Hệ sinh thái ở Khu bảo tồn (KBT) Sao la được ví như “lá phổi xanh” của đại ngàn Trường Sơn. Nơi đó, nhiều cán bộ, kiểm lâm đã âm thầm giữ gìn, xây dựng “ngôi nhà chung” cho nhiều loài động vật quý hiếm...
“Nằm gai nếm mật”
Sự kiện cá thể sao la xuất hiện 2 năm trước và được bẫy ảnh là bằng chứng về nỗ lực không mệt mỏi của các chuyên gia môi trường và kiểm lâm làm công tác bảo tồn. Năm 2011, trụ sở làm việc của KBT Sao la cũng được dựng lên giữa rừng, và phần lớn thời gian cán bộ, nhân viên tuần tra, bẫy ảnh vệ tinh để ghi nhận sự hiện diện của của động vật hoang dã đều ở những khu rừng âm u. Ông Đặng Đình Nguyên - nguyên Giám đốc Ban quản lý KBT Sao la cho biết: “Mỗi chuyến đi rừng, nhân viên bảo tồn mang theo máy ảnh, máy định vị toàn cầu (GPS). Máy rất đa dụng, chỉ cần loài động vật có máu đi qua (kể cả người) thì sẽ tự chụp ảnh lại với tốc độ 10 giây một lần. Hình ảnh động vật, người được máy ghi lại trong thẻ nhớ sẽ được nhân viên niêm phong, sau đó chuyển cho các chuyên gia của Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) giải mã. Sợ giới thợ săn phá nên công việc kiểm tra, chăm sóc máy móc gắn trên cây luôn thường xuyên”. Trong khu vực bảo tồn, có trại dựng lên trong vùng lõi để nhân viên kiểm lâm dừng chân khi truy quét. Dự án Carbi tài trợ thông qua Quỹ WWF Việt Nam đã biên chế 4 tổ quản lý bảo vệ rừng vùng lõi với 20 thành viên thường xuyên được tập huấn, rèn luyện và vận dụng các kỹ năng chuyên sâu về sử dụng bản đồ, máy GPS, la bàn; các kiến thức về đa dạng sinh học, kỹ năng xử lý tình huống khi gặp nguy hiểm và sơ cứu trong rừng bởi các chuyên gia trong nước và quốc tế.
Nhân viên bảo tồn chặt cây làm lán trại di động sinh hoạt qua đêm trong rừng trong mỗi chuyến tuần tra. Ảnh: T.H |
KBT Sao la có diện tích vùng lõi 15.378ha, vùng đệm 35.000ha thuộc địa bàn 2 huyện Đông Giang và Tây Giang. Theo Quỹ WWF Việt Nam, đời sống của cộng đồng dân cư quanh vùng đệm KBT còn khó khăn, kinh tế gia đình phụ thuộc nhiều vào khai thác tài nguyên rừng, nạn săn bắt động vật không hề có dấu hiệu giảm. Trong khi đó, lực lượng bảo vệ rừng của KBT Sao la còn mỏng so với diện tích quản lý rộng… là những thách thức không nhỏ. |
Theo Ban quản lý KBT Sao la, mỗi tổ bảo vệ rừng sẽ làm việc 22 ngày/tháng. Trong đó, 16 ngày tuần tra trong rừng và 6 ngày làm việc tại văn phòng. Khu vực tuần tra sẽ được thay đổi cho từng tổ. Khi có “điểm nóng” về khai thác hoặc săn bắt động vật hoang dã, các tổ sẽ được điều động phối hợp cùng lực lượng kiểm lâm KBT Sao la, các Hạt Kiểm lâm Đông Giang, Tây Giang, bộ đội biên phòng, công an, xã đội và các lực lượng chức năng khác trên địa bàn tham gia truy quét. Khi tuần tra rừng, các máy GPS mở liên tục trong ngày để tự động ghi lại tuyến tuần tra, các tọa độ có dấu hiệu vi phạm, có dấu vết cư trú hoặc di chuyển của thú rừng và cập nhật vào dữ liệu tuần tra được chuẩn bị sẵn. Hệ thống giám sát bằng máy móc hiện đại đã cập nhật thường xuyên dữ liệu về công việc tuần tra mỗi tháng, ghi nhận các hành vi vi phạm về khai thác gỗ, bẫy thú. Thêm nữa, từ tháng 5.2014, Ban quản lý KBT Sao la hợp đồng thêm 10 lao động, mỗi tháng thực hiện 2 đợt tuần tra theo các tuyến khác nhau, mỗi đợt kéo dài 6 - 8 ngày tùy theo địa hình, địa điểm. Các kiểm lâm làm công tác bảo tồn chia sẻ: “Mỗi chuyến tuần tra là hành trình vượt suối băng rừng dài ngày vất vả. Cán bộ bảo tồn thường xuyên nếm mật nằm gai, đáng sợ nhất là muỗi, vắt hút máu người. Công việc hàng ngày được máy móc giám sát vô cùng chặt chẽ nên hoàn toàn không có chuyện lơ mơ”.
Bảo vệ tài nguyên
Tăng cường các biện pháp quản lý, bảo vệ rừng Theo báo cáo của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, trong 5 năm (2010 - 2014), lực lượng chức năng của tỉnh xử lý 6.317 vụ vi phạm liên quan đến xâm hại đất rừng, vận chuyển, tiêu thụ, buôn bán gỗ bất hợp pháp, tịch thu hơn 11 nghìn mét khối gỗ các loại, hơn 3,8 tấn động vật rừng; tạm giữ 86 ô tô, gần 300 mô tô, thu nộp ngân sách gần 48 tỷ đồng. Riêng 3 tháng đầu năm nay, lực lượng chức năng đã triển khai hơn 200 lượt tuần tra, truy quét rừng tự nhiên cũng như các điểm sản xuất, kinh doanh lâm sản trên địa bàn. Theo đó, tạm giữ 270m3 gỗ các loại; thu 1,5 tấn than, 26 ô tô và xe máy; khởi tố hình sự 2 vụ vi phạm về quản lý và bảo vệ rừng. Trong khi đó, việc xâm hại rừng phòng hộ để mở rộng diện tích canh tác trên địa bàn các huyện Tiên Phước, Bắc Trà My có chiều hướng gia tăng. Tại cuộc họp với ngành kiểm lâm về công tác quản lý bảo vệ rừng vừa qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn yêu cầu Sở NN&PTNT chỉ đạo ngành kiểm lâm, phối hợp chặt với các cơ quan chức năng tăng cường các biện pháp quản lý, bảo vệ rừng theo các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh. Trước mắt, bố trí lực lượng giữ rừng vùng giáp ranh không để tái diễn “điểm nóng”, kiểm soát chặt chẽ các phương tiện đường thủy qua lại khu vực lòng hồ thủy điện…(H.P) |
Thói quen sống dựa vào rừng như săn bắn động vật hoang dã còn khá phổ biến với người dân địa phương. Ngoài các hình thức tuyên truyền, vận động đồng bào Cơ Tu không được xâm hại rừng, cán bộ bảo tồn còn phải tháo dỡ bẫy đặt động vật. Thời gian gần đây, các tiểu khu 12, 13, 14 thuộc xã Bha Lêê, tiểu khu 21 và 23 xã A Vương (Tây Giang); tiểu khu 36, 37 45, 47 xã Sông Kôn (huyện Đông Giang) nổi lên tình trạng phá rừng, bẫy thú rừng đến mức báo động. Nhiều trường hợp kiểm lâm cương quyết tịch thu phương tiện, dụng cụ trái phép trong rừng, thì các đối tượng đã có hành vi đe dọa, phá hoại tài sản lực lượng tuần tra KBT. Báo cáo của Ban quản lý KBT Sao la cho hay, giai đoạn 2011 - 2014, nhân viên bảo tồn đã tháo dỡ 15.580 bẫy dây cáp, đốt 410 lán trại trong rừng, tịch thu hơn 149m3 gỗ, đẩy đuổi 261 lượt người vào rừng trái phép, lập biên bản 10 vụ vi phạm. Riêng đầu năm 2015 xử lý 1 cá thể cầy mốc, cá thể sơn dương bẫy bắt trái phép và thu súng săn tự chế của một đối tượng. Tuy nhiên, theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, thành quả mỹ mãn nhất là các hình ảnh vệ tinh chụp được sự hiện diện của 31 loài động vật quý hiếm, trong đó có nhiều loài đặc hữu và biểu trưng của khu vực Trường Sơn như gấu ngựa, sơn dương, thỏ vằn, tê tê Java, khỉ mặt đỏ, khỉ đuôi lợn, cầy vòi mốc, cầy vằn. Đặc biệt vào tháng 9.2013, bẫy ảnh KBT đã ghi được hình sao la, là phát hiện vô cùng quan trọng trong công tác bảo vệ tài nguyên tại KBT Sao la cũng như kết quả sau 15 năm tìm kiếm sao la tại Việt Nam.
Theo TS. Văn Ngọc Thịnh - Giám đốc Quỹ WWF Việt Nam, còn sao la nghĩa là khu rừng nguyên sinh ở dải Trường Sơn còn giá trị về đa dạng sinh thái, rộng hơn là khu rừng đó vẫn có giá trị văn hóa. Cá thể sao la xuất hiện quả thật có ý nghĩa sống còn trong bối cảnh biến đổi khí hậu phức tạp như hiện nay, khi mà nhiều nơi đối mặt với hệ lụy con người sống phụ thuộc nhiều vào rừng. Cũng theo ông Thịnh, Quỹ WWF Việt Nam đã, đang phối hợp chặt chẽ với chính quyền 2 huyện Đông Giang và Tây Giang nỗ lực xây dựng chiến lược bảo tồn đa dạng sinh học xuyên biên giới, hỗ trợ lẫn nhau giữa các tỉnh biên giới hai nước Việt Nam và Lào để ngăn chặn việc vận chuyển gỗ, buôn bán động vật hoang dã trái phép. Ông Lê Hoàng Sơn – Giám đốc Ban quản lý KBT Sao la khẳng định, muốn bảo tồn sao la bền vững, giải pháp hữu hiệu là cần giữ rừng tận gốc, hỗ trợ phát triển sinh kế cho người dân vùng đệm. Trước mắt chính quyền địa phương cần triển khai các mô hình sản xuất dưới tán rừng, nông - lâm kết hợp… “Chi cục Kiểm lâm tỉnh, Ban quản lý KBT Sao la tiếp tục phối hợp với Quỹ WWF trong nỗ lực đào tạo, nâng cao năng lực cho nhân viên bảo vệ rừng cũng như đề xuất dự án Carbi tiếp tục hỗ trợ giai đoạn 2 cho hoạt động tuần tra (giai đoạn đầu của dự án này kết thúc tài trợ năm 2016)” – ông Sơn đề xuất.
TRẦN HỮU