Làng dệt Bảy Hiền không chỉ là nơi dệt ra vải vóc

LÝ ĐỢI 15/12/2022 10:23

(VHQN) - Hình thành từ đầu thập niên 1960, sau nửa thế kỷ phồn thịnh, vì nhiều lý do, đến nay làng dệt Bảy Hiền sắp phải im tiếng khung cửi. Nhưng trong gần 350 năm tên gọi Tân Bình, sau này là quận Tân Bình (TP.Hồ Chí Minh), làng dệt Bảy Hiền do đa số người Duy Xuyên và Điện Bàn lập nên sẽ là một mốc son về văn hóa - lịch sử của vùng đất này.

Xưởng dệt nhỏ theo kiểu cũ ở đường Nguyễn Bá Tòng của gia đình anh Trương Mậu Đông, với 4 đời làm nghề. Ảnh do Thành Nguyễn chụp tháng 8.2019
Xưởng dệt nhỏ theo kiểu cũ ở đường Nguyễn Bá Tòng của gia đình anh Trương Mậu Đông, với 4 đời làm nghề. Ảnh do Thành Nguyễn chụp tháng 8.2019

Nhớ thời vang bóng

Vì nằm trong một phần vùng đất của ông Bảy Hiền hồi đầu thế kỷ 20 nên làng dệt đến từ xứ Quảng Nam có tên là Bảy Hiền. Làng nằm gần ngã tư Bảy Hiền, tức là giao lộ của những trục đường lớn ngày nay như Trường Chinh - Cách Mạng Tháng Tám - Hoàng Văn Thụ - Lý Thường Kiệt và cả Lạc Long Quân nữa.

Làng dệt rộng hẹp tùy định nghĩa, nhưng thời hoàng kim, từng tập trung nhiều khung cửi, nhất là ở các con đường Võ Thành Trang, Năm Châu, Nguyễn Bá Tòng, Tái Thiết, Phạm Phú Thứ…

Hai thập niên 1980 - 1990, làng này có hơn 2.500 hộ dệt, với hơn 10.000 khung cửi rầm rập suốt đêm ngày; chỉ tính riêng phường 11 (quận Tân Bình) đã gần 1.700 hộ theo nghề dệt vải, móc sợi, làm chỉ…

Nếu chỉ nhìn về số lượng ở thời kỳ này, làng dệt Bảy Hiền quy mô hơn bất cứ làng nghề truyền thống nào ở Quảng Nam, trong đó có làng lụa tơ tằm Mã Châu (Duy Xuyên) hơn 400 năm.

Có thể nói làng dệt Bảy Hiền không chỉ là cộng đồng xứ Quảng đậm đặc nhất bên ngoài đất Quảng, mà còn là đại lý đối ngoại cao cấp của “khung cửi Cửu Diễn”, của ngành dệt may và cả hình ảnh làng nghề đến từ xứ Quảng.

Nhiều thợ dệt kỳ cựu của làng dệt Bảy Hiền, nay đã ở tuổi gần đất xa trời, kể rằng giai đoạn đầu nơi này vẫn dùng khá phổ biến kỹ thuật và “khung cửi Cửu Diễn”.

Đây là khung cửi dệt hiện đại thời bấy giờ, do ông Cửu Diễn (tức Võ Dẫn, sinh năm 1897 tại xã Duy Trinh, Duy Xuyên) cải tiến từ khung cửi truyền thống từ những năm 1935 - 1936, ngay sau đó đã đi vào đời sống người thợ dệt xứ Quảng.

Lịch sử truyền miệng các làng dệt xứ Quảng như Mã Châu, Lang Châu, Bảo An, Xuân Đài, Thi Lai, Hà Mật, Đông Yên, Phú Bông, Bàn Lãnh, Đông Bàn… đều có ghi nhận rằng đến cuối thập niên 1930 thì nghề dệt truyền thống mới thực sự được canh tân, tăng được kích thước tấm vải, tăng năng suất, chất lượng và thẩm mỹ nhờ khung cửi cải tiến của ông Cửu Diễn.

Khi khung cửi này theo chân những thợ dệt xứ Quảng vào đất Bảy Hiền lập nghiệp đầu thập niên 1960, gặp điều kiện thuận lợi về khoa học - công nghệ ở chung quanh, nó đã liên tục được cải tiến để đưa nghề dệt thăng hoa và thịnh vượng.

Toàn cảnh khu Bảy Hiền giữa thập niên 1960, khi làng dệt bắt đầu hình thành rõ nét. Ảnh tư liệu
Toàn cảnh khu Bảy Hiền giữa thập niên 1960, khi làng dệt bắt đầu hình thành rõ nét. Ảnh tư liệu

Dệt bản sắc

Theo nhà thơ Nguyễn Hữu Thụy - người gắn bó mấy chục năm với ngành kim chỉ, vải sợi ở Bảy Hiền và chợ Tân Bình thì bây giờ chẳng còn được mấy phần trăm của thời hoàng kim.

“Nếu chỉ nhìn bề nổi và việc đếm số khung cửi còn lại, nói làng dệt Bảy Hiền đang biến mất cũng không sai. Nhưng muốn nói chính xác hơn, thì nơi này đang chuyển đổi công nghệ và phương thức dệt, khi mà các hậu duệ của Bảy Hiền đang mở nhiều công ty dệt ở vùng ven, đất rộng, quy mô lớn, máy móc hiện đại.

Nếu không có những tiền bối người Quảng vào đây lập nghiệp, mở rộng nghề dệt, thì liệu họ có được ngày hôm nay không? Cho nên, dù mô hình dệt kiểu cũ của Bảy Hiền đang biến mất, nhưng lịch sử ngành dệt của nơi này chưa dừng lại” - ông Thụy khẳng định.

Xem lụa tại một khu du lịch ở Quảng Nam.Ảnh: X.H
Xem lụa tại một khu du lịch ở Quảng Nam.Ảnh: X.H

Một trong những phái sinh hoặc “đại lý” khác của làng dệt Bảy Hiền chính là chợ vải sợi Phú Thọ Hòa, nay thuộc phường Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú. Có thời chợ này giúp tiêu thụ hàng trăm tấn vải của làng dệt Bảy Hiền mỗi năm.

Nếu làng dệt do chủ yếu người Quảng Nam làm chủ, thì chợ vải sợi này chủ đạo do người Quảng Ngãi điều hành. Không chỉ gần về mặt địa lý ở miền Trung, mà Tân Bình và Tân Phú cũng từng là một quận, người dân hai xứ Quảng ở đây đã tạo thành thế “lưỡng Quảng” một cách tự nhiên nhờ sinh sống chung, làm ăn cùng, kết sui gia và chia sẻ nỗi nhớ quê nhà.

Phú Thọ Hòa không chỉ là đầu ra, là “cửa hàng trưng bày” bản sắc của làng dệt Bảy Hiền, mà còn giữ thế cân bằng trên thị trường với chợ vải Soái Kình Lâm (quận 5), vốn do người Hoa điều hành.

Với tuổi đời ngang nhau (chừng 40 năm), đây là hai chợ vải lớn nhất nhì TP.Hồ Chí Minh - nhiều ý kiến còn cho rằng lớn nhất nhì của cả miền Nam. Đến sau những năm 2000, vải sợi từ Trung Quốc ồ ạt tràn vào thị trường TP.Hồ Chí Minh, với mẫu mã đẹp, giá thành rẻ, làng dệt Bảy Hiền và cả chợ vải sợi Phú Thọ Hòa bắt đầu gặp khó khăn về sự cạnh tranh.

Tuy số khung cửi ở Bảy Hiền đã teo tóp và dần vắng bóng, nhưng Bảy Hiền và Phú Thọ Hòa không an phận, họ đã mạnh dạn liên minh, chuyển đổi. Nhiều hộ gia đình đã ra vùng ven mở xưởng lớn, mở công ty, nhập máy kim hơi từ Trung Quốc, Đài Loan, nhập máy móc tân kỳ từ Tây Âu để tăng năng suất, chất lượng và thẩm mỹ.

Đã có không ít hậu duệ của “lưỡng Quảng” chủ động làm dâu, ở rể vào địa hạt Soái Kình Lâm để học hỏi kinh nghiệm làm ăn, buôn bán, cũng như góp phần gián tiếp giành lại thị phần dệt và cung cấp vải trong cuộc chiến cung cầu ngày càng khốc liệt.

Cho nên, làng dệt Bảy Hiền không chỉ là nơi dệt ra vải vóc, mà còn dệt ra bản sắc, truyền lưu văn hóa, lối sống và cá tính của “lưỡng Quảng” nơi thành phố đông dân nhất nước.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Làng dệt Bảy Hiền không chỉ là nơi dệt ra vải vóc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO