Làng dệt choàng thức giấc

MINH QUÂN 10/10/2023 08:51

(QNO) - Nằm cuối sông Mê Kông và đầu dòng sông Tiền, trải qua thăng trầm với lịch sử hàng trăm năm, làng dệt choàng tại xã Long Khánh A (huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp) đang dần hồi sinh bằng cách đa dạng hóa sản phẩm gắn với du lịch.

Người dân làng dệt vãn miệt mài với khung cửi. Ảnh: M.Q
Người dân làng dệt vẫn miệt mài với khung cửi. Ảnh: M.Q

Làng dệt choàng (khăn rằn) hơn 100 năm tuổi, nằm ngay biên giới Việt Nam và Campuchia, thuộc ấp Long Tả, xã Long Khánh A, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp. Tiếng thoi dệt ở làng từ những khung cửi vọng vang cả vùng. Bởi đây là thủ phủ dệt khăn rằn của cả vùng đồng bằng sông Cửu Long. Sản phẩm của làng phân phối cả nước và xuất khẩu.

Làng dệt vọng tiếng thoi đưa. Ảnh: M.Q
Làng dệt vọng tiếng thoi đưa. Ảnh: M.Q

Theo lời của người dân làng dệt, xưa kia, tất cả người làng dệt choàng đều dệt thủ công, sản phẩm tinh tế, nhưng số lượng rất ít. Người nào dệt giỏi thì mỗi ngày được 4 chiếc. Giá bán sỉ mỗi chiếc từ 40 đến 60 nghìn đồng, tùy theo loại và chất liệu vải.

Sân phơi sợi. Ảnh: M.Q
Sân phơi sợi. Ảnh: M.Q

“Tuy sản phẩm thủ công của làng rất được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng, nhưng không đủ sản phẩm để cung cấp. Cạnh đó, sản phẩm dệt công nghiệp của Trung Quốc cạnh tranh với giá rẻ, nhấn chìm sản phẩm của chúng tôi. Để trụ được và giữ nghề, chúng tôi phải đầu tư mua sắm máy móc” - chị Tám Nạc, một trong những cơ sở dệt lớn ở làng chia sẻ.

Nghề dệt thủ công nay còn rất ít. Ảnh: M.Q
Nghề dệt thủ công nay còn rất ít. Ảnh: M.Q

Nhờ sử dụng khung dệt máy nên số lượng sản phẩm làm ra tăng 4 - 5 lần so với dệt thủ công. Trung bình mỗi năm, làng sản xuất từ 2 đến 2,5 triệu chiếc khăn choàng và sản phẩm từ khăn choàng. Hiện nay, nhờ đa dạng hóa mẫu mã nên sản phẩm đang hút hàng, tiêu thụ mạnh ở các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, TP.Hồ Chí Minh và Campuchia.

Nay làng có đa dạng sản phẩm. Ảnh: M.Q
Nay làng dệt đa dạng sản phẩm. Ảnh: M.Q

Với bề dày lịch sử, nghề thủ công truyền thống dệt choàng xã Long Khánh A được Bộ VH-TT&DL đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Đình làng nơi thờ tổ nghề.  Ảnh: M.Q
Đình làng nơi thờ tổ nghề. Ảnh: M.Q
Dù trải qua nhiều thăng trầm nhưng nghề dệt choàng ở xã Long Khánh A vẫn duy trì cho đến nay. Hiện tại, làng nghề dệt choàng Long Khánh A có 60 hộ làm nghề, 142 khung dệt, tạo việc làm cho gần 400 lao động địa phương. Tùy theo số lượng sản phẩm làm ra nhiều hay ít mà trung bình mỗi lao động có thể kiếm được từ 250.000 đến 350.000 đồng/ngày.
Nghề dệt giúp cho người làng thu nhập ổn định. Ảnh: M.Q
Nghề dệt giúp cho người làng thu nhập ổn định. Ảnh: M.Q

Để làng nghề phát triển bềnh vững, huyện Hồng Ngự tổ chức lớp tập huấn cho người dân làng dệt làm du lịch bằng cách đưa ra Hội An học tập mô hình làng nghề và kinh nghiệm.

Sau chuyến đi, người dân về bắt tay ngay vào sản xuất các mặt hàng, không còn bó hẹp chỉ dệt khăn rằn. Bà con đã sản xuất đa dạng hóa các sản phẩm từ nguyên liệu khăn choàng như áo sơ mi, áo dài, túi xách, mũ, cà vạt…

Nay làng phát triển nghề làm đèn lồng và cả dịch vụ may mặc vải choàng. Ảnh: M.Q
Nay làng phát triển nghề làm đèn lồng và cả dịch vụ may mặc vải choàng. Ảnh: M.Q

Đến nay, làng nghề không chỉ sản xuất và cung ứng cho thị trường hơn 8 triệu chiếc khăn choàng các loại mà còn có hàng ngàn chiếc túi xách, ba lô mi ni, mũ, áo dài, đèn lồng... Không chỉ vậy, làng dệt choàng trở thành điểm đến của tàu du lịch Mê Kông. Mỗi tuần tàu Mê Kông ghé làng 3 chuyến, chủ yếu là khách châu Âu. Trong tương lai gần, làng dệt choàng sẽ là điểm du lịch nổi bật không chỉ ở đất sen hồng, mà của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Tàu Mê Kông chọn làng dệt choàng làm điểm dừng chân Ảnh: M.Q
Tàu Mê Kông chọn làng dệt choàng làm điểm dừng chân Ảnh: M.Q
Điểm đón khách trung chuyển từ tàu Mê Kông. Ảnh: M.Q
Điểm đón khách trung chuyển từ tàu Mê Kông. Ảnh: M.Q
Du khách thích thú với các sản phẩm của làng dệt. Ảnh: M.Q
Du khách thích thú với các sản phẩm của làng dệt. Ảnh: M.Q
(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Làng dệt choàng thức giấc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO