Lặng lẽ một tình yêu...

Đặng Nam Đông 18/03/2013 07:13

Gần ba năm nay, các học viên của Trung tâm Tin học - ngoại ngữ Đại học Quảng Nam đã khá quen thuộc với nữ giảng viên người Mỹ - Alizabet Smith. Bằng sự nhiệt tâm của một người truyền đạt Anh ngữ và bằng tấm lòng mến yêu với mảnh đất và con người xứ Quảng nói chung, TP.Tam Kỳ nói riêng, Alizabet Smith đã để lại những ấn tượng hết sức tốt đẹp nơi đồng nghiệp, học viên và những người mà cô quen biết…

Alizabet Smith đã gắn bó với Trung tâm Tin học - ngoại ngữ Đại học Quảng Nam gần 3 năm qua. Ảnh: N.ĐÔNG
Alizabet Smith đã gắn bó với Trung tâm Tin học - ngoại ngữ Đại học Quảng Nam gần 3 năm qua. Ảnh: N.ĐÔNG

Alizabet Smith sinh năm 1980, tốt nghiệp đại học ngành khoa học xã hội tại Mỹ. Trong một lần cùng bố mẹ du lịch sang Việt Nam, cô biết được rằng ở đất nước hình chữ S xinh đẹp và hiếu khách này rất cần giảng viên ngoại ngữ người nước ngoài. Kết thúc chuyến du lịch, Smith quay lại Mỹ và đăng ký học khóa sư phạm rồi xin sang Việt Nam làm giảng viên cho các trung tâm Anh ngữ vào năm 2008. Ngần ấy năm, Smith đã đi qua khá nhiều tỉnh thành như Hà Nội, Vinh (Nghệ An), Đà Nẵng… Mỗi nơi đến, cô chỉ lưu lại khoảng một năm và tiếp tục xin đi dạy ở nơi khác. Riêng với Tam Kỳ - Quảng Nam, Smith đến và bén duyên đã tròn 3 năm mà vẫn lưu luyến chưa muốn chia tay. Gương mặt phúc hậu, phong cách nhẹ nhàng và khá thân thiện, gần gũi khi đứng lớp truyền đạt kiến thức cũng như tình cảm chân thành, cởi mở khi giao tiếp… là những ấn tượng Smith để lại nơi các học viên tại Trung tâm Tin học - ngoại ngữ trường Đại học Quảng Nam. Thu Trang, học sinh trường chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, dù chỉ mới tiếp xúc một thời gian ngắn nhưng lại rất quý mến cô giáo Smith. Trang nói: “Em thích học cô Smith vì phong cách dạy nhẹ nhàng, sự thân thiện và gần gũi với học sinh. Ở cô toát lên một tình yêu mến học trò như người thân của mình và cô cũng đã từng nói với em rằng “cô rất yêu quý thành phố của em”.

Lần đầu đến Tam Kỳ, Alizabet Smith khá bỡ ngỡ trước một vùng đất bình lặng, thậm chí là khá buồn so với những thành phố mà cô đã từng đi qua. Nhưng chính ở đây, Smith đã gặp những đồng nghiệp, những người bạn hết sức chân thành, tận tình hướng dẫn, giúp đỡ ân cần về mọi mặt trong đời sống sinh hoạt của cô. Đó là vợ chồng Thạc sĩ Phạm Thị Diệu Hiền - giảng viên ngoại ngữ trường Đại học Quảng Nam, là anh Tùng - Giám đốc Trung tâm Tin học - ngoại ngữ và nhiều người khác nữa… Đặc biệt, ở Thạc sĩ Phạm Thị Diệu Hiền, Smith tìm thấy những nét tương đồng đáng quý ngoài công việc chuyên môn. Họ thường xuyên trò chuyện với nhau sau mỗi ngày lên lớp. Chị Hiền hệt như một hướng dẫn viên chuyên nghiệp khi đã mang đến hay nói đúng hơn đã thổi vào tâm hồn người bạn Mỹ của mình một tình cảm đặc biệt về vùng đất, con người nơi họ đang sống và làm việc. Tam Kỳ đã giữ chân Smith khá lâu như thế chính bởi cô đã cảm nhận được sự khác biệt về địa lý cũng như về môi trường sống, về sự bình yên hiếm thấy so với những thành phố ồn ào mà cô đã đi qua. Nhờ Thạc sĩ Diệu Hiền, Smith có được cảm nhận khá đầy đủ về thắng cảnh nơi đây, về một thành phố nơi gặp gỡ của 3 sông, có đồng, có núi, có biển; con người Tam Kỳ lại thuần hậu, sống nhẹ nhàng và hiếu khách…

Ngôi nhà nhỏ của vợ chồng Thạc sĩ Diệu Hiền (ở phường An Mỹ) là nơi Smith thường xuyên lui tới và xem như nhà của mình. Tới đây, Smith được sống trong tình cảm yêu thương gia đình, được gặp gỡ và chuyện trò cùng những em nhỏ hàng xóm. Đây là điều cô rất trân trọng, bởi Smith rất yêu thương trẻ con. Giữa cô và bọn trẻ dường như không có khoảng cách…Cứ vào ngày cuối tuần, chị Diệu Hiền muốn chiêu đãi bạn mình những món ăn Việt truyền thống nên đưa Smith đến chợ để cùng nhau chọn lựa thực phẩm chuẩn bị cho bữa cơm gia đình. Điều hấp dẫn Smith khi thả bộ vào chợ là không khí sôi động với nhiều âm thanh của kẻ bán người mua. Cô dường như cũng bị cuốn vào không khí nhộn nhịp ấy để trở thành một người Việt bình thường, không chút e dè ngại ngùng của một vị khách bên trời Tây.
Đi chợ rồi vào bếp là một trong rất nhiều sở thích của Smith trong thời gian lưu lại Tam Kỳ. Cũng nhờ người bạn thân là Diệu Hiền mà Smith đã ít nhiều biết chế biến các món ăn Việt. Nhìn cách cô xử lý nguyên liệu và tự tay xào nấu khá thành thạo, gọn gàng các món ăn như rau muống xào tỏi, mực xào thơm hay đậu khuôn chiên… trong căn bếp nhỏ nhà chị Hiền, đủ thấy cô giảng viên người Mỹ đã giành tâm huyết cho việc nấu nướng các món ăn Việt thế nào. “Đây cũng là cách Smith học hỏi thêm để quyết định gắn bó lâu dài hơn với Việt Nam” - cô giảng viên người Mỹ cười hiền. Có lẽ những khoảnh khắc đáng yêu như thế đã lặng lẽ góp phần bồi đắp trong tâm hồn Alizabet Smith một tình yêu với Tam Kỳ.

Đặng Nam Đông

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Lặng lẽ một tình yêu...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO