Làng Lạc Câu xưa

HY GIANG 20/05/2023 05:16

Toạ lạc ở vị trí khá quan trọng, Lạc Câu là một ngôi làng lâu đời, mang những dấu ấn quan trọng về lịch sử, văn hóa, tôn giáo của xứ Quảng xưa.

Vị trí xã Lạc Câu trên Lễ Dương huyện đồ trong sách Đồng Khánh dư địa chí.
Vị trí xã Lạc Câu trên Lễ Dương huyện đồ trong sách Đồng Khánh dư địa chí.

Làng cổ ven bờ Trường Giang

Vào khoảng thế kỷ 14, theo Bản Phổ chí Phan tộc hai xã Đà Sơn - Đà Ly (1806), có thể nơi đây “người Chăm ở lại” và cộng cư cùng người Việt từ phía bắc đến. Làng Lạc Câu lúc đó có tên là Đà Câu, nơi con trai trưởng ông Phan Công Thiên là Phan Công Chánh dựng công phủ. Con cháu các chi phái tộc Phan còn sinh sống khá đông ở làng phần nào là minh chứng cho quá trình cộng cư này.

Chưa rõ Đà Câu đổi thành Lạc Câu khi nào nhưng đến thế kỷ 18 đã thấy có Lạc Câu xã, Lạc Câu xứ xuất hiện trong các bản in khắc ván kinh sách Phật giáo. Như trong bản in Di Đà sớ sao (năm 1766) ghi: “Tỳ kheo trên Chí dưới Bảo hòa thượng trụ trì chùa Bảo Lâm xã Lạc Câu (駱駒社寳林寺), huyện Diên Khánh, hai phủ Thăng Hoa, Điện Bàn, xứ Quảng Nam, nước Đại Việt thành tâm san khắc một bộ Di Đà kinh sớ sao” (theo Thích Đồng Dưỡng, “Chùa Bảo Lâm và Thiền sư Thiệt Uyên Chí Báo”, Phật giáo Quảng Nam, 1/2023, tr.71 - 73).

Sách Phủ biên tạp lục (1776) chép xã Lạc Câu thuộc tổng Mông Lãnh, huyện Diên Khánh và phường Lạc Câu ở thuộc Tân dân đều thuộc phủ Điện Bàn, xứ Quảng Nam.

Đến đầu thế kỷ 19, căn cứ vào địa bạ (1815), xã Lạc Câu thuộc về tổng An Thạnh Hạ, huyện Lễ Dương, phủ Thăng Hoa (Ký hiệu số 12459, lưu tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I). Như vậy, đến lúc này, Lạc Câu không còn thuộc phủ Điện Bàn nữa mà được nhập về phủ Thăng Hoa. Nó phản ánh lần cải đặt hành chính quy mô lớn và quy củ hơn đối với làng xã ở hai phủ Thăng - Điện của Quảng Nam so với thời kỳ trước.

Theo địa bạ, Lạc Câu có diện tích 1.204 mẫu 4 sào 10 thước 3 tấc, xếp vào hàng “đại xã” của Quảng Nam xưa. Đất rừng và cát trắng chiếm hơn nửa diện tích của làng. Về tứ cận, đông giáp Bình An Thượng xã Hà Bạc thôn, xã Đông Sơn của tổng Tân An, thuộc Hà Bạc; tây giáp sông, phường Hội Sơn, Hoa An xã Phước Sơn; nam giáp xã Trà Đóa và Bắc giáp xã Hoa Sơn An Viên, phường Hội Sơn, Hoa An xã Phước Sơn. Với mô tả đó, làng Lạc Câu xưa có địa giới khá rộng mà địa bàn chính nay là thôn Lạc Câu, xã Bình Dương, huyện Thăng Bình.

Đến cuối thế kỷ 19, theo sách Đồng Khánh dư địa chí thì xã Lạc Câu vẫn thuộc tổng An Thạnh Hạ, huyện Lễ Dương. Trong sách còn có Lễ Dương huyện đồ ghi rõ vị trí xã Lạc Câu nằm ven sông trên bản đồ của toàn huyện.

Dấu ấn sâu sắc về quá trình cộng cư

Nhờ nằm trên bờ sông Trường Giang, theo đường sông về phía bắc, ghe thuyền từ Lạc Câu có thể đến Bàn Thạch, Trà Nhiêu, Hội An, Cửa Đại; về phía nam xuôi xuống cửa Lở, cửa An Hòa. Thêm vào đó, từ làng Lạc Câu chảy thông ra phía biển là con khe nối liền sông Trường Giang với cửa Khe - Tân An. Thời chúa Nguyễn, vùng Lạc Câu, Dục Thúy có Bến Tàu với đội tàu hay các ghe bầu thường xuyên ra vào cửa biển này (Di cảo Châu Ái Nguyễn Bội Liên, tr.101 - 102). Địa bạ cũng cho biết tại đây có một bến đò ngang, nhờ vậy việc đi lại trên đường bộ giữa các làng theo chiều đông - tây cũng khá thuận lợi.

Điều kiện giao thông như trên đã thúc đẩy việc hình thành khu vực cộng cư đa dạng và hoạt động giao thương khá sôi động ở phía Nam Quảng Nam với vai trò quan trọng của Lạc Câu. Nơi đây, bên cạnh cư dân gốc Chăm cộng cư cùng người Việt từ phía bắc đến trong buổi đầu, thời gian sau đó người Hoa cũng có mặt.

Vào khoảng giữa thế kỷ 18, qua các Bảng kê dân đinh xã Minh Hương năm 1746, 1747 và 1788 đều thấy có người Hoa cư trú tại xã Lạc Câu: năm 1746, 1747 có 4 người, đến năm 1788 có 17 người (Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An, Tư liệu xã Minh Hương, Quyển 1, tr.146, 148, 152). Trong so sánh với các địa phương khác, đương thời Lạc Câu là làng có nhiều người Hoa sinh sống nhất của huyện Lễ Dương, phủ Thăng Hoa, cũng là một trong số ít làng xã của Quảng Nam nằm cách xa cảng thị Hội An mà người Hoa cư trú khá đông.

Đến đầu thế kỷ 19, qua việc đứng tên khai bạ gồm các tộc Dương Đức (2 vị), Phan Đức (7 vị), Phan Văn (1 vị), Lê Đức (1 vị), Võ Văn (1 vị), Nguyễn Văn (1 vị) cho thấy ở Lạc Câu vẫn là bức tranh cộng cư đa dạng với khá nhiều tộc họ trong làng.

Chùa Bảo Lâm

Trước đây, về vị trí của chùa Bảo Lâm, có ý kiến cho rằng  “nguyên tại thôn Mỹ Lại, xã Sơn Mỹ, nay là thôn Khê Ba, xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi” (Lê Vinh Bổn, Lược sử Phật giáo và những ngôi chùa Quảng Ngãi, tr.101). Nhưng nghiên cứu mới công bố trên tập san Phật giáo Quảng Nam của Đại đức Thích Đồng Dưỡng đã trưng ra các tư liệu gốc, đều ghi chùa Bảo Lâm thuộc xã Lạc Câu huyện Diên Khánh, xứ Quảng Nam với vị trụ trì là Hòa thượng Chí Bảo chứ không phải Hòa thượng Chí Bảo khai sơn chùa Bảo Lâm tại Quảng Ngãi.

Chùa Bảo Lâm lập khoảng đầu thế kỷ 18, là ngôi chùa có quy mô khá lớn. Đáng tiếc, trên thực địa, chùa đã mất dấu tích, chỉ còn các bản in kinh sách cũ ghi chép tên chùa cùng Hòa thượng Thiệt Uyên Chí Bảo. Khoảng giữa thế kỷ 18 chùa còn hoạt động rất mạnh, nhưng đến địa bạ (đầu thế kỷ 19) thì không thấy ghi trong làng có đất chùa nào mà chỉ còn thấy lưu được 2 xứ đất Gò Đình - Gò Chùa “đất hạng nhất 2 mẫu”, cho phép xác định chùa đã bị triệt phá vào thời Tây Sơn.

Chùa Bảo Lâm là cơ sở ấn loát kinh sách quy mô lớn của Phật giáo Quảng Nam xưa. Tại Hội An, vào thế kỷ 18, chỉ có chùa Chúc Thánh, Vạn Đức, Bửu Long, Cẩm An, Hội Nguyên, mỗi chùa thường chỉ khắc có một bộ ván. Trong khi đó, chùa Bảo Lâm nằm ở xã Lạc Câu, cách cảng thị Hội An khoảng hơn 10km đường sông nhưng Hòa thượng Chí Bảo đã tổ chức khắc được hai bộ sách quý. Đó là bộ Di Đà sớ sao, Quy sơn cảnh sách cú thích ký (Thích Đồng Dưỡng, tr.75-77).

Thêm vào đó, chùa tọa lạc tại làng Lạc Câu - nơi có thủy bộ giao thông thuận lợi và cư dân quần tụ đông đúc hẳn là điều kiện quan trọng để bổn đạo đến hành lễ và đóng góp kinh phí vào Phật sự cho chùa. Ở thế kỷ 18, chùa Bảo Lâm là nơi thường xuyên diễn ra các hoạt động Phật sự lớn như thuyết pháp, giới đàn, an cư… Pháp hội tổ chức ngay tại chùa, được đông đảo tăng ni tín đồ đến dự lễ. Tất cả cho thấy chùa Bảo Lâm đã trở thành trung tâm Phật giáo quan trọng thời bấy giờ.

Lạc Câu nằm bên bờ Trường Giang là một làng cổ của vùng đất Quảng Nam, với dấu ấn sâu đậm về quá trình cộng cư Chăm - Việt - Hoa trong lịch sử. Đặc biệt, làng đã đóng góp quan trọng vào sự hưng vượng của Phật giáo Quảng Nam với ngôi chùa Bảo Lâm một thời vang bóng.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Làng Lạc Câu xưa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO