Trên những con đường Trường Sơn, dấu vết thời gian đã phủ lên lớp bụi mờ ký ức, nơi các con sông vặn mình đổ nước về xuôi và những cành hoa lau vẫn còn trắng xóa trên lưng chừng núi…
Bỏ lại sau lưng những ồn ào phố thị, tôi và cậu bạn đồng nghiệp xách ba lô lên đường. Từ Đà Nẵng, theo quốc lộ 14B, chúng tôi bắt đầu chuyến lãng du qua các cung đường dưới chân dãy Trường Sơn huyền thoại. Mùa xuân, ven những ngọn đồi thấp, từng vạt hoa lau nở muộn trắng xóa lao xao nối nhau như trải dài bất tận. Trên quãng đường gần 200km đi qua các huyện Đại Lộc, Nam Giang, Phước Sơn, Hiệp Đức, hàng chục thắng cảnh như níu chân người ở lại. Suối Mơ, Khe Lim (Đại Lộc); Bến Giằng, thác Grăng (Nam Giang) hay hồ thủy điện Đắk Mi 4, thác nước ở Phước Sơn… Đó còn là những bãi biền ven sông Vu Gia, những ghềnh đá nhấp nhô trên dòng sông Rô hay sự hùng vĩ của Trường Sơn với điệp trùng núi rừng nguyên sinh vây bủa hàng nghìn năm vẫn còn âm u bí ẩn.
Du khách khám phá đường Trường Sơn bằng xe đạp. Ảnh: KH.LINH |
Đường Hồ Chí Minh như con rắn khổng lồ uốn lượn chập chùng quanh co, đi qua những địa danh nổi tiếng. Những tên làng, tên núi đưa chúng tôi về làng Rô (xã Cà Dy, Nam Giang) để nghe các già làng kể câu chuyện cưu mang nhà thơ Tố Hữu tránh giặc Pháp hơn 70 năm về trước cùng những kỷ vật mà nhà thơ đã tặng, dù qua bao thăng trầm thời gian vẫn được người dân nơi đây nâng niu gìn giữ. Nơi những đứa trẻ lớn lên trong tiếng ru ầu ơ là những câu thơ đã đi vào máu thịt: “Ôi! Làng Rô nhỏ của tôi/ Cao cao ngọn núi chiếc nôi đại bàng/ Trăm năm ta nhớ ơn làng/ Cánh tay che chở bước đường gian nguy” (Nước non ngàn dặm - Tố Hữu).
Cơ hội phát triển du lịch Miền tây Quảng Nam luôn là mảnh đất hứa để các công ty lữ hành khai thác phát triển du lịch. Dọc đường lãng du chúng tôi thường xuyên bắt gặp những khách nước ngoài lang thang bằng xe đạp hoặc xe máy. Với họ, được đạp xe đi dọc các cung đường Trường Sơn, thăm các bản làng chìm trong cảnh đẹp núi rừng là sự trải nghiệm thú vị khi đến Quảng Nam. Ông Phạm Phú Vinh - Trưởng Phòng VHTT huyện Phước Sơn cho biết, Phước Sơn không chỉ có đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại mà còn hàng chục cảnh đẹp, di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng như Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh, Thác Nước, suối Nước Lang, đèo Lò Xo, suối Đắk Gà, núi Xuân Mãi, di tích Khâm Đức, Ngok Tak Vak... cùng nhiều giá trị văn hóa phi vật thể khác. Tuy nhiên, do những hạn chế nhất định nên đến nay vẫn chưa thu hút khách đến tham quan lưu trú, chủ yếu là tự phát nhỏ lẻ. Ông Vinh cho hay: “Thời gian tới chúng tôi sẽ tiến hành quy hoạch kêu gọi đầu tư hình thành các khu du lịch sinh thái và tham quan di tích lịch sử gắn với việc phát triển các nghề thủ công mỹ nghệ như mây tre, dệt thổ cẩm, chế tác đá và đồ gỗ. Huyện cũng sẽ tăng cường tuyên truyền quảng bá, thu hút đầu tư, tổ chức gặp mặt các doanh nghiệp du lịch..., phấn đấu đến năm 2025 du lịch sẽ đóng vai trò quan trọng, góp phần tích cực vào việc thực hiện nhiệm vụ kinh tế xã hội địa phương”. Còn theo ông A Viết Sơn - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Giang, những năm đến huyện sẽ triển khai đề án quy hoạch tổng thể thị trấn Thạnh Mỹ thành đô thị loại 4, xây dựng nơi đây thành trung tâm đón tiếp du khách khi đến với miền tây Quảng Nam. “Thạnh Mỹ sẽ là cửa ngõ đầu tiên đón tiếp du khách khi đến các huyện miền núi Quảng Nam. Từ đây khách có thể dễ dàng lên Đông Giang, Tây Giang cũng như qua Phước Sơn, Hiệp Đức đến Trà My” - ông Sơn nói. |
Rời làng Rô, không xa là những cánh rừng nguyên sinh Phước Sơn bạt ngàn. Từ bên ni đường nhìn sang sông, cơ man những thân cây cổ thụ vươn mình cao lớn và ven đường là những cây hoa gạo đang vào mùa trổ hoa rực đỏ trong cái nắng hanh hao càng điểm tô cho bức tranh núi rừng mùa xuân thêm rạng rỡ. Đi dọc đường Hồ Chí Minh, qua những cung đường Trường Sơn, mỗi bước chân là một cảm xúc trải nghiệm mới lạ. Những thôn làng lẩn khuất ven đường, những ngôi nhà chơi vơi nơi lưng chừng núi và lũ trẻ hồn nhiên đùa giỡn, vui mừng háo hức khi được du khách chụp hình.
Lang thang miền tây để được sống với những cảm giác bình yên, để tận hưởng cái lạnh se sắt khi đêm về hay ngắm sương mờ giăng mắc trên đỉnh núi cao mỗi sớm mai. Mơ màng chợt nhận ra đêm khuya Thạnh Mỹ (Nam Giang) sao giống Đà Lạt đến lạ. Vẫn con đường dốc ngược và sương mờ phủ kín ánh điện đường. Đó còn là “cảm giác mạnh” khi chinh phục gần 200 bậc cấp dựng đứng lên đến tận cùng đỉnh thác Grăng (xã Ta Bhing, Nam Giang) ngắm dòng nước tuôn trào dội vào vách núi trắng xóa, vục mặt vào dòng nước trong veo để bao mệt nhọc tan theo dòng thác.
Con đường lãng du tiếp tục đưa chúng tôi qua những xóm làng đồi núi đến hồ thủy điện Đắk Mi 4 (Phước Sơn) ngắm con thuyền câu thả lưới giữa mênh mông lòng hồ trong nắng chiều vàng úa và những chú chim bói cá ngơ ngác nhìn khách lạ... Cảm giác như thời gian dừng lại, những bộn bề lo toan đã không còn hiện hữu nơi chốn này. Để rồi khi xuôi về Hiệp Đức ghé thăm hồ Việt An lòng vẫn còn vấn vương mơ tưởng.
Đầu năm du xuân qua những cung đường Trường Sơn để cảm nhận sự phóng khoáng của đất trời, để lòng tĩnh tại tránh xa những ồn ào phố thị. Không cần chuẩn bị cầu kỳ, chỉ một ba lô và niềm khát khao khám phá; hãy lên đường, đi để thấy đất trời, thiên nhiên rộng lớn. Chúng tôi đã đi như những kẻ lãng du để rồi lúc quay về đến phố cậu bạn đi cùng bất chợt thốt lên: “Núi rừng miền tây sao đẹp quá”.
KHÁNH LINH