Làng gần Suối Tiên

LÊ TRÂM 20/03/2018 14:30

1. Nhiều khi không hiểu ngày trước người ta đặt tên làng xã theo quy ước nào, dựa vào địa hình, dựa vào tên người, dựa vào địa thế hay dựa vào… sự ngẫu hứng? Một thời chưa xa, nằm chính giữa cung đường chạy từ quốc lộ 1 lên đèo Le là hai xã Sơn Thượng và Sơn Trung (tức xã Quế Thuận và Quế Hiệp bây giờ).

Vùng đồi núi Quế Hiệp. ẢNH: C.NỮ
Vùng đồi núi Quế Hiệp. ẢNH: C.NỮ

Cái xã nằm sát trong núi, dưới chân dãy Hòn Tàu, mang tên Sơn Trung, còn xã nằm ngay trên tuyến đường ĐT611 lại mang tên… Sơn Thượng! Và nơi ấy chẳng có ngọn núi nào! Có người lý giải rằng có thể do những người từ Thanh Nghệ đã vào vùng Sơn Trung ấy trước. Họ khai hoang, vỡ đất, cất nhà… và sinh sống. Hồi ấy, chắc các nơi khác đều là núi cao, rừng sâu nên với họ mọi vùng khác đều trở nên xa xôi. Sau này, họ lần hồi mở rộng ra xung quanh. Trong đó có vùng đất mang tên Sơn Thượng chính vì cái sự xa xôi ấy (?). Chính vùng đất mang tên Sơn Trung một thời có làng Lộc Đại, Nghi Thượng và Suối Tiên - những địa danh có nhiều đặc điểm khó lẫn với nơi khác.

2. Nhớ lần đầu về huyện Quế Sơn công tác, ấn tượng nhất vẫn là lần đầu tiên nghe cậu học sinh của lớp bồi dưỡng học sinh giỏi toán cấp huyện nói chuyện. Thật ngạc nhiên. Hỏi em từ Sài Gòn về quê học à? Em cũng ngạc nhiên không kém trước câu hỏi của tôi. Dạ không, em ở đây từ nhỏ mà thầy! Sao giọng nói của em…? Em cười rất tươi. Dạ, em ở Lộc Đại… Em nói, như là đang tiếp tục khẳng định điều gì đấy đã trở thành tất yếu! Là sao? Có một làng ở Quế Sơn toàn nói tiếng Sài Gòn? Ấy là năm 1982, khi tôi bắt đầu về công tác ở phòng Giáo dục Quế Sơn. Có nhiều lý giải về cái làng kỳ lạ ấy. Có cả lý do giọng nói ấy là do ở nguồn nước. Có cả bởi sự dịch chuyển của một cộng đồng dân cư. Có cả câu chuyện sống khá cô lập kéo dài nhiều năm của cư dân nơi ấy… Nhưng mọi thứ vẫn cứ mơ mơ hồ hồ, ngoài cái giọng nói là lạ kia. Bây giờ, những người dân Lộc Đại đã đi khắp nơi, đã tiếp xúc, giao lưu văn hóa với bao nhiêu vùng đất mà thật lạ, họ vẫn giữ được tiếng nói đặc biệt của nơi chốn mình sinh ra. Còn cái anh chàng học trò ấy đi học sư phạm rồi ra trường dạy học chính trên quê hương của mình. Và vẫn nói giọng Sài Gòn kiểu Lộc Đại!

3. Khi chưa có con đường men theo suối, muốn vào Suối Tiên phải lội ngược dòng. Vùng ven suối toàn dứa dại và dây leo chằng chịt. Muốn lên các thác nước phải lội ngược dòng suối, len lỏi giữa các vòm dứa dại và dây leo um tùm. Đường khó đi nhưng không khí rất mát và tạo được cảm giác mới mẻ cho những người thích khám phá. Thỉnh thoảng lại hiện ra trước mắt một vũng nước rộng, xanh ngát. Từ vách đá nước đổ xuống ầm ào thành cái thác trắng xóa. Đó là những chỗ rất hợp với việc bơi lội của du khách. Nghe nói thác có đến mười hai tầng. Ngửa mặt lên chỉ thấy trời xanh. Lội ngược lên thác cứ như đang ngược mười hai tầng trời vậy! Và Suối Tiên có thể đi bằng hai ngả. Hoặc từ ngã ba Hương An rẽ lên theo tỉnh lộ 611 cỡ 9, 10 cây, gần đến cầu Chợ Đụn thì rẽ phải theo con đường vào quán mỳ Quảng Năm Ngàn. Suối Tiên ở cuối con đường vào núi ấy. Hoặc con đường mới mở từ làng Phú Trang (phía trong cầu Bà Rén vài trăm mét) đi theo con đường bê tông, qua chợ Gò Dê, vượt đèo Đòn Gánh, qua khỏi làng Nghi Sơn là tới nơi. Gọi là đèo nhưng sau khi hạ độ cao, Đòn Gánh chỉ như một con dốc! Đường này gần hơn, chỉ hơn chục cây số là tới suối. Đường vắng và dễ đi.

Ngày trước, Nghi Thượng là một làng bị cô lập bởi tứ bề là núi cao, rừng sâu. Và ở trên một độ cao khá lớn so với các làng xung quanh. Muốn lên Nghi Thượng phải qua đèo Hố Cuông ngoằn ngoèo dài độ 2km. Ở đó, một thời còn lưu dấu những nét xưa cũ của thời cha ông đi mở đất. Có đình làng, có miếu Sơn thần, và nhiều tục lệ khác lạ. Làng có lễ hội Khai sơn tổ chức vào dịp tết. Trước kia, lễ hội tổ chức ba ngày bắt đầu vào chiều mùng 7 và kết thúc vào ngày mùng 8 tết với các đêm hát bội và các trò chơi dân gian như: hô hát bài chòi, nấu cơm thi, kéo co... Sau này, lễ hội chỉ còn diễn ra trong ngày mùng 8 và các trò chơi dân gian cũng không còn nữa.

Suối Tiên là một địa điểm đẹp rất thích hợp cho việc khai thác du lịch. Tuy nhiên, dù địa phương đã nhiều lần tổ chức triển khai nhiều dự án du lịch nhưng vẫn chưa thu hút được du khách. Việc mở con đường mới, ngắn hơn, từ Quế Xuân lên Quế Hiệp là sự đầu tư lớn để vùng này phát triển. Có điều, đường đã đưa vào sử dụng nhiều năm rồi nhưng khu du lịch Suối Tiên thì vẫn đằm đằm, chưa có sự thay đổi nào đáng kể. Suối Tiên hình như vẫn đang chờ đợi các nhà đầu tư mới!

LÊ TRÂM

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Làng gần Suối Tiên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO