(VHQN) - Cụ Nguyễn Thị Lộc, 94 tuổi (quê Điện Dương, Điện Bàn) kể, thời chiến tranh, dù khó khăn nhưng hầu hết tộc, họ vẫn cố gắng nhớ ngày mà làm chạp mả, kể cả khi đã dắt díu nhau đi tản cư.
Thông thường gia phả, bài vị thờ ở nhà nào thì đến ngày làm chạp luôn ở nhà đó. Bom đạn cách trở, ai ghé được thì tranh thủ ghé nên thường không có mấy người. Đến giai đoạn bao cấp, dù đời sống khó khăn đến đâu thì việc chạp mả vẫn được duy trì hàng năm.
Thời điểm đó ở một số tộc họ, có quy định rõ ràng về việc luân phiên nuôi heo giữa các gia đình để phục vụ cho ngày chạp mả. “Thiếu thốn, khó khăn, nhưng ngày chạp mả con cháu nội, ngoại tề tựu khá đông, đến bàn ghế cũng phải chạy vạy mượn quanh khắp xóm làng mới đủ ngồi” - bà Lộc nhớ lại.
Trong ký ức của những người trung niên, chạp mả tộc vẫn là hoài niệm rất trân quý. Thời buổi “thóc cao gạo kém”, mọi người nhất là những đứa trẻ luôn háo hức khi nghe sắp đến ngày chạp mả. Bởi đó là những bữa no và ngon hiếm hoi trong năm. Mâm cỗ có thịt là ước ao một thời của những đứa trẻ cho đến tận thế hệ 7x, đầu 8x, ấy nên có người ví chạp mả tựa như ngày tết cũng không ngoa.
Theo ông Nguyễn Chí Trung - Chi hội Khoa học lịch sử TP.Hội An, mỗi tộc họ ở địa phương đều có những hiện tượng dân tộc học phổ biến. Đó là hiện tượng đặt ruộng họ, lập gia phả, xây dựng nhà thờ tộc - phái - chi, lập mộ tổ - nghĩa trang, có ngày hội chạp mả tộc.
Chính từ những hiện tượng này mà có sự phân biệt rõ ràng giữa tộc họ này với tộc họ khác; nhưng ngược lại tạo được mối gắn kết bền chặt giữa các thành viên trong tộc họ; là cơ sở để củng cố, duy trì phát triển mỗi tộc họ.
Ở ngày chạp chính, gia tộc sẽ làm cơm, trước hết là để cúng ông bà tổ tiên sau là dọn để con cháu cùng hưởng. Có những người từng gặp, từng quen nhưng không biết, đến khi về chạp mả tộc hỏi chuyện mới hay là chung dòng máu trực hệ. Đây là đang nói đến những người đã lâu không về chạp mả tộc.
Cũng vì lẽ đó, khi đến ngày chạp mả, hầu như con cháu nội ngoại, dâu rể khắp nơi đều cố gắng thu xếp tề tựu về nhà thờ để tri ân tổ tiên và để nhận biết bà con trong dòng tộc. Có về ngày chạp mả, con cháu mới biết nhau để ra đường còn chào nhau và giảm thiểu xích mích, va chạm không đáng có, ngoài ra còn tránh được hôn nhân cận huyết.
Thông qua các ngày giỗ kỵ, nhất là chạp mả, mỗi khi có dịp tập hợp con cháu, các bậc cao niên trong tộc đều sẽ giảng dạy về truyền thống của tộc họ để con cháu noi theo gìn giữ gia phong, gia pháp, hiếu học.
Ấy thế là, dù đi xa nơi đâu, làm việc nơi nào, trong mỗi con người còn đó một ngày chạp mả tộc. Nhất định phải tìm về để thấu hiểu rằng quê nhà mỗi người chỉ một và nguồn cội chúng ta vẫn lắng đọng ở đó tự bao đời...