Làng Đồng Tràm và vị tướng bình Chiêm

LÊ THÍ 10/12/2017 09:49

Làng Đồng Tràm (nay là thôn Đồng Tràm Đông, xã Hương An, huyện Quế Sơn) là một trong những ngôi làng “tiền hiền” của vùng nam Quảng Nam. Tại đây có mộ của Phạm Nhữ Dực, con trai thứ 5 của danh tướng Phạm Ngũ Lão được chôn cách đây hơn 600 năm.

Cổng nhà thờ tộc Phạm ở Đồng Tràm. Ảnh: Lê Thí
Cổng nhà thờ tộc Phạm ở Đồng Tràm. Ảnh: Lê Thí

Làng Đồng Tràm

Làng Đồng Tràm nay còn dấu tích là thôn Đồng Tràm Tây thuộc xã Quế Phú và thôn Đồng Tràm Đông thuộc xã Hương An của huyện Quế Sơn. Tìm trong các thư tịch cổ như Ô Châu cận lục (Dương Văn An, 1553), Phủ biên tạp lục  (Lê Quý Đôn, 1776) không hề thấy tên.  May mắn nó xuất hiện trong Địa bạ triều Nguyễn được soạn dưới thời Gia Long trong khoảng năm 1814-1818 nhưng không phải là một xã như những vùng gần đó của tổng Xuân Phú Trung, huyện Duy Xuyên mà lại nằm trong danh sách của 17 làng thuộc Chu tượng (đóng thuyền) của huyện Duy Xuyên. Sách trên cho biết:

“Xã Đồng Chàm (Chàm chứ không phải Tràm - NV). Đông giáp xã Đăng Lương (tổng An Thịnh Hạ, huyện Lễ Dương), lấy bờ ruộng và lập cọc gỗ làm giới. Tây giáp xã Trà Đình, xã Hương Ly (tổng Xuân Phú Trung), lấy bờ ruộng làm giới. Nam giáp xã Hương An (tổng Xuân Phú Trung), lập cọc gỗ làm giới. Bắc giáp xã An Lạc Hạ (tổng An Lạc Hạ), lấy bờ ruộng làm giới, lại giáp sông, lấy giữa sông làm giới. Toàn diện tích 886 mẫu, 4 sào, 4 thước, 2 tấc, 1 thốn”.

Sang đến Đồng Khánh địa dư chí (soạn năm1887 - 1890) tên Đồng Tràm lại biến mất (tra kỹ chúng tôi chỉ thấy có xã Đồng Hạm thuộc tổng Ngọc Sơn. Lẽ nào từ Đồng Chàm đọc nhầm thành Đồng Hạm!), cho mãi đến khoảng năm 1919 tên Đồng Tràm mới xuất hiện trở lại. Có một tạp chí cho biết làng thuộc tổng Xuân Phú huyện Quế Sơn.

Thời kỳ sau Cách mạng tháng Tám 1945 đến 1954, làng thuộc xã Quế Xuân, huyện Quế Sơn. Từ 1954 - 1975 thuộc xã Phú Phong quận Quế Sơn. Từ 1975 - 1995 thuộc xã Quế Phú sau đó thuộc xã Hương An.

Làng Đồng Tràm gắn với tên tuổi vị danh tướng Phạm Nhữ Dực. Tác giả Nguyễn Phước Tương trong Xứ Quảng - Vùng đất & Con người  (Nxb Hồng Đức, 2013) cho biết: Phạm Nhữ Dực là con trai thứ 5 của danh tướng Phạm Ngũ Lão, đã theo giúp vua Hồ Hán Thương chinh phục Chămpa vào năm 1402, được phong là Chánh đô án vũ sư lộ Thăng Hoa (vùng đất từ nam sông Thu Bồn đến sông Bến Ván) và được cử ở lại lo việc di dân lập làng trên vùng đất mới. Ông đã đến sống ở làng Đồng Tràm. Sau đó vào năm 1409, ông qua đời và được chôn tại đây.

Lâm Hoài Nam trong tác phẩm “Một tài liệu về cuộc di dân Nam tiến của dân tộc Việt Nam” (di cảo) lại dựa vào gia phả của tộc Phạm của làng Hương Quế và Đồng Tràm cũng cho biết: “Đức tiền hiền tộc Phạm (Phạm Nhữ Tăng - tiền hiền tộc Phạm làng Hương Quế - NV) thấy mảnh đất Đồng Tràm sa bồi và chất đất xấu, còn Hương Quế có khe, sông, bàu, núi, nhiều ruộng phì nhiêu nên ngài định cư tại Hương Quế… Ông Phạm Đức Đối (chú của Phạm Nhữ Tăng và cháu nội Phạm Nhữ Dực - NV) không chịu theo cháu là tiền hiền tộc Phạm Hương Quế, ngài ở lại Đồng Tràm và sinh hạ con cháu tộc Phạm Đồng Tràm và trở thành tiền hiền của làng Đồng Tràm…”.

Như vậy, so với làng Hương Quế (nay thuộc xã Quế Phú, huyện Quế Sơn) - một ngôi làng “lừng lẫy” của Quảng Nam, làng Đồng Tràm là “cố”, làng Hương Quế là làng “cháu” (Phạm Nhữ Tăng gọi Phạm Nhữ Dực là ông cố) và thuộc loại làng “tiền hiền” của vùng nam Quảng Nam.

Thượng tướng bình Chiêm mở cõi

 Phạm Nhữ Dực là con thứ 5 của Phạm Ngũ Lão quê gốc ở làng Phù Ủng, huyện Mỹ Hào, thừa tuyên Hải Dương (nay là huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên). Sau đó ông di cư vào sống ở xã Lỗ Huyền, huyện Lôi Dương, phủ Thiệu Thiên, thừa tuyên Thanh Hoa (nay là huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa) và trở thành thủy tổ của tộc Phạm tại đây. Tương truyền, ông là con nuôi của thượng tướng Trần Khắc Chung - người được vua Trần Anh Tông sai vào Đồ Bàn năm 1307 để cứu Huyền Trân công chúa.

Năm 1368, vua nhà Trần cử Trần Thế Hưng, Đỗ Tử Bình và Phạm Nhữ Dực đem quân chinh phạt Chiêm Thành. Cuộc hành quân vừa đến  lộ Thăng Hoa thì có sứ thần Chiêm là Mục Đà Na đến xin trả lại Hóa Châu. Hai bên đang tiến hành thương thảo thì Chế Bồng Nga đem quân đánh úp. Tướng Trần Thế Hưng bị bắt. Đỗ Tử Bình và Phó tướng Phạm Nhữ Dực phải rút quân về.

Năm 1380, Chiêm Thành đem quân tấn công vào Nghệ An. Vua Trần Nghệ Tông cử Hồ Quý Ly lãnh thủy binh, Đỗ Tử Bình và Phạm Nhữ Dực lãnh bộ binh chặn đánh tan quân Chiêm ở sông Ngư Giang. Năm 1382, quân Chiêm lại tấn công Thanh Hóa, Hồ Quý Ly và Phạm Nhữ Dực vây đánh, quân Chiêm phải rút chạy. 

Đến năm 1391, tướng La Khải lên thay Chế Bồng Nga, đem binh xâm phạm Hóa Châu. Vua Trần Nghệ Tông lại cử Hồ Quý Ly và Phạm Nhữ Dực chặn đánh quân Chiêm ở Trà Bàn (Quảng Trị). Dưới thời vua Trần Thuận Tông (1388 - 1398), Phạm Nhữ Dực được phong chức Hậu quân Trung đô Dực Nghĩa hầu.

Khi Hồ Quý Ly cướp ngôi nhà Trần vào năm 1400, Phạm Nhữ Dực định đem quân về vấn tội họ Hồ nhưng chưa kịp hành động thì bị triệu về kinh. Nhận thấy chưa đủ điều kiện để chống lại họ Hồ, không nên manh động nên Phạm Nhữ Dực đành nghe theo lời Hồ Quý Ly đem quân đi bình Chiêm mở mang bờ cõi về phương nam, chờ thời cơ thuận lợi. Sau khi chiếm đất Chiêm Động và Cổ Lũy lập ra 4 châu Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa, nhà Hồ cử Phạm Nhữ Dực làm Chánh Đô án vũ sứ lộ Thăng Hoa, lo việc di dân người Việt, vỗ an người Chiêm để khai khẩn vùng đất mới. Chưa hoàn thành nhiệm vụ thì quân Minh đem quân sang đánh, bắt cha con Hồ Quý Ly vào năm 1407. Nhân chuyện này, người Chiêm đem quân lấy lại đất cũ. Phạm Nhữ Dực cùng con là Phạm Đức Đề cầm quân chống lại người Chiêm. Hai năm sau vào ngày mùng bốn tháng Mười năm Kỷ Sửu (1409), Phạm Nhữ Dực qua đời, được an táng tại làng Đồng Tràm.

Con trai trưởng của Phạm Nhữ Dực là Phạm Đức Đề cùng với Nguyễn Cảnh Chân tiếp tục sự nghiệp của ông đã quyết liệt chống lại quân Chiêm nhưng vì thế cô nên cuối cùng Nguyễn Cảnh Chân phải chạy ra Nghệ An còn Phạm Đức Đề ẩn trốn ra vùng An Trường (bắc Quảng Nam). Các cháu của Phạm Nhữ Dực (con Phạm Đức Đề) là Phạm Nhữ Dự và Phạm Đức Bối sau này cũng tham gia chống quân Minh và khi chết được chôn ở làng Đồng Tràm. Chính vì thế Phạm Nhữ Dực được xem là cao thủy tổ của họ Phạm tại vùng Quảng Nam, Quảng Ngãi ngày nay.

Sau này chắt nội của Phạm Nhữ Dực là Phạm Nhữ Tăng trở thành Tổng chỉ huy đạo quân thủy bộ của vua Lê Thánh Tông trong cuộc bình Chiêm thắng lợi năm 1471 và trở thành người quản lãnh thừa tuyên Quảng Nam (vùng đất từ nam sông Thu Bồn đến hết Bình Định ngày nay).

Phạm Nhữ Dực và làng Đồng Tràm hiện nay được xem là “ngài tiền hiền” và “làng tiền hiền” của vùng nam Quảng Nam. Và ngôi mộ của vị “Thượng tướng bình Chiêm” ở làng Đồng Tràm, xã Hương An là di tích độc đáo của thời “mở cõi” gian khó nhưng hào hùng.

LÊ THÍ

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Làng Đồng Tràm và vị tướng bình Chiêm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO