Làng đóng thuyền ven ngã ba sông

PHÚ BÌNH 25/01/2017 11:39

(Xuân Đinh Dậu) - Thôn Tịch Đông (Tam Xuân 1, Núi Thành) xưa tuy nằm ven sông Tam Kỳ nhưng lại là một “biệt xã” lệ vào sự quản lý của huyện Quế Sơn, phủ Thăng Hoa xưa. Đặc biệt hơn, đây là một làng chuyên cung cấp lính đóng thuyền cho thủy quân triều Nguyễn; làng được phân kiêm quản đội “Kiên Chu”- một đội thuyền thuộc “Vệ Kinh kỳ Hữu thủy” trấn giữ các cửa biển thuộc vùng đất dinh Quảng Nam vào đầu thời Nguyễn.

Tìm dấu làng qua địa chí xưa

Lần theo ghi chép trong Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn soạn từ năm 1776 về tên các phường xã trực thuộc huyện Duy Xuyên chúng tôi tìm thấy địa danh “Vi tử nhiêu phu Tịch An Đông phường” nằm trong phạm vi quản lý của “thuộc Chu tượng”. “Thuộc” tức là một đơn vị hành chính tương đương đơn vị tổng, tập hợp những cư dân làm cùng một nghề - mà ở đây là nghề đóng thuyền (chu: thuyền; tượng: thợ). Căn cứ vào Địa bạ triều Nguyễn - phần mô tả về dinh Quảng Nam, chúng tôi xác định được phường đóng thuyền này nằm sát gần ngã ba sông Tam Kỳ về hướng đông nam. Ở đấy nay là thôn Tịch Đông mà xưa bao gồm Phường Đùng và Xóm Trại.

Đường vào thôn Tịch Đông. Ảnh: VINH ANH
Đường vào thôn Tịch Đông. Ảnh: VINH ANH

Tại nhà anh Nguyễn Tấn Tòng, người dân trong thôn, chúng tôi tìm thấy một văn bản ký năm 1845 (Thiệu Trị thứ 5) do một Thủy sư đô thống ở kinh thành Huế cấp cho ông Nguyễn Tiến Đính giữ chức Ngũ trưởng trông coi thợ đóng thuyền ở các đội Kiên Chu và Thiện Chu thuộc Vệ Hữu thủy đã nói trên. Trong văn bản này, quê quán ông Đính được ghi là “xã Tịch An Đông, tổng Ngọc Sơn, huyện Quế Sơn, phủ Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam”. Lần theo giới thiệu của ông Tòng, qua mấy bước đường, tìm đến nhà ông Dương Văn Dục; chúng tôi sững sờ khi thấy ông đem ra từ trong chiếc rương xe cũ một hộp gỗ đựng nhiều văn bản chữ Nho mà trong đó, khá nhiều bản không còn nguyên vẹn. Ông Dục nay đã 70 tuổi cho biết, qua hai trận lụt lớn năm 1964 và năm 1999, các văn bản ấy bị thấm nước và bị hỏng nhiều sau khi đem phơi. “Đây là những giấy tờ mà ông cố và ông nội tôi từng làm lý trưởng làng này dùng cho việc làng mà đến đời cha tôi rồi đến tôi kỳ công cất giữ” - ông Dục nói. Qua gần hai tháng tìm hiểu các văn bản này, quá khứ của một ngôi làng có nhiều người tham gia đóng thuyền cho chúa Nguyễn rồi vua Nguyễn hiển hiện được nhiều chi tiết.

Hai trang sổ Đinh của làng Tịch An Đông  lập năm Minh Mạng thứ 7-1826 có ghi tên 10 người lính thuộc đội thuyền Kiên Chu.
Hai trang sổ Đinh của làng Tịch An Đông lập năm Minh Mạng thứ 7-1826 có ghi tên 10 người lính thuộc đội thuyền Kiên Chu.

Từ Phường Đùng đến xã Tịch An Đông

Các văn bản lưu trữ tại nhà ông Dương Văn Dục trải dài suốt 9 triều vua: Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Hàm Nghi, Thành Thái, Duy Tân, Khải Định, Bảo Đại cho biết nhiều chi tiết sống động về một ngôi làng.

Trước hết là lịch sử làng: Theo các bản khai của lý hào trong làng vào năm Duy Tân thứ 2 thì các vị đầu tiên có công quy dân lập ấp là các ông Nguyễn Tấn Hải và Huỳnh Văn Châu (tên cũ là Đối). Các ông ấy đến vùng ven sông Tam Kỳ từ thời Cảnh Hưng (1740-1786) lập thôn Phú An - là một thôn lệ vào xã Phú Khang. Sau, do kỵ húy tên cha vua Gia Long, xã Phú Khang đổi thành xã Phú Khương rồi thành Phú Hưng  thì dân thôn Phú An nhân đó xin “biệt lập thôn hiệu” và đổi thành “Tịch An Đông phường”; mãi đến thời Minh Mạng mới đổi thành “Tịch An Đông xã”. Nhưng dù là phường hay xã, người các địa phương lân cận vẫn gọi hai xóm nằm hai bên con lạch (từ di chỉ khảo cổ Bàu Dũ chảy ra sông) theo tên nôm là Phường Đùng và Xóm Trại. Ông Dương Đích 82 tuổi, người cùng thôn, cho biết: tên Phường Đùng có lẽ xuất phát từ âm thanh “đùng đùng” phát ra khi ráp be thuyền; còn tên Xóm Trại xuất phát từ các “trại” (nhà chồ) nằm trên sông của dân đánh cá. Hai tên này nói lên gốc gác nghề nghiệp của làng lúc ban đầu đánh cá và đóng ghe, thuyền.

Bộ tư liệu còn lưu ở Tịch Đông bao gồm nhiều sổ Đinh lập từ các năm Gia Long thứ 5 (1806), Minh Mạng thứ 7 (1826), Thiệu Trị thứ 5 (1844), Tự Đức 23 (1869)… Qua đó, có thể thấy nhiều điều về tình hình nhân khẩu và nghề nghiệp của làng qua các thời kỳ. Ví dụ, đầu thời Gia Long có 12 dân đinh của làng với tên tuổi cụ thể đã được sung làm lính đóng quân (lưu thú) ở nhiều nơi rất xa như trấn Sơn Tây, Bắc Thành, trấn Thanh Hóa (phía bắc), Gia Định thành và Gia Định trấn (phía nam). Đối chiếu với đường sá xa xôi ngày ấy, có thể thấy đời lính thú ngày xưa vất vả biết bao nhiêu! Chắc hẳn đến ba ngày tết họ chẳng được về! Tư liệu còn cho thấy, có nhiều người làng đi lính phương xa từ tuổi 20 đến quá 50 mới được “hồi quán hưu dưỡng”.

Cũng qua các sổ Đinh này, có thể biết số lượng người làng đi làm lính thợ trong các Chu tượng cuộc (cơ quan chuyên phụ trách việc đóng thuyền) là rất nhiều so với dân số của làng. Và, tuy đi lính thú hay lính thợ họ vẫn phải giữ tên trong sổ bộ của làng và hàng năm phải đóng thuế đinh.  Một văn bản năm 1847 kể về việc một lính thợ là Dương Văn Phú, 43 tuổi, thuộc đội Kiên Chu của Hữu thủy vệ Quảng Nam bị chứng “phúc nhạc” sức khỏe suy nhược đã được cấp trên cho phép về quê chữa bệnh. Sau đó, đội này đã cử một Phó vệ úy tên là Lê Văn Pháp về tra xét và bẩm báo lại thực hư. Điều đó cho thấy sự quản lý lính thợ đóng thuyền trong thủy quân thời ấy rất chặt chẽ.

Phường nghề di dịch về đâu?

Đến giữa thời Minh Mạng, không còn thấy ghi địa hiệu: “Tịch An Đông phường, Chu tượng thuộc, Quế Sơn huyện, Thăng Hoa phủ” như xưa nữa mà thay bằng “Tịch An Đông xã, Chu tượng thuộc, Hà Đông huyện, Thăng Bình phủ”. Tra trong Địa bạ tỉnh Quảng Nam được lập vào khoảng thời gian này thì đơn vị hành chính “thuộc Chu tượng” trực thuộc huyện Hà Đông đã cai quản một “xã” và một “phường” đều cùng tên Tịch An Đông. Xã thì vẫn ở nguyên vị trí gần ngã ba sông Tam Kỳ còn phường thì đã được xác định nằm ở phía bờ nam sông Bến Ván, thuộc khu vực gần cửa An Hòa giáp với sân bay Chu Lai bây giờ. Đến lúc này, xã Tịch An Đông vẫn còn kiêm quản đội Kiên Chu; trong sổ Đinh vẫn ghi tên nhiều người tham gia làm lính thợ ở đội này. Danh sách này còn tiếp tục dài đến các thời Thiệu Trị, Tự Đức về sau. Thống kê trong danh sách ấy thấy rất nhiều chức danh: chánh, phó tượng mục, đội trưởng, thập trưởng, ngũ trưởng thuộc thủy quân. Những gì được ghi trong bộ tư liệu cho biết mãi đến sau thời Tự Đức, thủy quân nhà Nguyễn vẫn tiếp tục phát triển.

Một văn bản thời Khải Định (ngày 21.4 năm Kỷ Mùi 1919) ghi lại việc một người làng tên Nguyễn Tấn Bôn đi lính mộ thời Thế chiến thứ nhất1914-1918, (như ký Tây nhung) được mãn hạn trở về. Các văn bản khác của thời kỳ này không thấy ghi thêm gì về lính “Chu tượng”. Có thể đến đầu thế kỷ 20, dân làng Tịch Đông (lúc này đã được rút gọn tên) không còn đảm nhận vai trò đóng thuyền như trước nữa mà chuyển hẳn sang nghề nông.

PHÚ BÌNH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Làng đóng thuyền ven ngã ba sông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO