Văn hóa

Làng gốm cổ chuyển mình

XUÂN HUY 01/02/2024 21:27

Có thể nói, cách thức tồn tại hiệu quả nhất của một làng nghề truyền thống là không bao giờ ngừng thay đổi, cải tiến mẫu mã, ứng dụng vào nhu cầu thực tế Để sản phẩm tìm được chỗ đứng trên thị trường.

tnb-62018-05.jpg
Một nghệ nhân điêu khắc Bàu Trúc bên bàn chế tác. Ảnh: X.H

Chuyện Bàu Trúc và Bình Đức…

Khi nói đến gốm đất nung Chăm, thường người ta nghĩ đến gốm làng Bàu Trúc (thuộc làng Bàu Trúc, Ninh Phước, Ninh Thuận), dù gốm đất nung Chăm hiện còn sản xuất ở làng Bình Đức (Bắc Bình, Bình Thuận).

Cả 2 làng đều lưu giữ những phương thức sản xuất truyền thống cổ xưa, và nghệ thuật làm gốm 2 làng này đều đã được UNESCO công nhận là Di sản phi vật thể của nhân loại vào tháng 11/2022.

Đứng trước sự thay đổi theo thị trường, yếu tố “100% handmade” cũng đang đối diện những thách thức quan trọng, khi ngày càng có nhiều công cụ hỗ trợ và những lò nung hiện đại hơn. Làm sao cân đối 2 yếu tố đáp ứng nhu cầu thị trường hiện đại mà vẫn giữ những đặc điểm của phương thức sản xuất ngàn xưa còn lưu lại luôn là trăn trở của những nhà phát triển gốm Chăm tâm huyết.

Sự khác biệt của Bàu Trúc và Bình Đức không phải là nghệ thuật làm gốm, mà dường như hình ảnh truyền thông, số lượng nghệ nhân và sự cải tiến mẫu mã trong vài chục năm qua có sự khác biệt khá rõ.

Có thể dễ dàng nhận thấy những nghệ nhân của Bàu Trúc như Đàng Thị Vệ, Đàng Thị Phan, Đàng Năng Thọ, Đàng Xem,… cùng hình ảnh làng gốm Bàu Trúc xuất hiện khá nhiều trên các phương tiện truyền thông.

Theo đó, gốm đất nung Bàu Trúc đã có nhiều đợt chuyển mình về mẫu mã trong vài chục năm qua. Trong khi “người anh em” Bình Đức có phần chuyển dịch chậm hơn. Các sản phẩm gốm mỹ thuật ứng dụng của Bình Đức còn tương đối hạn chế bên cạnh các sản phẩm đất nung gia dụng có từ ngàn xưa như nồi, niêu, lò bánh,…

tnb-62018(1).jpg
Tiên nữ Apsara - hình ảnh phổ biến của văn hóa Chăm. Ảnh: X.H

Ngược về lịch sử, các làng gốm đất nung Chăm tại Ninh Thuận và Bình Thuận được cho là xuất hiện từ thế kỷ thứ 12 với mục tiêu ban đầu vẫn là sản xuất gốm đất nung phục vụ sinh hoạt của người dân như vò, lu, nồi, niêu, cùng một số sản phẩm phục vụ đời sống văn hóa, tâm linh tại địa phương. Nên có thể xem đồ bếp đất là các sản phẩm truyền thống, xưa nhất của gốm đất nung Chăm.

Nhưng khoảng thập niên 1990, gốm Chăm Bàu Trúc được công chúng chú ý hơn nhờ báo chí. Sau đó, triển lãm của nhà thiết kế Sỹ Hoàng tại TP.Hồ Chí Minh cuối thập niên 1990 gây chú ý với các chum vại, bình, lọ,… được thiết kế riêng, gia công thêm các chất liệu thổ cẩm, đính cườm,… lên cổ.

Triển lãm được báo chí thời ấy mô tả là thành công, sản phẩm đã bán hết ngay trong và sau triển lãm. Theo nhà thiết kế Sỹ Hoàng, có những chiếc chum độc bản bán được hơn chục triệu đồng, là giá rất tốt vào thời điểm đó với một sản phẩm thủ công mỹ nghệ.

Nhưng ông cho rằng, triển lãm không là chuyện kinh doanh, mà là tình cảm ông muốn dành tôn vinh những nghệ nhân nơi làng Bàu Trúc - ngôi làng mà trước đó ông là một thực tập sinh ăn ở, trải nghiệm.

Bên cạnh đó, triển lãm là một cú hích, để nghệ nhân và công chúng thấy được, những sản phẩm thủ công vốn không có nhiều giá trị (tại nơi sản xuất) lúc ấy, nếu được cải tiến ứng dụng, được đặt vào những vị trí hợp lý sẽ rất có giá trị.

Bàu Trúc có cộng đồng nghệ nhân và các hộ sản xuất tập trung đông, với chất đất sét sông Quao dẻo và được cộng đồng chú ý nhiều hơn,… đã trải qua những đợt cải tiến mẫu mã sau “cột mốc” triển lãm của nhà thiết kế Sỹ Hoàng.

Sau triển lãm này, khoảng đầu thập niên 2000, nhiều thương lái xa đã về tận nơi để đặt hàng, người thợ gốm có thể sống sung túc. Kéo theo đó là một làn sóng cải tiến mẫu mã để đáp ứng nhu cầu thị trường.

Giai đoạn này, các chum vại đất nung hay thác nước phong thủy phục vụ décor sân vườn, bình hoa được sản xuất nhiều. Bên cạnh đó, là các sản phẩm văn hóa, tâm linh khá “căn bản” của người Chăm như tiên nữ Apsara, thần Shiva, phúc thần Ganesha, mô hình tháp, Po Nagar, Linga – Yoni,… được sản xuất và lưu hành nhiều hơn trước.

Một số nghệ nhân điêu khắc như Đàng Năng Thọ, Đàng Xem,… trong giai đoạn này cũng định hình được tên tuổi thông qua các tác phẩm sáng tác.

tnb-62018-07(1).jpg
Những bức tượng vô ưu được ưa chuộng trong nhịp sống hiện đại. Ảnh: X.H

“Nâng cấp” mình để tồn tại

Sau nhiều năm phát triển, thị trường bão hòa, đến khoảng đầu thập niên 2010, gốm Chăm Bàu Trúc cũng trở nên “nhàm” vì không có nhiều chuyển biến về mẫu mã hay ứng dụng mới. Làng nghề đứng trước thử thách vì số lượng nghệ nhân bắt đầu sụt giảm, bỏ nghề.
Những khó khăn đó buộc làng nghề này có một cuộc “nâng cấp” mình để vượt qua thử thách.

Theo đó, từ năm 2015, gốm Chăm Bàu Trúc xuất hiện một số người trẻ yêu mến và dấn thân thay đổi mẫu mã cũng như tìm thị trường mới, khác trước.

Thị trường gốm Chăm được rộng mở hơn với những thể nghiệm tích cực, mang lại hiệu quả như bắt đầu chế tác tượng Phật - khi chất liệu đất nung và phương thức nung rơm lộ thiên mang tính tùy duyên cao đã tỏ ra rất phù hợp.

Các bức tượng Phật Bàu Trúc hiện được xem là những sản phẩm có hồn bậc nhất trong dòng tượng Phật gốm đất nung cả nước. Tay nghề của những thợ điêu khắc trẻ kế cận đã có những bước tiến sau một thời gian chịu thử thách trước yêu cầu thị trường.

Cùng với đó, dòng sản phẩm văn hóa tâm linh Chăm cũng đã có những phát triển chiều sâu hơn. Không chỉ hài lòng với những tượng căn bản như trước đây, gốm Chăm Bàu Trúc đã “kể” những câu chuyện sâu hơn, rộng hơn như chim thần Garuda, rắn Naga, nữ thần thi ca Sarasvati, thần khỉ Hanuman,…

Các mẫu tượng đáng chú ý như thần thời gian Kala ở thánh địa Mỹ Sơn, Mahishasura Mardini trong Bảo tàng điêu khắc Chăm Đà Nẵng cũng được phục chế.

Việc phục chế mẫu vật trưng bày giúp những câu chuyện văn hóa Chăm được lan tỏa, đến gần hơn với những nhà sưu tập trong cả nước. Dù các mẫu phục chế vẫn còn nhiều hạn chế về tay nghề điêu khắc vì các nghệ nhân Chăm phần lớn tay ngang không qua trường lớp, nhưng cũng đã đáp ứng phần nào nhu cầu thị trường.

Hiện nay, nghệ nhân Chăm trẻ có nhiều mẫu mã phục chế các linh vật Chăm lẫn Việt như Gajasimha, rồng đời Lý, rồng đời Lê, ngỗng Hamsa, chim Hoàng, nghê,… Với những cổ vật - linh vật phục chế, gốm Chăm với chất liệu mộc mạc, biến hóa đa dạng đã tỏ ra có lợi thế nhất định về mặt cảm xúc và yếu tố mỹ thuật so với các sản phẩm cùng mẫu khác chất liệu trên thị trường.

Một trong những thay đổi quan trọng của gốm Chăm hiện nay so với trước, ngoài yếu tố mẫu mã đa dạng và tinh xảo hơn, còn là ứng dụng các kênh truyền thông hiện đại để truyền tải nội dung, thuyết minh sản phẩm như kênh thương mại điện tử hay các mạng xã hội (Tik tok, Facebook, Zalo,…).

Chính câu chuyện sản phẩm đi cùng hình ảnh được đầu tư chỉn chu hơn đã mở ra kênh phân phối online, tăng đầu ra đáng kể hơn so với phương thức phân phối offline trước đây. Khách hàng hiểu được ý nghĩa sản phẩm cặn kẽ, dễ dàng lựa chọn mua sản phẩm.

Có thể khẳng định, với những chuyển biến gần đây, gốm Chăm đã có nguồn động lực và sinh khí mới, với những nhà tổ chức sản xuất cũng như đội ngũ nghệ nhân trẻ, chịu thay đổi và ham học hỏi hơn. Việc có thị trường và thu nhập tốt hơn, đồng nghĩa với nhiều người trẻ gắn bó duy trì nghề hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Làng gốm cổ chuyển mình
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO