Kết luận của Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ vướng mắc của Làng đại học Đà Nẵng (phần diện tích Quảng Nam) vẫn chưa có tiến triển sau 2 năm. Không thể gỡ bỏ quy hoạch treo suốt 1/4 thế kỷ khi thiếu nguồn lực tài chính, cơ chế, chính sách và thiếu ý kiến từ các bộ, ngành trung ương.
Quy hoạch vẫn “treo”
Hai hình ảnh trái ngược nhau diễn ra trên khu vực quy hoạch Làng đại học Đà Nẵng. Phía Hòa Quý (Đà Nẵng), trên mặt đất ngổn ngang đất, đá, xà bần từ những cụm nhà bị đập bỏ. Người dân nhận tiền bồi thường, chuẩn bị chuyển sang nơi ở mới.
Còn phía Điện Ngọc (Quảng Nam) không có bất cứ dấu hiệu gì của một cuộc chuyển dời. Chính quyền thị xã Điện Bàn không thể đầu tư xây dựng công trình dân sinh mang tính lâu dài.
Hơn mấy nghìn hộ dân Câu Hà, Tứ Câu, Ngọc Vinh nằm trong vùng dự án không thể lập kế hoạch sản xuất, đầu tư dài hạn. Không được tách thửa, chia đất cho con, không được bán mua, cầm cố, thế chấp... Họ sống khổ sở ngay trên mảnh đất của mình bởi “đất quy hoạch”.
Một số người không chịu được cảnh bị “mắc kẹt” giữa vùng quy hoạch đã bỏ xứ ra đi, để lại trên vùng cát những căn nhà hoang. Người ở lại trong các căn nhà xập xệ, chen chúc nhau, không tính toán được gì cho tương lai...
Ông Lê Tài (người dân Câu Hà) được thuê phá dỡ một ngôi nhà ở Hòa Quý nói, từ thời trai trẻ tới tuổi sắp già vẫn không thấy sự thay đổi nào. Tụi trẻ phải “dạt” sang xứ khác sinh sống, tìm kế sinh nhai. Không biết ngày nào quy hoạch “treo” này mới được gỡ bỏ!.
Làng đại học Đà Nẵng bị “treo” suốt 1/4 thế kỷ từng nóng trên các diễn đàn, công luận.
Sau các cuộc giám sát về quy hoạch tại Quảng Nam, ông Vương Quốc Thắng - Ủy viên Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam nói, “trăm hoa đua nở” về số lượng lẫn loại hình quy hoạch, dẫn đến quy hoạch treo sẽ là mối nguy ảnh hưởng cho sự bình ổn của những hộ dân sống trong khu vực này. Phải tính đến lợi ích của người dân. Không thể bắt họ chờ trong vô vọng!
Ông Nguyễn Xuân Hà - Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn cho biết, thị xã đã kiến nghị chủ đầu tư chuyển tiền. Địa phương cam kết sẽ giải phóng, bàn giao mặt bằng khi đầu tư.
Hơn 25 năm đi qua, không thể chờ thêm được nữa, không thể để người dân mãi sống trong cảnh khốn đốn mà không có cách gì tháo gỡ. Tuy nhiên, chủ đầu tư (Bộ GD-ĐT) nói khó khăn tài chính. Họ nói sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ, nhưng chờ mãi vẫn chưa thấy câu trả lời.
Chính quyền Quảng Nam đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ gỡ bỏ khó khăn quy hoạch Làng đại học Đà Nẵng. Kết luận của Thủ tướng Chính phủ (Thông báo số 135/TB-VPCP ngày 6/5/2022) yêu cầu Sở KH-ĐT chủ trì, phối hợp Bộ GD-ĐT, UBND TP.Đà Nẵng, UBND tỉnh Quảng Nam và các cơ quan liên quan tổ chức đoàn công tác, trực tiếp rà soát, đánh giá toàn diện thực trạng, khó khăn, vướng mắc của làng đại học, đề xuất giải pháp xử lý, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 4/2022.
Không ít cuộc làm việc của các bộ, ngành trung ương diễn ra sau đó. Tuy nhiên, sau gần 2 năm đi qua, dự án treo Làng đại học Đà Nẵng cũng chỉ mới dừng lại ở việc tổng hợp các kiến nghị. Thông tin mới nhất vào tháng 9/2023, Đại học Đà Nẵng đã lên tiếng kêu cứu về dự án làng đại học lên Bộ GD-ĐT, nhưng vẫn chưa có câu trả lời cuối cùng.
Chờ đến bao giờ?
Ông Trần Úc - Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn cho biết, cách đây vài tháng, Bộ GD-ĐT có công văn gửi Bộ KH-ĐT đề nghị tìm vốn triển khai 50ha phần lõi ít giải phóng mặt bằng nhất để xây dựng các khu chức năng, nhà ở lưu trú cho cán bộ, nhân viên của làng đại học. Thế nhưng hiện tại vẫn chưa có động thái nào về việc triển khai xây dựng, đầu tư của làng đại học phía Quảng Nam.
Ban cán sự Đảng UBND tỉnh xin ý kiến Thường vụ Tỉnh ủy (và đã thống nhất), đề xuất theo hướng điều chỉnh lại quy hoạch 1/2000 (đã được Thủ tướng phê duyệt, Quyết định số 986 ngày 9/7/2020), giảm diện tích Làng đại học Đà Nẵng tại phường Điện Ngọc còn khoảng 50ha (phần thuận lợi cho giải phóng mặt bằng), đầu tư từ nay đến năm 2030. Phần diện tích còn thiếu (140ha) chuyển về đầu tư tại Điện Tiến, Điện Bàn, (tiếp giáp xã Hòa Tiến, Hòa Vang, Đà Nẵng).
Chính quyền Quảng Nam đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ thống nhất giao nhiệm vụ cho Bộ GD-ĐT làm việc với địa phương để rà soát lại quy hoạch 1/2000 Làng đại học Đà Nẵng.
Xác định tính khả thi của phạm vi có khả năng đầu tư trên phần đất Quảng Nam, từ nay đến năm 2030. Đây là cơ sở để đề xuất Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh giảm diện tích ranh giới, các khu chức năng phù hợp, phê duyệt lại vào cuối năm 2024 và bổ sung kinh phí thực hiện hoàn chỉnh theo quy hoạch chi tiết được duyệt từ năm 2025 đến năm 2030. Phần diện tích điều chỉnh giảm được bổ sung thực hiện tại xã Điện Tiến.
Điều chỉnh quy hoạch chung thị xã Điện Bàn giai đoạn đến năm 2030 và năm 2045 công bố tháng 4/2023 không còn những quy hoạch phân mảnh (làng đại học là một trong loại hình này).
Quy hoạch chung Quảng Nam công bố tháng 3/2024 thống nhất khu vực Điện Tiến có không gian phát triển các trường đại học là điều hợp lý. Khu vực này thuộc vùng cao, không ngập lụt, kết nối thuận lợi với Đà Nẵng theo hệ thống giao thông vành đai phía bắc Quảng Nam và Đà Nẵng.
Ông Trần Úc nói, khu vực Điện Tiến hội đủ yếu tố hình thành khu đại học trong tương lai, phù hợp với quy hoạch chung xây dựng thị xã Điện Bàn, có thể thực hiện được.
Còn để giải tỏa liên quan khu vực Điện Ngọc sẽ không khả thi. Thị xã Điện Bàn đã chuẩn bị tất cả nội dung, tài liệu để lãnh đạo tỉnh làm việc với Bộ GD-ĐT khi có yêu cầu.
Kiến nghị của chính quyền Quảng Nam trong chuyện điều chỉnh giảm diện tích quy hoạch Làng đại học Đà Nẵng khu vực Hòa Quý - Điện Ngọc vẫn chưa được Thủ tướng Chính phủ chuẩn y. Dự án Làng đại học “treo” chưa biết bao giờ sẽ được gỡ bỏ?
Kế hoạch giải tỏa 190ha đất quy hoạch phía Quảng Nam của Làng đại học Đà Nẵng bất khả thi. Theo các cuộc rà soát của Quảng Nam, phần diện tích cần giải phóng mặt bằng là 170,28/190ha, liên quan đến 1.845 hộ dân. Trong đó, 1.375 hộ ảnh hưởng đất ở, cần 3.155 lô đất tái định cư trên diện tích hơn 100ha.
Theo tính toán của Quảng Nam, kinh phí xây dựng khu tái định cư (dự tính theo suất đầu tư của Bộ Xây dựng) và bồi thường, giải phóng mặt bằng khu vực này sẽ cần đến gần 4.000 tỷ đồng. Nguồn kinh phí này rất khó có để có thể thực hiện trong giai đoạn hiện nay.