gia bình Chiêm dưới thời Lê Nhân Tông nhưng bất mãn với triều đình nên không chịu về Bắc mà ở lại lập làng. Theo ý kiến này, năm Nhâm Tuất (1442), vua Lê Nhân Tông lên ngôi khi tuổi còn nhỏ, Hoàng Thái hậu Nguyễn Thị Anh được quần thần mời “buông rèm thính chính”. Lúc này, bà nghe lời gièm pha của các gian thần, giết hại những tướng đang làm nhiệm vụ tại Chiêm Thành như Trịnh Khả, Lê Khắc Phục... Các tướng lĩnh bất mãn không quay về đất Bắc nữa, ở lại lập làng định cư. Lê Quý Công là một trong số đó và ở lại lập làng Mỹ Xuyên trong thập niên 40 của thế kỷ XV. Như vậy, làng Mỹ Xuyên được lập trước cả làng Ngũ xã Trà Kiệu (1471).
Xem lại sử xưa chúng ta không thấy nói đến sự kiện này. Vả lại năm 1442, vùng Duy Xuyên nằm dưới sự cai quản của Chiêm Thành. Thời gian từ 1434-1470 người Chiêm đã nhiều lần đem quân đánh phá Hóa Châu. Chỉ có sự kiện sau đây có liên quan đến vị Đô đốc họ Lê: “Tháng 4.1445, Chiêm Thành lại vào đánh cướp thành An Dung thuộc Hóa Châu. Tháng 5 gặp lụt phải thất bại. Triều Lê sai Tư đồ Lê Thận, Đô đốc Lê Xí đi đánh dẹp. Trước thái độ ấy của người Chiêm, triều Lê phải nghĩ đến việc đem đại binh chinh phạt. Thái Hòa năm thứ 4 (1446) tháng Giêng nhân kỳ đại hội quân, chọn quân mạnh mẽ để sung vào các đạo quân, khiến chở lương đến trữ ở Hà Hoa, rồi sai Đô đốc Lê Thọ, Lê Khả, thiếu phó Lê Khắc Phục đem hơn 60 vạn quân đi đánh Chiêm Thành” (Phan Khoang - Việt sử xứ Đàng Trong, Nxb Khai Trí, 1967, trang 98-99). Lần này quân Đại Việt đánh vào tận Đồ Bàn bắt được vua Chiêm là Bí Cai. Nhưng đánh xong lại rút về không thấy chiếm giữ vùng Duy Xuyên.
Chưa có sự thống kê so sánh cụ thể nhưng có lẽ Mỹ Xuyên là làng còn giữ được nhiều sắc phong nhất nhì của cả nước với 32 đạo (của các vua triều Nguyễn, từ năm Minh Mạng thứ 5, 1824 đến năm Khải Định thứ 9,1924) gồm triều Minh Mạng: 5 đạo; Thiệu Trị: 10; Tự Đức: 11; Đồng Khánh: 2; Duy Tân: 2; Khải Định: 2. Các vị thần được phong cho làng bao gồm những vị cao quý nhất trong hệ thống phong thần của triều Nguyễn như: Đông Hựu Thuận, Đông Quảng Hậu, Bạch Mã Tôn… Đối với người dân Mỹ Xuyên giữ sắc phong giống như giữ làng. Với họ “mất sắc phong thì còn gì là linh hồn của làng”. Ngôi đình làng và 32 đạo sắc phong đã được công nhận là Di tích lịch sử cấp tỉnh vào năm 2011. |
Muốn bảo vệ luận điểm rằng làng được lập từ năm 1442 phải xác định cho được Lê Quý Công thực sự là ai: Lê Thân, Lê Xí, Lê Thọ, Lê Khả, Lê Khắc Phục hay một vị họ Lê nào khác đã tham gia vào đạo quân bình Chiêm năm 1446? Nên nhớ ngày trước tên Lê Quý Công là cách gọi thể hiện sự tôn kính (kỵ húy) chứ không phải là tên thật nên chúng ta khó biết đích xác ngài là ai.
Mặt khác khi chưa xác định được niên đại của ngôi mộ cổ người ta cũng có thể nghĩ đến việc làng được thành lập từ năm 1402 khi Phạm Nhữ Dực được Hồ Hán Thương cử vào Nam làm Chánh đô Ân Phủ sử phủ Thăng Hoa (lúc này bao gồm cả vùng Duy Xuyên) để di cư người Việt và vỗ an người Chiêm khai khẩn vùng đất mới. Lý lịch về vị đề đốc còn rất mù mờ nên niên đại thành lập làng cho đến nay vẫn còn đang bỏ ngỏ. Nhưng chắc chắn một điều làng được thành lập từ rất sớm. Sách Ô châu cận lục của Dương Văn An cho biết vào thời điểm 1553, làng Mỹ Xuyên có tên là Mạc Xuyên “vườn Mạc Xuyên trồng nhiều hoa hồng” và là một trong 66 làng của huyện Điện Bàn, thuộc phủ Triệu Phong.
Dưới thời nhà Nguyễn, theo Địa bạ dinh Quảng Nam lập năm Gia Long thứ 10 (1812) Mỹ Xuyên gồm hai làng Mỹ Xuyên Đông giáp và Mỹ Xuyên Tây giáp thuộc tổng Mậu Hòa Trung. Năm 1836, vua Minh Mạng cho đào một con sông chia làng Mỹ Xuyên làm hai làng gọi tên là Mỹ Xuyên Đông và Mỹ Xuyên Tây, nhưng người ta thường gọi tắt là Xuyên Đông và Xuyên Tây. Sau 1954, làng Mỹ Xuyên thuộc xã Xuyên Châu. Sau năm 1962, làng Mỹ Xuyên lại thuộc hai xã khác nhau. Thôn Xuyên Đông thuộc xã Xuyên Mỹ, thôn Xuyên Tây thuộc xã Xuyên Châu. Sau năm 1975, Mỹ Xuyên thuộc xã Duy An, từ 1986, thuộc thị trấn Duy Xuyên sau đổi thành thị trấn Nam Phước (1994).
Ngôi làng của những điều đặc biệt
Ngày trước Mỹ Xuyên vốn có đất đai màu mỡ do sông Thu bồi đắp nên là làng trồng dâu nuôi tằm dệt lụa nổi tiếng. Từ khi đào con sông chảy qua làng Mỹ Xuyên lại càng phát triển với cảnh trên bến dưới thuyền đông vui tấp nập. Ngày nay dù nằm ngay giữa thị trấn, Mỹ Xuyên vẫn là ngôi làng còn giữ được cảnh quan tiêu biểu của làng quê Việt Nam với sân đình, cây đa, bến nước…
Đình làng Mỹ Xuyên. |
Làng Mỹ Xuyên tự hào vì có địa danh bến Giá. Có thể đây là bến nước ngày trước người ta dùng để rửa giá đỗ cho sạch trước khi đi bán nhưng hầu hết người dân Mỹ Xuyên đều tin rằng đây là nơi diễn ra chuyện tình nàng hái dâu. Đó là vào năm 1615, một đêm trăng sáng thế tử Nguyễn Phúc Lan đã ghé thuyền vào gặp cô gái hái dâu họ Đoàn để sau này bà trở thành Hiếu Chiêu Hoàng hậu và rồi được tôn vinh là Bà Chúa Tàm tang. Chuyện tình lãng mạn ngày xưa có thể vẫn còn là giấc mơ về những “chàng hoàng tử” của bao cô gái Mỹ Xuyên hôm nay!
Người dân Mỹ Xuyên cũng tự hào về ngôi đình làng và cây đa cổ thụ gần đình. Đình làng được xây dựng theo kiểu ba gian hai chái, theo kiểu chồng rường giả thủ với cột kèo được chạm khắc công phu, bên ngoài trang trí cổ tân hội họa vô cùng tinh xảo. Đình làng đang lưu giữ 32 đạo sắc phong quý giá và là nơi tổ chức lễ tế xuân hàng năm để cầu an cho dân làng vào ngày 12 tháng Hai âm lịch hàng năm. Để giữ 32 đạo sắc phong người ta đã chuyền tay nhau, chôn xuống đất, cử người di cư ra Đà Nẵng để giữ sắc phong trước binh lửa hay thỉnh sắc phong lên cầu Câu Lâu che lều tránh lụt.
Cách đình làng Mỹ Xuyên 100m có cây đa cổ thụ. Theo truyền thuyết cây đa được trồng từ năm 1836 khi vua Minh Mạng cho đào sông chảy xuyên qua làng. Qua thời gian cây đa phát triển xanh tốt, gốc đa chằng chịt rễ, tán lá che kín cả một vùng rộng lớn đến hơn mẫu đất. Chim chóc về làm tổ đầy cây. Năm 1965, cây đa bị bom đạm bắn phá chỉ còn trơ lại gốc. Gần 10 năm sau (1974), khi chiến tranh bớt ác liệt, một người dân trong làng đã mang một cây đa con nhổ từ một ngôi miếu ở Đà Nẵng về trồng ngay trên gốc cây đa bị cháy trụi trước đó. Không ngờ cây đa con phát triển nhanh chóng. Mới 40 năm sau mà đã như một cây đa cổ thụ, đường kính lên đến trên 20m, tán lá che kín cả một vùng rộng lớn.
Người dân Mỹ Xuyên cho đó là điều lạ, một ân sủng cho làng. Cây đa làng Mỹ Xuyên ngày nay cũng rất đặc biệt là chỉ thay lá trong một ngày chứ không kéo dài như các cây đa khác (mỗi năm thay lá hai lần vào mùa xuân và mùa thu). Màu của rễ cây cũng cho dân làng những dự báo thời tiết chính xác (hễ cây ra rễ con trắng ngần như giá đỗ là báo hiệu trời sắp mưa). Điều này đã làm cho người dân Mỹ Xuyên càng tin hơn vào sự linh thiêng của cây đa làng. Gần gốc đa là một ngôi chợ quê; chợ Đồng hay chợ Cây Đa có thời được xem là một trong những ngôi chợ lớn nhất nhì của huyện.
Giữa làng là khu lăng mộ của Chánh đề đốc Hùng Long Hầu Lê Quý Công được dân làng bảo vệ kỹ lưỡng cũng giống 32 đạo sắc phong và từ năm 2006 cũng đã được công nhận là Di tích Văn hóa - lịch sử cấp tỉnh.
LÊ BÌNH TRỊ