Văn hóa

Làng gốm cổ bên thung lũng K’ool

THÀNH CÔNG - ALĂNG NGƯỚC 02/02/2024 14:21

Giữa thung sâu, có một cánh đồng ruộng bậc thang trải dài bên cạnh làng K’noonh (xã Axan, Tây Giang). Đó cũng là mỏ đất sét quý giá, nơi từng tồn tại một làng gốm cổ độc đáo và khác lạ so với những làng gốm khác: làng gốm K’noonh.

tnb-62309-02.jpg
Những chiếc bình gốm do người làng K’noonh chế tác được cất giữ trong gươl làng. Ảnh: C.N

Nghệ nhân của làng

Cụ Bhling Truốh ngồi đó, bên nong lúa phơi dưới cái nắng ấm vùng biên. Thời gian tạc khắc vô vàn vết nhăn trên gương mặt cụ, nhưng ánh nhìn của bà còn sáng. May mắn, bà vẫn còn có thể kể lại ký ức của làng gốm cổ một thời.

Cụ Truốh chẳng nhớ nổi nghề làm gốm có ở làng từ bao giờ. Khi cụ “nhìn thấy mặt trời”, dân làng đã biết làm gốm. Nhỏ, là những cái nồi đất, nồi nước. Lớn hơn một chút là những chum gốm đựng lúa, đựng thổ cẩm. Bà cũng chẳng đếm nổi mình đã làm được bao nhiêu thứ đồ gốm trong suốt cuộc đời.

Người K’noonh không có bàn xoay gốm. Họ nặn từng chiếc nồi đất bằng cách đi vòng quanh, như cách làm gốm của người Chăm. Rất lạ. Cụ Truôh không biết được ai đã dạy dân làng làm gốm, có “liên hệ” gì đến cách làm gốm của người Chăm không, chỉ quả quyết rằng gốm K’noonh đã đi khắp miệt rừng này, sang cả tận những bản làng bên Lào.

“Thời còn khỏe, tôi gùi gốm đi khắp nơi, đổi lấy gạo, sắn, lấy cả những tấm thổ cẩm và mã não. Chỉ có mỗi một làng này biết làm gốm, và dùng gốm để đổi lấy những thứ mình cần. Chỉ trừ tiền, vì khi đó không ai dùng đến tiền” - cụ Truốh kể.

Đã có rất nhiều câu hỏi về sự ra đời của nghề gốm ở K’noonh, ai đã truyền dạy cho những người Cơ Tu cách làm gốm? Mọi giả thuyết chỉ là... giả thuyết. Làng gốm đã từng tồn tại, mặc nhiên, lẫn chút gì đó thần bí thẳm sâu, như rừng.

Người K’noonh không xây dựng lò nung gốm. Cụ Truốh chỉ ngược lên triền đồi, nơi có một rừng thông. Đất sét lấy từ cánh đồng K’ool gần đó, được đưa về nhào nặn để ra từng cái nồi đất, từng cái chum gốm.

Rồi họ dồn tất cả thành phẩm lại một chỗ, nhặt gỗ thông phủ lên và đốt. Những “lò nung” di động ấy cho ra rất nhiều mẻ gốm. Cái nào lành lặn, không nứt vỡ sẽ theo những đôi chân trần của đàn ông, đàn bà rong ruổi khắp miền rừng, theo cuộc giao thương.

“Bây giờ già quá rồi, đi còn không nổi, amế (mẹ) không còn tự cầm nổi chày để giã đất sét, không đứng vững để có thể nặn gốm vừa mịn, vừa đều đẹp như ngày trước. Cũng đã lâu lắm rồi, không có ai làm gốm nữa. Người ta chỉ mất vài phút đi ra chợ trung tâm xã là mua được nồi sắt, nồi nhôm, đâu ai cần dùng đến nồi đất, chum đất nữa” - cụ Truốh nói.

Thả trôi đâu đó theo cái nhìn ngược lên phía đồi thông, là những tháng ngày lướt nhanh trong trí nhớ. Những tháng ngày của gian khó...

Truyền dạy tinh hoa

Ở gươl làng K’noonh vẫn còn rất nhiều đồ gốm cổ. Những chiếc bình gốm xỉn màu, ám khói. Có cả một bộ “chân kiềng” bé xinh để nấu nước, và cả những bình gốm cỡ lớn để đựng thổ cẩm, đựng lúa.

tnb-62309-03.jpg
Cụ Truốh (giữa) truyền dạy về cách làm gốm cổ của làng K’noonh. ẢNH: C.N

Người làng vẫn giữ lấy những thứ thuộc về quá vãng, như cách để nhắc nhớ về làng gốm cổ của một thời. Làng gốm cổ độc đáo, và duy nhất, niềm tự hào của rất nhiều người dân ở làng.

Ông Bhling Nôi - Bí thư Chi bộ thôn K’noonh nói, năm 2019, khoảng 10 người dân trong làng được huy động để khôi phục nghề làm gốm, dưới sự chỉ dẫn của cụ Truốh và những người già.

Trong gươl, có một số đồ gốm được làm thành công, cất giữ cùng với những đồ gốm cổ. Một bảo tàng của hồi ức. Người làng còn cẩn thận ghi rõ tên của từng loại vật dụng, hàm nghĩa tri ân chúng sau thời gian gắn bó với người làng.

Đa số đồ gốm được cất giữ là do chính tay cụ Bh’ling Truốh làm ra từ đất sét. Thứ đất sét vàng nhạt, rất dẻo lấy từ cánh đồng K’ool được đặt lên các phiến đá, rồi người làng đi vòng quanh, nặn chuốt từng phần một, tỉ mẩn.

Từ sự chỉ dạy của cụ, những người làng cũng làm được mấy chiếc chum, bình gốm. Chúng tôi nhấc thử những chiếc bình mới, rồi lại cầm những chiếc bình gốm cổ còn cất trong gươl. Gốm cổ rất nhẹ. Không ai có đủ kỹ năng để làm được những chiếc nồi gốm, bình gốm tinh xảo và nhẹ như cụ Truốh.

“Chúng tôi được cụ ngồi bên chỉ dẫn, cũng đã cố gắng hết sức, nhưng vẫn không có cách nào nặn được những chiếc bình mỏng nhẹ nhưng chắc chắn như cụ đã làm. Rất khó. Phải rất đều tay, và cũng phải nhào nặn để đất sét nhuyễn mịn nữa. Một số cái mỏng hơn một chút, đem lên nung đã bị vỡ. Làm gốm không hề đơn giản” - chị Zơrâm Thị Nhối, người làng K’noonh kể. Đã một thời, đồ gốm của làng góp mặt trong những thứ tặng phẩm làm “của hồi môn” cho con gái về nhà chồng.

Không thể để mất mát những tinh hoa của nghệ nhân làng gốm, mới đây, UBND huyện Tây Giang cũng đã tính toán để xây dựng đề án phục dựng nghề làm gốm ở K’noong. Cụ Truốh sẽ là người truyền dạy. Chưa ai phong cho cụ Truốh là “nghệ nhân”, nhưng trong cái cười hiền của cụ, hình như danh xưng ấy nhẹ bẫng như gió đang thổi xào xạc trên đồi thông, rồi bay đi.

Cụ chỉ ao ước cháu con mình giữ lấy nghề làm gốm, giữ lấy niềm tự hào một thời của người làng. Như cái cách gốm cổ K’noonh từng lặng lẽ đi khắp miệt rừng, hiện diện trong từng căn bếp, trong cuộc sinh tồn ở núi...

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Làng gốm cổ bên thung lũng K’ool
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO