Tác phẩm, tác giả

Lắng đọng từ trang văn Nguyễn Hồng Lam

NGUYỄN TAM MỸ 25/02/2024 10:15

Tôi khá bất ngờ khi Nguyễn Hồng Lam gắn bó với mảnh đất Quảng Nam ngay sau khi tái lập tỉnh (1997). Anh có nhiều phóng sự, bút ký viết về xứ Quảng với những phận người chìm nổi. Và chúng khiến bạn đọc xúc động...

Nhà báo, nhà văn Nguyễn Hồng Lam quê Hà Tĩnh, lớn lên và đi học ở xứ Panduranga - Ninh Thuận, hiện sống và làm việc tại TP.Hồ Chí Minh.

407722017_122127815450041944_638016741219835087_n.jpg
Nguyễn Hồng Lam. Ảnh: F.B NV

Có mặt ở nơi cần

Xông xáo đi và viết đã trở thành thói quen, phong cách sống của Nguyễn Hồng Lam. Biết nhau qua Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ V-1998, nghề báo giúp tôi và Nguyễn Hồng Lam quen thân với nhau.

Còn nhớ, trước và sau khi tái lập tỉnh, nhân tai và thiên tai khiến xứ Quảng được thường xuyên nhắc đến trên mặt báo. Đó là nạn đào đãi vàng sa khoáng ở các huyện Trà My, Phước Sơn, Hiên, Giằng… Đó là trận bão lụt được ví như “cơn đại hồng thủy” xảy ra vào mùa mưa 1999. Nạn đào đãi vàng sa khoáng tràn lan kéo theo nhiều hệ lụy khôn lường.

Cùng với các đồng nghiệp, Nguyễn Hồng Lam có mặt ở Quảng Nam ngay thời điểm “nước sôi lửa bỏng” ấy. Anh bám theo các đoàn công tác của tỉnh đến những nơi bị thiên tai, vừa cứu trợ bà con trong cơn hoạn nạn, vừa để lấy tư liệu. Từ đây, những ghi chép, phóng sự… viết về Quảng Nam chống chọi với thiên tai được bạn đọc đánh giá cao.

Nguyễn Hồng Lam sinh năm Nhâm Tý - 1972. Quê quán: Cửa Sót, Đức Thọ, Hà Tĩnh. Anh là hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Đã xuất bản các tập truyện ngắn, truyện ký: Phục thiện, Chiếc cầu có đám ma đi qua, Người Sài Gòn đánh Mỹ, Đường đời trong lòng tay, Người của giang hồ, Vụ án Đồi Hoa Mai, Bản tình ca khúc khuỷu.

nguyen-hong-lam-3.ban-tinh-ca-khuc-khuyu.jpg
Nguyễn Hồng Lam ra mắt tác phẩm "Bản tình ca khúc khuỷu". Ảnh: NVCC

Dấu ấn khó phai mờ từ cây bút phóng sự của Nguyễn Hồng Lam để lại trong lòng bạn đọc khi anh viết nạn khai thác vàng sa khoáng ở Bồng Miêu và Phước Sơn.

Thời điểm ấy, Nguyễn Hồng Lam “đơn thương độc mã” vào “hang hùm” gặp gỡ các tay anh chị, dám đi thực tế giữa ma trận hầm vàng. Nếu chẳng may sẩy chân, mạng sống coi như không còn. Những phóng sự điều tra, phóng sự về đời sống cửu vạn hầm vàng... đã ghi dấu ấn về “cây phóng sự” Nguyễn Hồng Lam.

Cho đến bây giờ, ngồi cà phê nhớ lại một thời đã qua, không ít bạn bè tôi vẫn nhắc đến những phóng sự của Nguyễn Hồng Lam. Những góc khuất về đời sống phu vàng, những mảng miếng của một miền núi xứ Quảng hiện rõ trong từng bài báo mang tên tác giả Nguyễn Hồng Lam.

Trang văn đẫm tình người

Dù viết truyện ngắn hay truyện ký, những trang văn của Nguyễn Hồng Lam luôn có sức lay động lòng người. Anh nói, nghề báo giúp anh đi khắp nơi, có điều kiện gặp gỡ nhiều người ở các giai tầng trong xã hội.

Trong đó, những người có hoàn cảnh éo le, có số phận không may mắn luôn khiến anh đau đáu và muốn chuyển tải câu chuyện họ qua ngôn ngữ của mình.

Vốn sống phong phú, vốn kiến thức rộng và sâu, lại thêm cách viết nhẩn nha cùng lối dẫn dắt hấp dẫn, từng trang sách của Nguyễn Hồng Lam như “bỏ bùa mê” với bạn đọc.

Truyện ký “Ballade nơi dòng sông không chảy” của anh, mô tả câu chuyện của anh em Hoàng Văn Viên, Hoàng Thanh Phong và ba người em nữa bị mù bẩm sinh, cư ngụ nơi “hốc núi heo hút cạnh đường mòn Hồ Chí Minh” ở làng Thanh Lạng, xã Thanh Hóa, huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình. Bị mù bẩm sinh nhưng hàng ngày họ vẫn đi bửa củi, mò cua bắt ốc mưu sinh.

Họ mê âm nhạc, Viên hát rất hay, chơi trống điêu luyện, còn Phong tự chế cây đàn bầu để chơi. “Đám tang nào cũng có Viên gõ trống, Phong chơi đàn bầu, thức trắng đêm trải lòng ra réo rắt cùng gia chủ”.

Nguyễn Hồng Lam viết tiếp: “Một tháng đủ 30 đêm, cứ cơm chiều xong là Viên lầm lũi rời nhà, quá nửa đêm mới chịu về. Viên đi thì tất nhiên Phong cũng đi để có bờ vai cho ông anh đặt tay. Bà Nguyễn Thị Út, mẹ của họ, ngăn cấm thế nào, năn nỉ thế nào, hai anh em cũng chẳng nghe”.

423422732_2157598551250764_2092319416910239639_n.jpg
Tác phẩm của Nguyễn Hồng Lam. Ảnh: N.T.M

Nguyễn Hồng Lam sáng tác với rất nhiều dạng đề tài. Và mảng nào anh cũng gặt hái thành công. Với truyện ngắn, dù viết về tình yêu đôi lứa, tình yêu quê hương đất nước hay nhân tình thế thái, những trang văn của anh vừa mượt mà giàu chất thơ, lại vừa sâu lắng trầm buồn.

Ở truyện ký, ngòi bút tung tẩy cùng những linh hoạt với các tình tiết hấp dẫn là thế mạnh của Nguyễn Hồng Lam.

Đặc biệt, những tập truyện ký viết về câu chuyện của những tay anh chị từng chia địa bàn cát cứ ở miền Nam trước ngày giải phóng (Người của giang hồ) hay những vụ án từng gây xôn xao dư luận được Nguyễn Hồng Lam kể lại lôi cuốn người đọc từ trang đầu tiên đến trang cuối cùng (Vụ án đồi Hoa Mai).

Tầng vỉa văn hóa xứ Quảng

Tôi hỏi Nguyễn Hồng Lam: “Quảng Nam có gì hấp dẫn khiến anh thường hay đi về?”. Anh cười, nói: “Người Quảng thật thà chất phác, lại cực kỳ hiếu khách.

Còn đất Quảng là “mỏ vàng” đối với người cầm bút. Đất Quảng có bề dày trầm tích văn hóa lịch sử với những tầng vỉa vô cùng độc đáo, tha hồ tìm hiểu để viết...”.

nguyen-hong-lam-2.phu-luc.jpg
Nguyễn Hồng Lam giao lưu cùng độc giả. Ảnh: NVCC

Rồi anh bảo với tôi, ông là dân Quảng, chịu khó đào xới sẽ có tác phẩm được bạn đọc yêu thích. Từ lời khuyên của anh, tôi tìm hiểu và viết cuốn tiểu thuyết “Máu và tội ác”. Tác phẩm này sau đó nhận được nhiều giải thưởng từ các cấp khác nhau.

Còn anh, sau những lần đi về Quảng Nam, nhiều tác phẩm liên quan đến mảnh đất này xuất hiện trong tập “Đường đời trong lòng tay” và “Bản tình ca khúc khuỷu”.

Từ những nhân vật có thật trong vụ thảm sát Cây Cốc (xã Tiên Thọ, huyện Tiên Phước), truyện Nguyễn Hồng Lam gần như đã dựng lại được bối cảnh lẫn cảm xúc của người xứ Quảng bấy giờ.

Đọc truyện ký “Hai người đàn bà xóm Cồn” trong tập “Bản tình ca khúc khuỷu”, tôi nghẹn lòng với hoàn cảnh của bà Gặp và bà Toán. Cả hai có chồng đi tập kết ra Bắc. Khi nước nhà thống nhất, họ trở về thì cả hai đã qua thời tuổi trẻ, không còn khả năng làm mẹ.

Và họ đã quyết định “nhường chồng” cho người khác để sống một cuộc đời đơn côi lặng lẽ… Họ, là rất đông người đàn bà thời loạn của xứ Quảng.

Nguyễn Hồng Lam nói rằng, đã đến lúc anh cần in một cuốn sách dày dặn về chân dung văn nghệ sĩ, dạng lát cắt về những người anh, người chị, người bạn của mình trong nghề cầm bút và trong làng sáng tạo.

Anh tiết lộ: “Hơn cả những hoài niệm riêng tư, cuốn sách sẽ là một nguồn tư liệu văn chương “không đụng hàng” độc đáo”. Cả tôi - một người bạn viết của anh, lẫn những bạn đọc gần xa, vẫn đang mong ngóng tác phẩm mới anh sẽ trình làng.

Bởi, Nguyễn Hồng Lam đã là cái tên bảo chứng cho những tác phẩm văn chương hấp dẫn...

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Lắng đọng từ trang văn Nguyễn Hồng Lam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO