Lắng lại, theo những đường tơ

THÀNH CÔNG - LÊ QUÂN 13/06/2017 08:50

Như tách biệt với những ồn ã của phố xá, Festival Văn hóa tơ lụa và thổ cẩm Việt Nam - châu Á 2017 lắng lại theo nhịp quay tơ, theo những khung dệt truyền thống cùng bàn tay khéo léo của nghệ nhân. Một màn trình diễn của những tài hoa, mở màn cho nhiều kỳ vọng lớn hơn thông qua hàng loạt hoạt động của sự kiện này.

  • FESTIVAL DI SẢN QUẢNG NAM LẦN THỨ VI - 2017
  • Khai mạc Festival Văn hóa tơ lụa thổ cẩm Việt Nam - châu Á 2017
Du khách tìm hiểu chất lượng tơ lụa tại một gian trưng bày. Ảnh: THÀNH CÔNG
Du khách tìm hiểu chất lượng tơ lụa tại một gian trưng bày. Ảnh: THÀNH CÔNG

Hấp lực từ dệt truyền thống

Trong khuôn khổ Festival Hành trình Di sản Quảng Nam lần thứ VI, sáng 12.6, tại Làng lụa Hội An, khai mạc Festival Văn hóa Tơ lụa thổ cẩm Việt Nam - châu Á 2017 với sự tham dự của 7 nước châu Á và 12 làng nghề tơ lụa, thổ cẩm Việt Nam. Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Thanh đến dự.

Giữa không gian của kiến trúc nhà vườn ở Làng lụa Hội An, lụa và thổ cẩm cùng quy tụ trong ngày hội Festival Văn hóa Tơ lụa và thổ cẩm Việt Nam - châu Á 2017. Bên cạnh không gian trưng bày, trình diễn nghề dệt truyền thống, 80 nghệ nhân từ các tỉnh, thành phố đã mang đến festival những sản phẩm dệt chứa đựng tinh hoa của từng vùng. Những người tham dự ngày hội đã có dịp tận mắt chứng kiến đôi bàn tay tài hoa của nghệ nhân thoăn thoắt với thổ cẩm, hay cấu trúc đặc biệt của các khung dệt truyền thống người Chăm, Thái, Cơ Tu… Sắc màu của tơ, rộn ràng của thanh âm khung dệt và sự tinh tế trong đường nét, họa tiết, đã hình thành trong những tấm thổ cẩm độc đáo của từng dân tộc, từng vùng. Không khỏi thích thú trước màn trình diễn của các nghệ nhân, bạn Diệu Quỳnh (du khách đến từ Đà Nẵng) chia sẻ, nghệ thuật dệt mà các nghệ nhân đang trình diễn mang đến khá nhiều cảm xúc cho người xem. “Ngạc nhiên, thích thú và thực sự thán phục với tay nghề của các nghệ nhân. Không thể hình dung, những khung dệt thủ công hết sức thô sơ, qua bàn tay của họ lại tạo nên những mảnh thổ cẩm, mảnh lụa đẹp và tinh tế đến như vậy. Dù đã có nhiều lần được tham quan các làng nghề dệt truyền thống, song đây là lần đầu tiên tôi được gặp, được thấy và tìm hiểu từng nét đặc trưng của các làng nghề, phong cách và sự khác biệt trong dệt, nhuộm của từng dân tộc, từng vùng miền” - chị Quỳnh chia sẻ.

“Sự đóng góp của các làng nghề nổi tiếng như Mã Châu, Trung Lương, Thi Lai, Đông Yên, Bảo An của Quảng Nam trong quá khứ từng góp phần tạo nên sự sầm uất của “con đường tơ lụa trên biển” và thương cảng Hội An. Festival lần này nhắc nhớ truyền thống ấy, góp phần gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa của dân tộc. “Festival là cơ hội tốt để học hỏi, giao lưu kinh nghiệm, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh đối với sản phẩm tơ lụa, thổ cẩm, là cơ hội để quảng bá cho lụa Việt”. (Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Thanh)

Không gian trình diễn tại Làng lụa trở thành nơi thu hút đông đảo du khách trong buổi sáng khai mạc Festival Văn hóa Tơ lụa thổ cẩm Việt Nam - châu Á 2017. Không phải là lần đầu tiên tổ chức, song hấp lực của sự kiện này vẫn vẹn nguyên với du khách có mặt sáng 12.6 tại Làng lụa Hội An. Cùng với đó, là sự xuất hiện của đông đảo những gương mặt đại diện cho giới thiết kế hàng đầu Việt Nam. Đặc biệt, buổi trình diễn thời trang của nhà thiết kế nổi tiếng Minh Hạnh và ê kíp 15 nhà thiết kế trẻ vào tối 12.6 với chủ đề “Đêm lụa Phương Đông” thể hiện sinh động cho dòng thời trang tơ lụa ứng dụng vào đời sống hàng ngày, có sự kết hợp chặt chẽ giữa thời trang và chất liệu lụa, đũi Việt Nam.

Tôn vinh văn hóa tơ lụa

Đến từ làng dệt Chăm Mỹ Nghiệp, tỉnh Ninh Thuận, nghệ nhân Đàn Thị Kim Tính vừa thoăn thoắt đôi tay với khung dệt, vừa giới thiệu cho người xem về kết cấu, cách vận hành và đặc trưng của nghề dệt Chăm truyền thống. Là một trong số 80 nghệ nhân được mời đến tham dự festival lần này, nghệ nhân Đàn Thị Kim Tính bày tỏ niềm vui khi được đại diện cho làng dệt Mỹ Nghiệp giới thiệu những bản sắc độc đáo của nghề, đồng thời cũng là dịp để bà học hỏi thêm từ những nghệ nhân khác. “Làng nghề nào cũng có nét riêng, thổ cẩm mang một vẻ đẹp riêng đại diện cho dân tộc, cho địa phương đó. Đây là một dịp hiếm có để chúng tôi gặp gỡ với nhau, hiểu hơn về nét văn hóa của nghề, và cũng để học hỏi, biết thêm sự phong phú, đa dạng của sản phẩm nghề dệt” - nghệ nhân Đàn Thị Kim Tính nói.

Các nghệ nhân mang đến festival tơ lụa những sắc màu độc đáo của thổ cẩm từng dân tộc, từng vùng.
Các nghệ nhân mang đến festival tơ lụa những sắc màu độc đáo của thổ cẩm từng dân tộc, từng vùng.

Ông Lê Thái Vũ - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tơ lụa Quảng Nam nói trong niềm xúc động, rằng đây là lần thứ 3 Làng lụa Hội An tổ chức festival tôn vinh văn hóa nghề ươm tơ dệt lụa truyền thống, kết nối giao lưu để mở đầu ra cho thị trường tơ lụa Việt, từng bước đưa các đơn vị sản xuất tơ lụa đến với các tổ chức, thị trường quốc tế. Với uy tín là thành viên Hiệp hội Tơ lụa thế giới và Hiệp hội Tơ lụa châu Á, cùng mối quan hệ quốc tế với các đơn vị sản xuất tơ lụa trong khu vực, Làng lụa Hội An đã dần dần quy tụ được những cái tên sáng giá nhất của ngành sản xuất tơ lụa và thời trang thế giới tham dự festival. Họ đưa sản phẩm đến triển lãm, tham dự hội thảo, là tiền đề mở ra con đường hợp tác, phát triển thị trường chung tại châu Á cho thời trang tơ lụa. Sự quan tâm của các công ty tơ lụa lớn trong nước, cùng nghệ nhân từ các tỉnh, thành phố sẽ mang đến những tinh hoa của nghệ thuật dệt và nhuộm truyền thống cho công chúng thưởng lãm.

THÀNH CÔNG - LÊ QUÂN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Lắng lại, theo những đường tơ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO